|
Thịt heo được bán tại chợ Hiệp Bình, quận Thủ Đức, TPHCM. Nhiều Bộ, ngành, cơ quan đơn vị đang cùng vào cuộc để giải cứu thịt heo. Ảnh: Vũ Yến |
(TBKTSG Online) - Ngày 4-5, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Sở Tài chính các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi thông báo về các biện pháp giúp ngành chăn nuôi heo vượt khó và tăng cường bình ổn thị trường thịt heo trong bối cảnh giá heo hơi giảm mạnh.
Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu phải kiểm soát chặt các yếu tố hình thành giá khi xây dựng phương án giá thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; giảm giá thành, giá bán sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; xử lý nghiêm doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực giá….
Bộ tài chính yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất đầu vào của ngành chăn nuôi, nhất là thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y rà soát, tính toán và có các giải pháp công nghệ, quản lý phù hợp nhằm tiết kiệm chi phí, giảm giá bán sản phẩm. Các doanh nghiệp phải điều chỉnh giảm ngay giá bán sản phẩm khi các yếu tố chi phí đầu vào giảm, kê khai giá theo quy định.
Những đơn vị, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Bộ cũng khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y khi bán sản phẩm ra thị trường cần có sự chia sẻ lợi ích với người tiêu dùng nhằm đảm bảo cân bằng, hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Đối với Sở Tài chính Bộ yêu cầu theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, rà soát, nắm tình hình cân đối cung cầu trên địa bàn để chủ động tham mưu trình UBND tỉnh có phương án kịp thời nhằm bình ổn thị trường.
Trước đó, để kịp thời hỗ trợ người chăn nuôi heo, giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục và ổn định sản xuất, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn số 3091/NHNN-TD gửi các tổ chức tín dụng yêu cầu các tổ chức tín dụng căn cứ vào khả năng tài chính để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi và sản xuất thuốc thú y.
Các biện pháp được Ngân hàng Nhà nước gợi ý bao gồm cơ cấu lại thời hạn trả nợ để phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng; xem xét thực hiện các biện pháp hỗ trợ khác (bao gồm cả miễn, giảm lãi vay, lãi quá hạn; ưu tiên thu nợ gốc trước thu nợ lãi sau) nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh. Khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ, ngân hàng thương mại cho vay được giữ nguyên nhóm nợ một lần đối với một khoản nợ; cho vay mới để phục hồi sản xuất kinh doanh đối với khách hàng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi.
Từ yêu cầu này của Ngân hàng Nhà nước, một số ngân hàng thương mại đã có những động thái để hỗ trợ người chăn nuôi, doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực này.
Cụ thể, từ ngày 10-5-2017, Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) sẽ xem xét giảm 30% lãi suất cho vay hiện hữu đối với các khách hàng hoạt động sản xuất - kinh doanh chăn nuôi heo đã nhận cấp vốn tín dụng của Kienlongbank trong thời gian qua. Thời gian triển khai chương trình dự kiến là ba tháng.
Kienlongbank sẽ hỗ trợ khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi vay, lãi quá hạn, ưu tiên thu nợ gốc trước thu nợ lãi sau nhằm giúp khách hàng có điều kiện khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cũng đã công bố dành gói cho vay ưu đãi 500 tỉ đồng cho đối tượng là các hộ nông dân, nhà máy chế biến thịt heo đông lạnh... với lãi suất thấp hơn 2% so với lãi suất thị trường mà các đối tượng này vay vốn trong thời hạn một năm.
http://www.thesaigontimes.vn/159729/Tang-cuong-bien-phap-giup-nganh-chan-nuoi-heo-vuot-kho.html
|