Từ 15-9, heo có truy xuất nguồn gốc mới được bán ở TPHCM


Từ 15-9, heo có truy xuất nguồn gốc mới được bán ở TPHCM

Vũ Yến
Thứ Tư,  24/5/2017, 19:36 (GMT+7)

 
Nếu việc triển khai suôn sẻ, từ 15-9 tới heo có truy xuất nguồn gốc mới được bán tại TPHCM. Trong ảnh: Heo có truy xuất nguồn gốc được giết mổ tại công ty Vissan. Ảnh: TL

(TBKTSG Online) – “Nếu không có gì thay đổi, bắt đầu từ 15-9, heo có truy xuất nguồn gốc, đeo vòng nhận diện có đầy đủ thông tin mới được bán tại TPHCM”, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TPHCM nói tại buổi giám sát của HĐND thành phố về việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm chiều nay (24-5).

Theo ông Tuyến, việc triển khai này đáng lẽ được triển khai từ tháng 6 nhưng đã được dời lại đến tháng 9 trong bối cảnh ngành chăn nuôi heo, người chăn nuôi gặp khó khăn do giá heo hơi rớt mạnh.

Ông Tuyến cho biết, vòng nhận diện được gắn cho heo phải đảm bảo đầy đủ thông tin truy xuất. Các thành phần liên quan sẽ bị truy trách nhiệm và xử lý nếu thực hiện không đầy đủ, làm để đối phó. 

"Việc quản chặt nguồn gốc thịt heo nói riêng và các loại thực phẩm kinh doanh tại TPHCM nói chung là việc phải làm để đảm bảo người dân thành phố được sử dụng thực phẩm an toàn. Việc làm này không chỉ nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng hiện tại mà còn là để bảo vệ thế hệ tương lai", ông Tuyến nhấn mạnh.   

Cũng tại buổi giám sát, nhiều đại biểu bày tỏ sự lo ngại về tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm tại TPHCM. Các đại biểu đề nghị thành phố phải có biện pháp chế tài, xử lý nghiêm hơn, nặng hơn, bao gồm nâng mức xử phạt vi phạm hành chính cũng như bổ sung biện pháp xử phạt hình sự đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm.   

Hoạt động quản lý an toàn thực phẩm chưa hiệu quả nên người dân còn lo lắng về các bữa ăn không đảm bảo an toàn, theo ý kiến của bà Hoàng Thị Diễm Tuyết, đại biểu HĐND TPHCM, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương. "Qua đợt khảo sát của HĐND TPHCM vừa rồi cho thấy việc xử phạt những vụ vi phạm chưa đủ sức răn đe, cần phải xử phạt nặng hơn nữa”, bà nói.

Cũng theo bà Tuyết, hiện nay công cụ để đánh giá, phục vụ cho việc kiểm nghiệm thực phẩm còn thô sơ, số lượng mẫu thử nghiệm còn ít, thời gian cho kết quả lâu vì vậy ảnh hưởng tới kết quả xử lý vi phạm. Do đó, bà Tuyết đề nghị cần phải trang bị thêm công cụ, xây thêm phòng kiểm nghiệm thực phẩm hiện đại để giúp các cơ quan chức năng có được kết quả kiểm tra nhanh, ngăn chặn thực phẩm bẩn được bán cho người tiêu dùng.

Về trang thiết bị phục vụ cho công tác xét nghiệm thực phẩm, bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó trưởng ban quản lý an toàn thực phẩm TPHCM cho biết, ban quản lý mới tiếp nhận trung tâm kiểm nghiệm thuốc, thực phẩm. Đồng thời, ban cũng đang phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng đề án nâng cao năng lực kiểm nghiệm để thực hiện kiểm nghiệm nhanh, thử nghiệm nào có độ nhạy tốt để đáp ứng yêu cầu thực tế. Ngoài ra, cũng sẽ tập trung phát triển những chuỗi thực phẩm an toàn…

Ngoài ra, cũng có đại biểu đặt vấn đề, bên cạnh các chế tài, xử lý các đơn vị sản xuất kinh doanh vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm thì cũng cần bổ sung văn bản pháp luật chế tài, xử lý cán bộ, cơ quan quản lý nếu tắc trách trong quản lý thực phẩm.

Về văn bản pháp luật xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm, ông Tuyến cho biết, sắp tới TPHCM sẽ có đề xuất để sửa đổi quy định pháp luật, để từ đó có thể áp dụng mức chế tài nặng hơn đối với cá nhân, tổ chức vi phạm.

Ông Phạm Đức Hải, Phó chủ tịch HĐND TPHCM cho biết, thời gian sắp tới thành phố cần tuyên truyền cho người tiêu dùng biết về 86 chuỗi thực phẩm an toàn đang có và đẩy mạnh phát triển chuỗi này. Đồng thời, thành phố cần làm rõ, phân định tách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý, sản xuất kinh doanh, phân phối… thực phẩm.

Theo báo cáo của UBND TPHCM, trong gai đoạn 2015-2016, các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành 3 cấp của thành phố đã thanh, kiểm tra hơn 98.000 cơ sở thực phẩm, phát hiện gần 15.000 cơ sở vi phạm, chiếm tỷ lệ hơn 15% với số tiền phạt trên 56 tỉ đồng. Các đoàn thanh tra, kiểm tra cũng đã tịch thu, tiêu hủy trên 556 tấn hàng hóa thực phẩm không đảm bảo an toàn.

Báo cáo cũng nêu ra một số khó khăn liên quan đến việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm tại TPHCM trong hai năm qua. Cụ thể như một số văn bản quy phạm pháp luật chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ gây khó khăn trong quản lý; chưa có quy định kinh doanh riêng với mặt hàng hóa chất, phụ gia dùng trong công nghiệp với hóa chất, phụ gia dùng trong thực phẩm; quản lý an toàn thực phẩm tại chợ truyền thống còn nhiều khó khăn; khó khăn trong việc kiểm soát nguồn thực phẩm vào thành phố…
http://www.thesaigontimes.vn/160480/Tu-15-9-heo-co-truy-xuat-nguon-goc-moi-duoc-ban-o-TPHCM.html

Bài viết khác