Tính khả thi chưa cao
Theo nhận định của ông Lê Tấn Hùng - Tổng giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri): Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nông nghiệp công nghệ cao từ thực tiễn vận dụng Nghị định 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ cho thấy, tính khả thi chưa cao, chưa đủ mạnh để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đặc biệt, là công nghệ cao - một lĩnh vực nhiều rủi ro hơn các lĩnh vực khác.
Ông Hùng cho biết, tính đến cuối năm 2016 chỉ có gần 3.700 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm khoảng 0,92% tổng số doanh nghiệp trên cả nước. Đặc biệt, trên 85% trong số đó là doanh nghiệp nhỏ và “siêu nhỏ”.
Nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư vào nông nghiệp là vướng mắc về chính sách đất đai và tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp. Trên thực tế đất đai thuộc sở hữu của Nhà nước, doanh nghiệp chỉ biết liên kết, hợp tác đầu tư, như vậy những điều kiện để tích tụ ruộng đất là rất khó. Trong khi định hướng của Chính phủ lại mong muốn các doanh nghiệp đầu tư trong nông nghiệp một cách căn bản, bền vững, hình thành một trụ cột vững chắc để phát triển là điều khó thàng công - ông Hùng nhấn mạnh.
Vì thế, Chính phủ cần có những chính sách cụ thể mang tính đột phá để thu hút DN đầu tư trong lĩnh vực này như thuê đất, chính sách cụ thể với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nguồn tín dụng... Doanh nghiệp nông nghiệp chịu nhiều rủi ro về thiên tai nên khi ký kết bao tiêu sản phẩm cần có chế độ bảo hiểm để doanh nghiệp yên tâm sản xuất.
Theo ông Đinh Minh Hiệp - Trưởng ban quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM: Xét về vấn đề tổ chức sản xuất nông nghiệp, chúng ta vẫn sản xuất theo kiểu truyền thống, cá thể, mạnh ai nấy làm.
Phương thức tổ chức sản xuất và suy nghĩ của người nông dân vẫn là sản xuất nhỏ, manh mún. Muốn ứng dụng công nghệ cao phải tổ chức lại sản xuất quy mô lớn, có tích tụ đất đai, người tổ chức sản xuất phải là doanh nghiệp và người có trình độ và kiến thức, không thể sản xuất theo kiểu tuyền thống.
Đây chính là những rào cản khiến cho việc vận dụng Nghị định 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ vào thực tiễn khó khả thi
Đề xuất các giải pháp
Là DN đi đầu trong việc áp dụng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, theo ông Hùng, Nhà nước cần phải thực hiện một số các giải pháp để thu hút đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả:
Một là: có cơ chế ban hành thủ tục, quy trình đơn giản rút gọn về việc giao, thuê đất với mục đích sử dụng đất không đổi đối với sản xuất nông nghiệp (truyền thống) để thực hiện dự án khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sao cho sớm đưa dự án vào hoạt động theo định hướng của Thành phố và Chính phủ.
Áp dụng theo quy định Khoản 1, Điều 5, Chương II ưu đãi về đất của Nghị định số 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cụ thể: “Nhà đầu tư có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư nếu được Nhà nước giao đất thì được miễn tiền sử dụng đất đối với dự án đầu tư đó”.
Hai là: Mức thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông được áp dụng từ thời điểm năm 2016 là 20%. Đề nghị điều chỉnh cho áp dụng theo Luật công nghệ cao: “Thu nhập của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 15 năm được tính từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư ”.
Ba là: Đề nghị áp dụng theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn: Hỗ trợ 70% kinh phí đào tạo nghề trong nước. Mỗi lao động chỉ được hỗ trợ đào tạo một lần và thời gian đào tạo được hỗ trợ kinh phí không quá 6 tháng. Mức kinh phí đào tạo phải phù hợp với các quy định hiện hành.
Hỗ trợ 50% chi phí quảng cáo doanh nghiệp và sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng; 50% kinh phí tham gia triển lãm hội chợ trong nước; được giảm 50% phí tiếp cận thông tin thị trường và phí dịch vụ từ cơ quan xúc tiến thương mại của Nhà nước.
Hỗ trợ 70% kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu tạo ra công nghệ mới do doanh nghiệp chủ trì thực hiện nhằm thực hiện dự án, hoặc doanh nghiệp mua bản quyền công nghệ thực hiện dự án; được hỗ trợ 30% tổng kinh phí đầu tư mới để thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm.
Các khoản hỗ trợ được thực hiện theo dự án đầu tư. Tổng các khoản hỗ trợ cho một dự án tối đa không quá 10% tổng mức đầu tư dự án (không quá 1 tỷ đồng). Trường hợp doanh nghiệp không sử dụng hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước, các hỗ trợ này được tính vào chi phí sản xuất của doanh nghiệp khi quyết toán với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bốn là: xây dựng một khung pháp lý văn bản quy phạm pháp luật quy định về chính sách bảo hiểm nông nghiệp cũng như hỗ trợ chi phí ban đầu đối với những dự án nông nghiệp mới đưa vào hoạt động khai thác nhằm khuyến khích cho các nhà đầu tư vào nông nghiệp.
Năm là: hỗ trợ đặc thù xây dựng cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi, điện…), đơn cử, hầu hết các dự án sản xuất khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Sagri nằm trên địa bàn huyện Củ Chi, cách xa Trung tâm, giao thông chưa thật sự thuận lợi để vận chuyển vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó những dự án này tiêu thụ một lượng điện lớn để phục vụ trong nhà màng, nhà lưới, trạm, phòng thí nghiệm...Vì vậy cần có một chính sách ưu đãi về giá sử dụng điện trong sản xuất nông nghiệp.
Sáu là: Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn về cơ chế bảo đảm tiền vay, lãi suất cho vay không phù hợp với nhu cầu sản xuất thực tế (vì cơ chế bảo đảm tiền vay ít, lãi suất không phù hợp khi thỏa thuận với tổ chức tín dụng lãi suất cao là 9,5% và không cố định mà điều chỉnh thả nổi từng tháng là không phù hợp với thực tế sản xuất nông nghiệp).
Do vậy, Chính phủ ban hành chính sách về tín dụng với các khoản vay phù hợp với nhu cầu thực tế của dự án, lãi suất ưu đãi thấp, thời gian vay theo quy trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp từng loại cây trồng vật nuôi.
Và để tạo điều kiện tiếp cận vốn vay (gói 100 nghìn tỷ) cho sản xuất nông nghiệp nhanh chóng và thuận lợi, Ngân hàng Nhà nước cần ban hành bộ thủ tục mẫu gọn nhẹ, thuận lợi nhất về giao dịch vốn đối với các dự án nông nghiệp.