Việc duy trì tốc độ xuất khẩu của VN trong những năm tới sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Ảnh minh hoạ.

Việc duy trì tốc độ xuất khẩu của VN trong những năm tới sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Ảnh minh hoạ.

Xuất khẩu 200 tỷ USD cả năm

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu tháng 7 đạt 17 tỷ USD, giảm 0,7% so với tháng trước (trong đó, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 12 tỷ USD ). Như vậy, 7 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu đạt 115 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước (trong đó, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 81 tỷ USD).

Cụ thể, có 20 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó có 9 mặt hàng đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD.

Cùng với đó, kim ngạch nhập khẩu tháng 7 đạt giá trị 17 tỷ USD, giảm 3,8% so với tháng trước (trong đó, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 10 tỷ USD). Thống kê 7 tháng đầu năm, nhập khẩu hàng hoá đạt giá trị gần 118 tỷ USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước (trong đó, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 70 tỷ USD).

Nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu cao nhất là nhóm máy móc thiết bị, tiếp đó là nhóm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, nhóm hàng vải các loại…

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Phú Hòa, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết XK vào các nước có hiệp định thương mại tự do ngày càng tăng cao, cho thấy các DN Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội do các hiệp định này mang lại. 

Cụ thể, Hoa Kỳ vẫn là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam, tiếp đến là EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Qua nghiên cứu cơ cấu hàng hoá xuất nhập khẩu thời gian qua, dự kiến kim ngạch XK cả năm sẽ đạt khoảng 200 tỷ USD, tăng 13%. Nhập khẩu năm 2017 ước đạt 205 tỷ USD, tăng trên 17%.

Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, với sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và cộng đồng DN, thị trường XK năm 2017 và năm 2018 sẽ tiếp tục đạt được xu hướng tăng trưởng. Tuy nhiên, hoạt động XK sẽ gặp nhiều thách thức, cạnh tranh, cũng như những thay đổi bất thường từ thị trường thế giới.

Phân tích về tác động của sự thay đổi của các Hiệp định thương mại tới xuất khẩu VN, ông Fred Bruke, thành viên ban lãnh đạo Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) nhận định, Việt Nam có đa dạng thị trường XK, cũng như tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, nên việc Mỹ ngừng tham gia TPP cũng sẽ tác động không nhiều đến hoạt động XK của các DN Việt Nam.  

Tương tự đối với thị trường EU, ông Fred Bruke cho rằng, sự kiện Anh rời khỏi EU ít nhiều tác động tới các hoạt động XK của Việt Nam. Tuy nhiên, mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như dệt may có thuế tương đương với nhiều nước EU, nhưng chi phí nhân công rẻ, nên sẽ có lợi thế cạnh tranh lớn khi XK sang thị trường Anh. 

Kiến tạo làn sóng xuất khẩu thứ 2

Nhiều chuyên gia đánh giá, Việt Nam đang được nhắc đến là một trong những quốc gia xuất khẩu nhiều nhất thế giới ở nhiều mặt hàng. Tuy nhiên, làn sóng xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam chỉ mới tập trung vào việc gia tăng số lượng xuất khẩu. Thực tế, Việt Nam đã và đang xuất khẩu hầu hết sản phẩm dưới dạng thô, xuất khẩu “những gì mình có” thay vì xuất khẩu “những gì thị trường cần”. 

Có thể nhận thấy qua việc Việt Nam luôn nằm trong nhóm các quốc gia dẫn đầu về sản lượng xuất khẩu gạo, cà phê, hồ tiêu…nhưng giá trị thu về lại chưa tương xứng với số lượng.

Cùng với đó, xét về kim ngạch xuất khẩu thì Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia sản xuất dệt may lớn nhất thế giới, nhưng chưa có một thương hiệu thời trang nào của Việt Nam khẳng định được giá trị trong chuỗi cung ứng dệt may của thế giới. 

Không chỉ hạn chế về năng lực sản xuất, những yếu kém về hạ tầng giao thông vận tải, ô nhiễm môi trường, chất lượng nguồn nhân lực và khả năng ứng dụng công nghệ cũng là những vấn đề mà Việt Nam cần tháo gỡ để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu nói riêng, phát triển kinh tế nói chung. 

“Chúng ta từng xuất khẩu bất cứ thứ gì chúng ta có, xuất khẩu thô, đẩy nhanh số lượng. Hiện nay, làn sóng xuất khẩu lần thứ 1 theo mô hình này đã đạt đến ngưỡng phát triển và đã đến lúc cần phải xem lại chất lượng xuất khẩu, chất lượng tăng trưởng”- ông Nguyễn Phú Hoà nhận định.

Cụ thể, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết thế giới đang đi rất nhanh vào tự động hóa, robot hóa, trí thông minh nhân tạo, tạo nền tảng để bảo hộ sản xuất trong nước mạnh mẽ. Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ, làm thay đổi sâu sắc phương thức sản xuất, quản trị, dịch vụ, thương mại… làm cho chiến lược phát triển của các nước dựa vào thu hút đầu tư nước ngoài và lợi thế lao động giá rẻ có nguy cơ phá sản, có nhiều rủi ro. 

“Chúng ta cần một cuộc kiến tạo làn sóng xuất khẩu lần thứ 2 để thay đổi năng lực cạnh tranh của sản phẩm, tập trung vào giá trị gia tăng, nâng tầm thương hiệu, hình ảnh quốc gia, phù hợp với xu hướng của thế giới với giá trị của sản phẩm được thể hiện ở yếu tố minh bạch về thông tin, yếu tố bảo vệ môi trường và được sản xuất, tiếp thị, xuất khẩu dựa trên ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4” - ông Hòa nhìn nhận.

Theo đó, ông Yuichiro Shiotani, Tổng Giám đốc Topvalu Japan chia sẻ, các doanh nghiệp có thể đánh giá tiềm năng của một thị trường thông qua việc tìm hiểu tổng nhu cầu nhập khẩu của thị trường đó.

Ví dụ, năm 2016, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng may mặc, đồ gia dụng của Nhật Bản là hơn 601 triệu USD, trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam chỉ mới đạt hơn 28 triệu USD. Mặt khác, Nhật Bản hiện có gần 700 đối tác là các nhà cung cấp hàng hóa nước ngoài, trong số đó chỉ có khoảng 50 nhà cung cấp Việt Nam.

Điều này cho thấy nhu cầu nhập khẩu của Nhật Bản là rất lớn và là một thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng. Vấn đề còn lại của DN là làm thế nào để đáp ứng được các tiêu chuẩn đối với hàng hóa nhập khẩu của Nhật Bản. 

Theo ông Yuichiro Shiotani, để tiếp cận được thị trường Nhật Bản nói riêng và thế giới nói chung, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, các DN cần thay đổi tư duy trong sản xuất, tập trung tạo ra giá trị gia tăng và sự khác biệt cho sản phẩm, tránh việc sản xuất đại trà các mặt hàng có giá trị thấp. Ngoài ra, việc xây dựng thương hiệu cũng vô cùng quan trọng trong việc nâng cao lợi thế và cơ hội xuất khẩu cho các DN. 

Đặc biệt, ông Hary Loh, Tổng giám đốc Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) tại Việt Nam lại quan tâm tới vấn đề rủi ro trong hoạt động xuất khẩu. Theo vị này, nhận diện rủi ro là bước đầu tiên để giảm thiểu và phòng tránh nguy cơ tổn thất trong hoạt động xuất khẩu.

Vì vậy, DN phải nắm rõ quy trình xuất – nhập khẩu của từng thị trường và dự trù trước các giải pháp ứng phó với tình huống bất ngờ.