Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đánh giá, bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ trong 30 năm trở lại đây, tạo nền tảng để xây dựng thương hiệu điều Việt Nam, song cây điều vẫn mang lại nguồn thu nhập không cao và thường xuyên chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, thời tiết.

Số 1 thế giới nhưng hiệu quả chưa cao

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, hiện Việt Nam có hơn 465 doanh nghiệp chế biến điều với tổng công suất thiết kế trên 1,4 triệu tấn hạt/năm. Do có sự đầu tư mở rộng sản xuất và xây dựng mới, nên so sánh về mặt công suất chế biến, các DN có quy mô công suất lớn đã chiếm trên 70% sản lượng. Tuy nhiên, so sánh về số lượng, thì số cơ sở chế biến nhỏ vẫn còn chiếm gần 70% cơ sở (314 cơ sở).

Trong đó, mới có khoảng 20 doanh nghiệp lớn đầu tư cho các sản phẩm chế biến sâu như điều rang muối, điều chiên bơ, điều có gia vị, điều hỗn hợp, bánh kẹo điều… với công suất 15,4 nghìn tấn sản phẩm/năm, còn lại là các cơ sở nhỏ lẻ, cung ứng cho thị trường nội địa khoảng 20.000 tấn sản phẩm/năm.

Bên cạnh đó, có 26 cơ sở chế biến dầu vỏ hạt với công suất 80.000 tấn sản phẩm/năm và 5 cơ sở tinh luyện dầu vỏ hạt, công suất 6.000 tấn sản phẩm/năm.

Về tiêu thụ điều nhân, Việt Nam đã xuất khẩu tới trên 90 thị trường và vùng lãnh thổ và là một trong những "cường quốc" xuất khẩu hạt điều với giá trị xuất khẩu ngày càng cao. Năm 2017, xuất khẩu điều của Việt Nam đạt 3,6 tỷ USD. Cùng với đó là việc hình thành một ngành công nghiệp chế biến điều, góp phần tạo công ăn việc làm trong lĩnh vực trồng trọt và sản xuất cho gần 1 triệu dân. 

Cũng theo Cục Trồng trọt, mặc dù là nước xuất khẩu điều lớn nhất thế giới, song Việt Nam mới chỉ tham gia vào khâu chế biến sơ, tương đương 18% chuỗi giá trị điều. Phần lợi nhuận lớn nhất vẫn nằm ở khâu chế biến rang muối và phân phối với tổng giá trị gần 60%. Ngành điều Việt Nam gặp khá nhiều thách thức khi tham gia vào các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.

Bên cạnh đó, ngành điều hiện nay cũng gặp khó khăn khi phần lớn diện tích trồng điều phân bố ở vùng sâu, vùng xa; chưa được quan tâm đầu tư thâm canh, đặc biệt là tưới nước, quản lý sâu bệnh, bón phân; liên kết sản xuất và chế biến sâu còn hạn chế…,

Ngoài ra, việc có quá nhiều cơ sở chế biến hạt điều nhỏ lẻ hoạt động theo lối mạnh ai nấy làm, thiếu sự liên kết, nhiều DN không có cơ sở chế biến, chỉ mua gom để xuất khẩu, đã khiến chất lượng sản phẩm xuất khẩu không đồng đều, thấp và với số lượng không đáng kể nhưng lại cạnh tranh về giá, làm thiệt hại cho ngành điều nói chung.

"Cuộc đua" tái cơ cấu

 

Thực tế phát triển cho thấy ngành điều Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn thách thức như tốc độ tăng trưởng của nguồn cung điều hàng năm chỉ đạt 3,5%/năm, trong khi nhu cầu tiêu dùng tăng trưởng 6%/năm. Như vậy, ngành điều thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đối mặt với tình trạng cầu vượt cung, dẫn đến giá điều tăng, thiếu nguyên liệu phục vụ cho chế biến trong vài năm trở lại đây.

Theo các chuyên gia, năng suất điều có thể tăng được 30 - 40%, nếu áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác. Đây là một trong những giải pháp đột phá để phát triển ngành điều. Bên cạnh đó, các giải pháp khác như: tái canh, liên kết 4 nhà, chế biến sâu cần được chú trọng đầu tư trong thời gian tới để ngành điều phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) nêu thực tế: Sản phẩm chế biến sâu bày bán trong siêu thị của các nước châu Mỹ, châu Âu một kilogam có giá 25 - 30USD, trong khi sản phẩm điều xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn ba lần (chỉ từ 10 - 11 USD/kg). Ngành điều phải tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến xuất khẩu mới nâng cao được giá trị hạt điều trên thị trường thế giới.

Theo "Tư lệnh" Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, thời gian tới Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ tập trung vào tái cơ cấu ngành điều. Cụ thể, không tăng diện tích sản xuất, giữ nguyên 300 ngàn ha trồng điều như hiện nay và đẩy nhanh các giải pháp tăng năng suất lên gấp đôi, thậm chí gấp ba. Bên cạnh đó, tập trung phát triển chế biến sâu, lựa chọn những doanh nghiệp có năng lực để đầu tư phát triển.

Đặc biệt, phải tổ chức chuỗi liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến xuất khẩu. Song song đó là việc phát triển thị trường trong nước, phát triển ngành điều gắn với du lịch. Theo đó, Bộ sẽ phối hợp cùng Hiệp hội điều Việt Nam tổ chức sự kiện “Quả điều vàng” hàng năm nhằm tôn vinh và quảng bá sản phẩm hạt điều tới người tiêu dùng trong nước cũng như quốc tế.