Nghị quyết trung ương 5: Làn gió mới cho nông nghiệp


Nghị quyết trung ương 5: Làn gió mới cho nông nghiệp

07:38 AM - 12/06/2017 Thanh Niên
Chí Nhân - Mai Phương
 
Chủ trương tích tụ ruộng đất, khuyến khích tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân của Nghị quyết T.Ư 5 đang tạo ra một làn gió mới đầy hứng khởi cho cả nông dân và cộng đồng doanh nghiệp.
 
Hóa giải nỗi lo cho nông dân
 
 
Nghị quyết trung ương 5: Làn gió mới cho nông nghiệp - ảnh 1
Nghị quyết T.Ư 5 đã đưa ra mục tiêu cụ thể để
tích tụ ruộng đất. Điều này sẽ tạo điều kiện thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư lớn từ các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp
Nghị quyết trung ương 5: Làn gió mới cho nông nghiệp - ảnh 2
 
Chuyên gia kinh tế Lê Viết Thái, nguyên Trưởng ban Thể chế kinh tế - Viện Quản lý kinh tế T.Ư
 
Ông Nguyễn Thành An ở Thoại Sơn (An Giang), một nông dân sản xuất giỏi, đang sở hữu và sản xuất lúa trên diện tích hơn 100 ha, thành quả lao động và tích cóp cả đời mà ông có được nhưng lâu nay ông vẫn không an tâm vì không thể đứng tên sở hữu toàn bộ gia tài do vướng luật không cho phép. Cũng vì thế, dù có khả năng tích tụ thêm ruộng đất để mở rộng quy mô sản xuất nhưng ông An cũng không dám mạo hiểm. Mấy năm gần đây, ông An liên kết với doanh nghiệp (DN) trồng lúa Nhật xuất khẩu nhưng diện tích 100 ha không ăn thua nên ông An đi vận động bà con xung quanh liên kết thành tổ hợp tác trên cánh đồng lên đến 500 ha. Ông phân tích, với quy mô này mới đạt hiệu quả cao vì các loại chi phí đều giảm. Vì vậy, với ông An, việc nghị quyết nêu rõ: “Chuyển mạnh từ sản xuất theo hộ gia đình riêng lẻ sang mô hình sản xuất hợp tác, liên kết, tập trung, quy mô lớn; có cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút mạnh mẽ các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn” như "cởi trói" mối lo canh cánh lâu nay trong lòng ông.
Cùng tâm trạng trên, ông Trần Ngọc Hiệp, chủ thương hiệu thanh long Hoàng Hậu ở tỉnh Bình Thuận, chia sẻ mong muốn những chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp sớm thành hiện thực. Xuất thân từ nông dân, 30 năm trước ông Hiệp đã nhận thấy giá trị kinh tế của loại cây thanh long nên tập trung đầu tư phát triển. Đến nay diện tích trồng thanh long của ông lên đến 900 ha. Sản phẩm thanh long Hoàng Hậu của ông đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và phần lớn xuất khẩu đi châu Âu. Nhưng trong lòng ông, nỗi lo vẫn canh cánh.
Theo ông Hiệp, xu hướng làm nông của thế giới là đi vào quy mô lớn trong khi hiện nay VN vẫn sản xuất manh mún nên sản phẩm làm ra không cạnh tranh được. Người có nhiều đất phải nhờ người này, người khác đứng tên hộ nên không yên tâm, ngại đầu tư. “Thứ nhất là nó tạo ra những kẽ hở về mặt pháp luật. Thứ hai là sản xuất nhỏ lẻ thì không áp dụng cơ giới được nên cứ mãi lạc hậu, chi phí cao. Giờ Nghị quyết T.Ư đã chủ trương nới hạn điền để khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp quy mô lớn khiến chúng tôi rất phấn khởi. Sản xuất trên diện tích 100 - 200 ha cũng không đủ, phải trên diện tích hàng ngàn héc ta mới có thể có sản phẩm chất lượng cao, đồng nhất, giá cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu”, ông Hiệp hào hứng nói.
“Vua chuối” Võ Quan Huy khẳng định ông sẽ tiếp tục đầu tư thêm vào nông nghiệp dù hiện tại, diện tích trồng chuối của ông đã lên tới cả ngàn héc ta trải dài ở nhiều địa phương như Long An, Tây Ninh, Tây nguyên. “Nếu chủ trương được luật hóa và có chính sách rõ ràng, tôi sẽ tiếp tục đầu tư thêm vào nông nghiệp”, ông Huy nói.
Có đất sẽ hút được vốn
Theo TS Lê Đăng Doanh, việc tích tụ ruộng đất để hướng đến phát triển nông nghiệp quy mô lớn là cần thiết và Nghị quyết T.Ư 5 đã mở đường cho việc đó. Tuy nhiên vấn đề quan trọng là trong quá trình thực hiện phải đảm bảo được lợi ích của người nông dân. Ví dụ như ở Đài Loan, khi thực hiện vấn đề này các DN phải ký hợp đồng với nông dân, thỏa thuận về giá cả, điều kiện tham gia cũng như bảo đảm công ăn việc làm cho nông dân. Trong đó, kể cả việc để người nông dân trở thành cổ đông của DN và tham gia góp vốn bằng chính quyền sử dụng đất của mình. Khi đó nông dân sẽ có được nguồn thu nhập ổn định suốt đời... “VN không cần sửa đổi hiến pháp về sở hữu ruộng đất nhưng phải công nhận quyền sử dụng đất là một tài sản có giá trị có thể góp vốn vào DN và để người nông dân tham gia vào quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp trên quy mô lớn. Chủ trương đúng nhưng quá trình thực hiện cần minh bạch, công khai để tránh chuyện chỉ tạo ra lợi ích cho một số ít DN mà xem nhẹ quyền lợi của người nông dân”, TS Doanh khuyến cáo.
Chuyên gia kinh tế Lê Viết Thái, nguyên Trưởng ban Thể chế kinh tế - Viện Quản lý kinh tế T.Ư, nhận định: Lịch sử ngành nông nghiệp của VN với khẩu hiệu “người cày có ruộng” lúc trước đã đưa lại kết quả những mảnh đất nông nghiệp bị chia nhỏ lẻ, manh mún. Dần dần sau đó, nhiều người có ruộng cũng không làm được nhưng bán đi cũng không được, thậm chí muốn cho thuê lại cũng gặp nhiều khó khăn. Gần đây, ngay cả ở vùng đất nông nghiệp như ĐBSCL cũng dần hình thành nên những người nông dân có nhiều ruộng đất. Đó là nhu cầu thực tế, xu hướng phát triển của xã hội. Thế nhưng, việc tập trung đó chưa đủ quy mô cần thiết để cơ giới hóa nông nghiệp. Đây chính là khó khăn lớn nhất đã kéo dài thời gian qua của nền nông nghiệp VN vì để áp dụng khoa học công nghệ thì buộc phải sản xuất ở quy mô lớn. Hiện nay sở hữu đất đai do Hiến pháp quy định nên khó thay đổi. Nhưng VN có thể đưa ra giải pháp để tạo ra được thị trường giao dịch quyền sử dụng đất như các điều kiện mua bán, cho thuê thông thoáng, dễ dàng hơn. Từ đó sẽ giúp cho việc tích tụ ruộng đất trở nên dễ dàng và đi ngay vào cuộc sống.
“Một mảnh ruộng chỉ có nửa sào, một sào hay đôi ba sào thì không ai muốn đầu tư. Thậm chí nếu chỉ sản xuất dưới 5 ha cũng là không bõ công. Vì vậy, Nghị quyết T.Ư 5 đã đưa ra mục tiêu cụ thể để tích tụ ruộng đất. Điều này sẽ tạo điều kiện thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư lớn từ các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp”, ông Thái tin tưởng.
Phải thay đổi tư duy
VN đã và đang hội nhập sâu vào quá trình toàn cầu hóa, cùng với sự phát triển nền kinh tế thị trường. Vì vậy, mọi lĩnh vực sản xuất và dịch vụ trong nước ngày càng đối mặt với sự cạnh tranh quốc tế quyết liệt, nhất là nông sản nhiệt đới. Chính sách hạn điền phải sớm được hợp lý hóa đáp ứng với mục tiêu phát triển nhanh, hiệu quả, đặc biệt là phát triển nông nghiệp bền vững và lợi ích của người nông dân được tối ưu hóa. Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư trên thế giới (4.0) thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp với tốc độ ngày càng nhanh và mang lại hiệu quả vượt xa các hệ thống sản xuất cũ. Như vậy chúng ta phải thay đổi tư duy về quản lý tài nguyên thiên nhiên bao gồm đất và nước, với ý tưởng “sản xuất lớn, cánh đồng lớn, cho dù nông dân nhỏ”. Tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác hóa sẽ là chìa khóa tăng cường mạnh mẽ cho chính sách hạn điền.
GS-TS Bùi Chí Bửu (Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam
Chí Nhân - Mai Phương

Bài viết khác