Chính phủ giải quyết vướng mắc, ách tắc của nông dân với tinh thần xuất phát từ thực tiễn


Chính phủ giải quyết vướng mắc, ách tắc của nông dân với tinh thần xuất phát từ thực tiễn

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời các câu hỏi của nông dân tại Hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023

Chiều 30/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ dự hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023. Hội nghị với chủ đề "Nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững". Tham dự hội nghị có 300 đại biểu, trong đó có trên 70 nông dân tiêu biểu là đại diện cho hơn 10 triệu hội viên nông dân cả nước. Hội nghị được kết nối trực tuyến tại điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố.

Gần 2.000 câu hỏi, đề xuất 6 nhóm vấn đề trọng tâm gửi đến Thủ tướng

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023 càng ý nghĩa hơn khi Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới và thành công rực rỡ của Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Chuẩn bị cho Hội nghị đối thoại, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã triển khai lấy ý kiến sâu rộng trong các cấp Hội, hội viên nông dân cả nước; đã có gần 2.000 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị được gửi tới Thủ tướng Chính phủ tập trung vào 6 nhóm vấn đề chính gồm:

(1) Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 26/NQ-CP ngày 27/2/2023 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2023; tầm nhìn đến năm 2045; đặc biệt là các lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên triển khai như phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp sinh thái, thúc đẩy chuỗi liên kết đa giá trị.

(2) Mong muốn Chính phủ quan tâm đến các giải pháp hỗ trợ nông dân khi tham gia Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, giảm phát thải vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Chính phủ giải quyết vướng mắc, ách tắc của nông dân với tinh thần xuất phát từ thực tiễn- Ảnh 1.

(3) Kiến nghị, đề xuất Chính phủ có các giải pháp thúc đẩy hỗ trợ chuyển đổi số mạnh mẽ trong nông nghiệp như hỗ trợ, trang bị thiết bị chuyển đổi số, hạ tầng mạng, viễn thông; đặc biệt là công tác tập huấn, thông tin tuyên truyền về chuyển đổi số.

(4) Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả các đề án về canh tác cà phê, sản xuất tôm theo chuỗi bền vững; mong muốn Chính phủ ưu tiên hỗ trợ đầu tư vào việc quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung; gắn với xây dựng nhà máy chế biến, tạo chuỗi giá trị bền vững, hài hòa lợi ích giữa người nông dân và doanh nghiệp; thúc đẩy du lịch nông nghiệp, nông thôn.

(5) Mong muốn Chính phủ có giải pháp, chính sách trong việc xử lý ô nhiễm môi trường ở nông thôn, nhất là ô nhiễm nguồn nước ở sông, kênh mương; tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa khoa học; quy hoạch, phát triển công nghiệp, làng nghề … để xây dựng nông thôn thực sự hiện đại, xanh và ngày càng hình thành nhiều miền quê đáng sống.

(6) Mong muốn Chính phủ quan tâm giải quyết, chăm lo đời sống an sinh xã hội cho người nông dân (giải quyết việc làm cho lao động nông thôn sau khi dịch chuyển sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ ở khu công nghiệp, ở đô thị hay đi xuất khẩu lao động quay về nông thôn…).

Chính phủ giải quyết vướng mắc, ách tắc của nông dân với tinh thần xuất phát từ thực tiễn- Ảnh 3.Đại biểu tham dự Hội nghị đặt câu hỏi đối thoại với Thủ tướng

Tại Hội nghị đối thoại, những đề xuất, kiến nghị của cán bộ, hội viên nông dân, các HTX, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học đã được Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành lắng nghe, trực tiếp trao đổi thẳng thắn, giải đáp đầy đủ. Đây là tiền đề quan trọng, là niềm tin, là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với Hội Nông dân và giai cấp nông dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao cuộc đối thoại diễn ra trong không khí sôi nổi, dân chủ, trách nhiệm, hiệu quả, đề cập tới nhiều vấn đề khác nhau, góp phần giải quyết được một số vướng mắc, ách tắc với tinh thần xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, dù một cuộc đối thoại không thể giải quyết được hết các vấn đề của nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Thủ tướng nêu rõ, các cuộc đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với nông dân nhằm tiếp tục triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thủ tướng khẳng định: Đảng, Nhà nước luôn nhất quán quan điểm xuyên suốt về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân; đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, chiến lược, khẳng định vai trò, vị thế của nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong tiến trình phát triển đất nước. Những đóng góp của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân vào thành tựu chung của đất nước là rất to lớn và hết sức quan trọng; khẳng định được vai trò và vị trí, góp phần làm vững chắc thêm nền tảng cho đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Thủ tướng nêu 8 nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung

Để phát huy quyền làm chủ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho bà con nông dân, đồng thời triển khai thắng lợi, có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là Nghị quyết 19-NQ/TW và Nghị quyết 20-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, Hội Nông dân Việt Nam tập trung triển khai 8 nhiệm vụ, giải pháp:

Một là, nâng cao tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và vị thế chính trị của nông dân Việt Nam trong đổi mới và hội nhập quốc tế; nâng cao ý chí quyết tâm, không cam chịu nghèo nàn, lạc hậu, ý chí tự lực, tự cường, thực hiện khát vọng làm giàu góp phần phát triển nền nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại, thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững và nông dân thật sự có đời sống ấm no, hạnh phúc;

Chính phủ giải quyết vướng mắc, ách tắc của nông dân với tinh thần xuất phát từ thực tiễn- Ảnh 4.Đại biểu tham dự Hội nghị đặt câu hỏi đối thoại với Thủ tướng

Hai là, nâng cao nhận thức của nông dân về phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn, nông nghiệp thông minh, sạch và an toàn, tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, tích cực hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, tận dụng mọi cơ hội, biến nguy thành cơ và không để ai bị bỏ lại phía sau;

Ba là, nhận thức đầy đủ vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới;

Bốn là, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nghề cho nông dân, lao động nông thôn và hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh.

Năm là, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ Hội các cấp đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ;

Sáu là, chủ động hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy mạnh đối ngoại nhân dân. Tạo điều kiện cho Hội Nông dân Việt Nam tham gia các tổ chức nông dân của khu vực và quốc tế; phát huy vai trò của nông dân trong hoạt động đối ngoại nhân dân, hội nhập quốc tế, hợp tác, giao thương, trao đổi, giới thiệu hàng hoá nông sản giữa nông dân Việt Nam với nông dân các nước;

Bảy là, tập trung triển khai nguồn lực, nhân lực để thực hiện tốt các đề án, chiến lược phát triển của ngành nông nghiệp, trong đó chú trọng đến các chương trình, đề án về giảm phát thải, chống biến đổi khí hậu;

Tám là, tập trung triển khai đẩy mạnh chuyển đổi số nông nghiệp; làm thay đổi mạnh mẽ chuỗi sản xuất- chế biến- kinh doanh nông sản, hướng tới mục tiêu "Mỗi người nông dân đều có khả năng truy cập, khai thác, sử dụng hiệu quả nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc, giảm sự phụ thuộc vào các khâu trung gian từ sản xuất, phân phối đến người tiêu dùng"…

Bài viết khác