|
Do Việt Nam chưa có tiêu chuẩn hay hành lang pháp lý về nông nghiệp hữu cơ nên thời gian qua nhiều doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã áp dụng tiêu chuẩn của Mỹ, EU cho trang trại của mình. Trong ảnh là một trang trại rau đạt chứng nhận USDA của Mỹ. Ảnh: NH |
(TBKTSG Online) – Để tạo thuận lợi và khuyến khích cho người dân, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp hữu cơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) các tỉnh, thành sẽ là nơi cấp giấy chứng nhận hữu cơ và chứng nhận này chỉ bán ở thị trường trong nước.
Ngày 22-8, tại TPHCM, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội thảo "Chia sẻ thông tin về chính sách quản lý để thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam" với mục đích lấy ý kiến các bên có liên quan cho việc xây dựng dự thảo nghị định sản xuất về nông nghiệp hữu cơ.
Theo Bộ NN&PTNT, để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc sản xuất theo nông nghiệp hữu cơ, đơn vị cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất hữu cơ là Sở NN&PTNT các tỉnh, thành.
Do hiện nay, sản xuất nông hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã vẫn chiếm phần lớn nên dự thảo cũng sẽ phân thành hai đối tượng chịu sự chứng nhận. Cụ thể, những đối tượng này có thể làm theo phương thức tự nguyện áp dụng theo tiêu chuẩn của Hệ thống đảm bảo sự tham gia (PGS) do Liên đoàn quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ (IFOAM) xây dựng và ban hành.
Theo Bộ NN&PTNN, tiêu chuẩn PGS cũng tương đương tiêu chuẩn CODEX, đáp ứng quy định, kỹ thuật của Việt Nam. PGS chỉ dành cho những nông hộ nhỏ, tổ hợp tác hay hợp tác xã và dùng cho thị trường nội địa.
Đối với sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp sẽ làm theo một tiêu chuẩn quốc tế về hữu cơ. Tiêu chuẩn quốc tế về hữu cơ sẽ dựa trên những tiêu chuẩn về hữu cơ của Mỹ hoặc EU nhằm tạo sự tương thích cho doanh nghiệp khi xuất khẩu sản phẩm này.
Lúc này, Sở NN&PTNT sẽ không cấp giấy chứng nhận này mà là một tổ chức chứng nhận được ủy quyền là đơn vị chứng nhận.
Tuy nhiên, cả hai chứng nhận PGS hay tiêu chuẩn quốc tế cho xuất khẩu sẽ sử dụng logo sản phẩm hữu cơ Việt Nam. Bộ NN&PTNN sẽ là nơi quyết định mẫu logo cũng như chịu trách nhiệm đăng ký và quản lý logo sản phẩm hữu cơ Việt Nam.
Dự kiện dự thảo sẽ có hiệu lực 1 năm sau khi được bàn hành.
Bộ NN&PTNT cho biết, hiện có khoảng 162 nước đang canh tác hữu cơ, trong đó, có nhiều nước đã ban hành tiêu chuẩn và quy định nông nghiệp hữu cơ như Mỹ, EU, Úc, Canada, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Trong khu vực ASEAN nhiều nước đã có tiêu chuẩn hữu cơ như Thái Lan, Philippines, Malaysia, Đông Timor...
http://www.thesaigontimes.vn/163859/So-Nong-nghiep-la-noi-cap-chung-nhan-huu-co.html
|