(TBKTSG) - Nới hạn điền, tăng thời gian giao đất và tạo cơ chế tích tụ đất đai là việc cần làm trong bối cảnh nền nông nghiệp hàng hóa định hướng xuất khẩu như hiện nay nhưng việc này phải làm cẩn trọng nếu không sẽ dẫn tới tình trạng “bần cùng hóa nông dân”.
Sau gần hai tiếng đồng hồ trò chuyện với chuyên gia nông nghiệp Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard), câu mà ông nhấn mạnh nhiều lần là “chúng ta hành động quá chậm”, chính sách nông nghiệp đã bị lỡ nhiều nhịp so với sự phát triển kinh tế.
Theo ông Sơn, đất đai là yếu tố rất quan trọng để phát triển ngành nông nghiệp nhưng đây không phải là chìa khóa duy nhất để mở toang cánh cửa nông nghiệp. Cái mà ông Sơn nhấn mạnh chính là thể chế, trong đó, quan trọng nhất là làm sao thể hiện được quyền sử dụng đất là hàng hóa.
Quyền sử dụng đất nông nghiệp phải là hàng hóa
Ông Đặng Kim Sơn cho rằng nông nghiệp hiện nay là nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn và không thể dựa trên hình thức quản lý, sử dụng đất manh mún, nhỏ lẻ như trước mà phải đổi thành các hợp tác xã kiểu mới, trang trại, doanh nghiệp… Do đó, việc quản lý đất nông nghiệp phải nới cả về thời gian và không gian, tức phá bỏ hạn điền và tăng thời gian giao đất so với quy định hiện nay. Nhưng cái quan trọng hơn là phải thay đổi thể chế quản lý đất.
Theo ông Sơn, quyền sử dụng đất là một loại hàng hóa nhưng hiện nay, việc giao dịch (mua - bán) liên quan đến đất, đặc biệt là đất nông nghiệp, rất khó khăn. Trong khi việc mua hay bán một chiếc ô tô, một căn nhà ở đô thị diễn ra dễ dàng, chủ yếu là giao dịch giữa người bán và người mua thì đất nông nghiệp không được như vậy. Việc mua bán diễn ra phức tạp hơn và vai trò của cơ quan công quyền trong giao dịch này rất lớn.
Ở một khía cạnh khác, ông Lê Đức Thịnh, Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), cho biết hiện nay khung giá đất nông nghiệp hàng năm thấp. Nếu quan niệm quyền sử dụng đất là tài sản của người dân và giao dịch theo giá thị trường thì giá đó sẽ phải khác đi.
“Nếu để giá đất phản ánh giá trị thực thì người dân có thể dùng đất đó vay vốn. Đất được vốn hóa và tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”, ông Thịnh nói. Hiện nay có một số địa phương xé rào, đứng ra đàm phán với nông dân để thu hồi đất và cho doanh nghiệp thuê lại. Điều này, theo ông Thịnh, nếu chính quyền tốt thì không sao nhưng nếu chính quyền không tốt thì có thể người chịu thiệt hại chính là nông dân.
Tháo nút thắt “đất” bằng cách nào?
Cần phải nới cả về thời gian và không gian, tức phá bỏ hạn điền và tăng thời gian giao đất so với quy định hiện nay. Nhưng điều quan trọng hơn là phải thay đổi thể chế quản lý đất. |
Theo ông Đặng Kim Sơn, để giải được bài toán về quản lý đất hiện nay, ngoài việc đảm bảo quyền sử dụng đất là hàng hóa thực sự, thì việc quan trọng là kéo được nông dân vào trong quá trình sản xuất. Để làm được điều này, doanh nghiệp tích tụ ruộng đất phải là doanh nghiệp Việt Nam và thực sự sản xuất nông nghiệp, phải có kế hoạch sản xuất kinh doanh, có công nghệ, sản phẩm và thị trường đầu ra.
“Rất nhiều doanh nghiệp làm bất động sản đến xin đất làm nông nghiệp, không phải vì hiệu quả kinh tế mà họ nói là vì nhân đạo. Như vậy là chết, không hiệu quả. Đất nông nghiệp phải giao cho doanh nghiệp làm ăn thực sự, phải làm tốt hơn nông dân, tốt hơn đối thủ cạnh tranh ở trong nước và các nước khác để xuất khẩu”, ông Sơn nói.
Hơn nữa, đất - lâm trường là quỹ đất lớn nhất mà Nhà nước phải thu hồi về và cho doanh nghiệp thuê. Còn đất nông thôn thì phải dành tối đa cho nông dân làm ăn giỏi tích tụ, có vậy mới tạo được việc làm, có sức lan tỏa cho khu vực nông thôn.
Mục đích sử dụng đất cũng phải nới lỏng theo hướng giao quyền tự quyết cho chủ đất quyết định sản phẩm nông nghiệp mà họ sản xuất, miễn là không được làm biến dạng, thoái hóa, không làm ngộ độc đất.
Kéo lao động ra khỏi nông nghiệp
Theo ông Sơn, việc tích tụ đất đai và cơ giới hóa sẽ dẫn tới một bộ phận lớn lao động nông thôn không có việc làm. Do đó, song song với quá trình này là quá trình chuyển dịch lao động ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp.
Muốn đẩy nhanh quá trình chuyển dịch lao động ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp, phải làm cơ sở hạ tầng nông thôn để nhà máy, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp dịch chuyển về nông thôn, khi đó lao động mới có việc làm. Phải bỏ hàng rào ngăn chặn hộ khẩu thì lao động ở nông thôn mới có thể thực sự ra được đô thị. Phải cải cách chính sách, chế độ đào tạo nghề ở nông thôn…
Song song với đó là tổ chức sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn, tích tụ đất đai, cơ giới hóa, điện khí hóa, đưa điện về nông thôn. Hiện nay ở nông thôn chỉ có điện chiếu sáng mà không có điện sản xuất, đường xá thì chỉ cho xe máy đi, máy cày, máy kéo không đi được.
Cần tiến hành thay đổi toàn diện như vậy để đưa công nghiệp về nông thôn. “Để đảm bảo phát triển nông nghiệp cần phải làm đồng bộ chứ không chỉ là câu chuyện đất đai”, ông Sơn nói.
Về vấn đề hạn điền
Ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp - Nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương, cho biết theo Luật Đất đai 2013, Nhà nước giao đất cho hộ gia đình, cá nhân như sau: đối với đất lúa ở khu vực đồng bằng Bắc bộ thì không quá 2 héc ta; Đông Nam bộ và ĐBSCL không quá 3 héc ta; đối với cây lâu năm thì vùng đồng bằng Bắc bộ là 10 héc ta, vùng núi là 30 héc ta. Đồng thời, hộ gia đình và cá nhân được quyền tích tụ không quá 10 lần. Như vậy, hạn mức cao nhất cho sản xuất lúa của hộ gia đình, cá nhân ở ĐBSCL là 30 héc ta. Tương tự, hạn mức cao nhất với đất trồng cây lâu năm là 100 héc ta, đất rừng là 300 héc ta. Nếu vượt hạn mức trên thì phải thuê.
Trong khi đó, đối với doanh nghiệp, sự hạn chế chỉ áp dụng với đất lúa. Với các loại đất khác, theo ông Tiến, cứ có dự án, có tiền đền bù cho dân thì tổ chức sản xuất trên hàng ngàn héc ta cũng không vấn đề gì. “Do đó nói vấn đề hạn điền cản trở phát triển nông nghiệp là không chuẩn lắm”, ông Tiến nói.
http://www.thesaigontimes.vn/158726/Chung-ta-hanh-dong-qua-cham.html
|
|