Tiếp tục thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Mông Cổ trên nhiều lĩnh vực
Theo các chuyên gia, quan hệ Việt Nam-Mông Cổ đang ngày càng mở rộng và có tiềm năng phát triển lớn trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, nông nghiệp.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Mông Cổ chứng kiến Lễ ký các văn kiện hợp tác giữa hai nước ngày 30/9/2024 tại Cung Nhà nước ở thủ đô Ulan Bator. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Việt Nam và Mông Cổ thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 17/11/1954, là hai nước có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời. Mông Cổ là một trong những nước sớm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mà Mông Cổ thiết lập quan hệ ngoại giao.
70 năm qua, kể từ ngày 17/11/1954, mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Mông Cổ không ngừng được củng cố và ngày càng phát triển.
Bảy thập kỷ quan hệ chính trị-ngoại giao tốt đẹp
Mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau chân thành giữa Việt Nam và Mông Cổ được lãnh đạo hai nước đặt nền móng vững chắc từ những viên gạch đầu tiên.
Chỉ một năm sau khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao tháng 11/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chuyến thăm đầu tiên tới Mông Cổ vào tháng 7/1955, trong chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Người sau khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm gia đình chăn nuôi gia súc ở ngoại thành thủ đô Ulan Bator, Mông Cổ (10/7/1955). (Ảnh: TTXVN)
Chuyến thăm năm ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chuyến thăm sau đó của Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Yumjaagiin Tsedenbal tới Việt Nam tháng 9/1959 có ý nghĩa hết sức đặc biệt với nhân dân hai nước, tạo tiền đề cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống hết sức tốt đẹp giữa hai đất nước.
Trên con đường xây dựng và phát triển đất nước, Việt Nam và Mông Cổ đã phối hợp chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực, dành cho nhau sự giúp đỡ vô tư, trong sáng.
Trong thời kỳ Việt Nam kháng chiến chống đế quốc Mỹ, nhân dân Mông Cổ đã tích cực ủng hộ và viện trợ nhiều nhu yếu phẩm cho nhân dân Việt Nam. Đáp lại, Việt Nam cũng có nhiều hành động thiết thực giúp đỡ Mông Cổ như: cử chuyên gia giúp khảo sát và phát triển giao thông, trồng trọt, phục chế các di tích lịch sử…
Sau 70 năm kể từ khi thiết lập, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam-Mông Cổ không ngừng được củng cố, tăng cường, phát triển. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì các chuyến thăm và làm việc thường xuyên.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh chụp ảnh chung ngày 30/9/2024 tại Cung Nhà nước ở thủ đô Ulan Bator. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Các chuyến thăm tới Mông Cổ của Chủ tịch nước Việt Nam năm 2000 và 2008, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ từ ngày 30/9-1/10/2024, cùng các chuyến thăm tới Việt Nam của Tổng thống Mông Cổ vào các năm 1994, 2005, 2013 và 2023 (Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam 1 đến 5/11/2023), đã góp phần củng cố lòng tin chính trị và vun đắp cho sự phát triển của quan hệ song phương.
Ngoài ra, còn có các chuyến thăm Mông Cổ của Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng (tháng 10/2023); chuyến thăm Việt Nam của Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao Mông Cổ B.Jargalsaikhan (tháng 3/2024); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp Bộ trưởng Ngoại giao Mông Cổ Batmunkhiin Battsetseg bên lề Hội nghị Thượng đỉnh tương lai và Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79 tại New York, Hoa Kỳ (tháng 9/2024)…
Hiện hai nước duy trì cơ chế Tham khảo chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao (thiết lập từ năm 2002), phiên họp gần đây nhất là phiên họp lần thứ 10 (tháng 9/2022); cơ chế Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Mông Cổ về hợp tác kinh tế-thương mại, khoa học kỹ thuật (thiết lập năm 1979, được khôi phục hoạt động từ năm 1996, và nâng lên cấp Bộ trưởng từ năm 2012).
Hai bên tiến hành họp thường xuyên 2 năm/1 lần, đến nay đã họp được 18 lần, lần gần đây nhất được tổ chức tại Ulaanbaatar vào tháng 9/2022.
Tại các diễn đàn khu vực và đa phương, hai nước tiếp tục hợp tác chặt chẽ, thường xuyên giúp đỡ và ủng hộ lẫn nhau, nổi bật là các hoạt động tại Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF)… và các tổ chức khu vực khác. Mối quan hệ này được thúc đẩy trên cơ sở chia sẻ lợi ích chung về hòa bình, phát triển và ổn định.
Thiết lập Đối tác Toàn diện - dấu mốc nâng tầm quan hệ
Năm 2024 đánh một dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước bằng chuyến thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm (nay là Tổng Bí thư Tô Lâm) vào ngày 30/9 và 1/10/2024. Chuyến thăm diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao đưa mối quan hệ hữu nghị truyền thống mở ra trang mới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hội đàm với Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh chiều 30/9/2024. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Trong chuyến thăm này, lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí cho rằng việc phát triển và làm sâu sắc quan hệ giữa Việt Nam và Mông Cổ phù hợp với lợi ích chung của nhân dân hai nước, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới; nhất trí nâng cấp quan hệ hai nước lên “Đối tác Toàn diện” và tiếp tục thúc đẩy mở rộng hợp tác.
Hai bên nhất trí tăng cường hoạt động trao đổi đoàn, giao lưu, tiếp xúc cấp cao và các cấp thông qua các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội; nhất trí ủng hộ về mặt chính sách mở rộng quan hệ mật thiết giữa nhân dân hai nước; nghiên cứu khả năng thiết lập cơ chế hợp tác mới giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước...; mở rộng hợp tác quốc phòng, an ninh và thực thi pháp luật; mở rộng hợp tác kinh tế-thương mại và đầu tư; thúc đẩy hợp tác thực chất về các lĩnh vực nông nghiệp, khoa học, giao thông vận tải, văn hóa, thể thao, du lịch, giáo dục, lao động, môi trường và bảo trợ xã hội; tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế.
Nghệ sỹ Mông Cổ biểu diễn âm nhạc truyền thống thu hút đông đảo người dân tham dự Ngày hội du lịch Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 từ ngày 4 đến 7/4/2024. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
Lãnh đạo cấp cao hai nước đã chứng kiến lễ ký kết 7 văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành và địa phương hai nước.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, Ngày Văn hóa Việt Nam tại Mông Cổ đã được tổ chức vào ngày 30/9 và 1/10/2024 tại thủ đô Ulaanbaatar (Mông Cổ). Các hoạt động tiếp tục là minh chứng cho hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển. Với không gian văn hóa đặc sắc, bằng ngôn ngữ của nghệ thuật, Ngày Văn hóa Việt Nam đã mang đến cho khán giả những trải nghiệm giàu cung bậc cảm xúc đối với vẻ đẹp của miền di sản Việt Nam; sự hòa quyện của tiết mục hòa tấu các nhạc cụ dân tộc Việt Nam ngợi ca quê hương đất nước Việt Nam, Mông Cổ.
Các chương trình biểu diễn nghệ thuật, hoạt động triển lãm tại Nhà hát Opera, tại Quảng trường Sukhbaatar, thủ đô Ulan Bato để giới thiệu tới các bạn Mông Cổ hình ảnh về một “Việt Nam an toàn, thân thiện, hiền hòa, mến khách, hội nhập và phát triển”; là minh chứng sống động, dấu ấn quan trọng, góp phần tăng cường tình hữu nghị và phát triển hợp tác đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Mông Cổ.
Hợp tác kinh tế-thương mại có bước phát triển tích cực
Quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước được thúc đẩy mạnh mẽ, tạo được một số dấu ấn nhất định. Các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp được tổ chức thường xuyên với nhiều hình thức khác nhau, tạo điều kiện để các Doanh nghiệp hai bên mở rộng quan hệ, tìm kiếm các cơ hội hợp tác và đầu tư. Kim ngạch thương mại song phương đã tăng gấp 2-3 lần trong thời gian qua từ 41,4 triệu USD năm 2017 lên 85 triệu USD năm 2022 và đạt 132 triệu USD năm 2023.
Bảy tháng năm 2024, kim ngạch thương mại song phương đạt 65,5 triệu USD. Hai nước đặt mục tiêu sớm đưa kim ngạch thương mại song phương lên 200 triệu USD.
Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Mông Cổ các loại hàng nông sản, thực phẩm, đặc biệt là tân dược của Mekopharm, Bidipharm, Hậu Giang, thuốc lá Sài Gòn, càphê G7, phở khô, bia Saigon... và nhập khẩu từ Mông Cổ chủ yếu là cao ngựa bạch, thảm len lông cừu, các sản phẩm lông dê mịn, các sản phẩm làm từ da, găng tay da.
Theo các chuyên gia, quan hệ Việt Nam-Mông Cổ đang ngày càng mở rộng và có tiềm năng phát triển lớn trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, nông nghiệp.
Về kinh tế, hai bên có thể tập trung vào các lĩnh vực có thế mạnh như khai khoáng, luyện thép, xuất nhập khẩu nông sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm chăn nuôi.
Nông nghiệp cũng là lĩnh vực tiềm tàng cho hợp tác giữa hai nước. Mông Cổ có thế mạnh về chăn nuôi, Việt Nam có thế mạnh về trồng trọt và sản xuất thực phẩm. Hai nước có thể hợp tác trao đổi công nghệ, kinh nghiệm và sản phẩm nông nghiệp.
Ngoài ra, Việt Nam và Mông Cổ cũng có thể đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực đầu tư và trao đổi công nghệ, nhất là trong nông nghiệp, chăn nuôi và sản xuất công nghiệp. Điều này sẽ tạo ra các cơ hội phát triển bền vững cho hai nước.
Hai nước thường xuyên duy trì cơ chế Ủy ban liên chính phủ Việt Nam-Mông Cổ và đã tổ chức được 18 kỳ họp từ năm 1979 đến nay (Kỳ họp thứ 19 dự kiến sẽ diễn ra cuối năm nay, tại Việt Nam), đề ra nhiều phương hướng và biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật…
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mông Cổ Saikhanbayar Gursed trong chuyến thăm chính thức Việt Nam (Hà Nội, 6/12/2022). (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Hai bên đã ký kết hàng loạt các hiệp định, bản ghi nhớ tạo khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động hợp tác. Gần đây nhất có Bản ghi nhớ hợp tác về kinh tế, thương mại năm 2021, Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2022, bản ghi nhớ về hợp tác về thương mại gạo bền vững năm 2023…
Đặc biệt trong chuyến thăm của Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh đến Việt Nam năm 2023, hai nước đã ký Hiệp định về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và hộ chiếu phổ thông, tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao thương giữa nhân dân hai nước.
Hợp tác hiệu quả trên nhiều lĩnh vực khác
Hợp tác văn hóa, du lịch, giáo dục và giao lưu nhân dân giữa hai nước ngày càng mở rộng. Hiện, nhiều sinh viên Mông Cổ đang học tập tại Việt Nam và ngược lại. Theo Hiệp định về hợp tác giáo dục giai đoạn năm 2011-2016, hằng năm, Việt Nam tiếp nhận đào tạo 15 sinh viên Mông Cổ và Mông Cổ đào tạo 5 sinh viên Việt Nam. Từ năm 2018, hai bên thỏa thuận tăng 5 chỉ tiêu và tăng mức học bổng so với Hiệp định.
Hai nước cũng hợp tác trong các hoạt động giao lưu văn hóa và nghệ thuật nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Năm 2009, Mông Cổ đã đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và khai trương Trung tâm Văn hóa Hồ Chí Minh tại trường Trung học số 14 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thủ đô Ulanbator.
Tiết mục biểu diễn âm nhạc truyền thống của Mông Cổ trong sự kiện Go Mongolia Roadshow 2024 ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
Trường là biểu tượng hợp tác giữa hai nước, thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa vào những ngày lễ lớn của Việt Nam như: thi vẽ tranh về Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, biểu diễn văn nghệ, nhất là các bài hát ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tiếng Việt.
Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm về đất nước, con người Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được dịch ra tiếng Mông Cổ như: “Nhật ký trong tù," “Cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh," “Truyện Kiều," “Hòn Đất”… Chính sự kết nối về văn hóa-xã hội suốt chiều dài lịch sử quan hệ hai nước đã giúp người dân hai nước thêm hiểu nhau, đoàn kết và gắn bó.
Hai bên cũng thường xuyên triển khai các hoạt động như Tuần hoặc Ngày văn hóa tại mỗi nước, đưa các đoàn nghệ thuật sang biểu diễn nhằm giới thiệu, quảng bá về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam và Mông Cổ.
Từ năm 2014, phía Mông Cổ thường xuyên cử đoàn nghệ thuật tham gia Festival Huế. Năm 2022, Mông Cổ đã đoạt giải đặc biệt (trong số 888 tác phẩm quốc tế) tại cuộc thi quốc tế Hát lên Việt Nam - Let’s sing Viet Nam do VOV tổ chức trao giải.
Tháng 9/2022, đoàn nhạc công do Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh thăm và biểu diễn tại Mông Cổ. Tháng 7/2023, Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ và Asia Art Link Việt Nam phối hợp tổ chức Lễ khai mạc Triển lãm "Hương gió phương Nam-Hội họa Việt Nam ngày nay” tại Trung tâm Triển lãm Mỹ thuật Mongol Art Gallery, thủ đô Ulaanbaatar. Đây là lần đầu tiên một triển lãm mỹ thuật mang đậm hơi thở nghệ thuật, văn hóa Việt Nam được tổ chức tại Ulaanbaatar, thủ đô của Mông Cổ.
Hoạt động giao lưu nhân dân, hợp tác giữa các địa phương không ngừng được phát triển: Hội hữu nghị Việt Nam-Mông Cổ, Mông Cổ-Việt Nam hoạt động rất tích cực, truyền nhiệt huyết cho các thế hệ tương lai hai nước.
70 năm đã trôi qua, tình hữu nghị giữa Việt Nam và Mông Cổ không ngừng được vun đắp. Nhân dân hai nước luôn đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong khó khăn, hoạn nạn.
Lãnh đạo hai nước nhất quán khẳng định sự coi trọng và mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ trên nhiều lĩnh vực phù hợp với khả năng và nhu cầu của hai bên. Đó là nền tảng hữu nghị quan trọng để Việt Nam và Mông Cổ tiếp tục thúc đẩy phát triển quan hệ song phương trong thời gian tới./.
Theo: TTXVN
Bài viết khác
Sáng 26/11, tại huyện Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) đã diễn ra Lễ khai mạc Hội chợ Kinh tế Thương mại và Du lịch biên giới Trung - Việt (Hồng Hà) năm 2024, với chủ đề “Phát triển cùng chia sẻ - hợp tác cùng hưởng lợi”.
Trong bối cảnh doanh thu tại Thái Lan suy giảm trong 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu ở thị trường Việt Nam của CP Foods tăng 5% so với cùng kỳ, vượt ngưỡng 70.000 tỷ đồng.
TPO - Hội chợ Nông nghiệp quốc tế khu vực Đồng bằng Bắc Bộ năm 2024 cùng chương trình Liên hoan Thanh niên nông thôn toàn quốc, lễ trao Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XIX, trao giải cuộc thi Dự án khởi nghiệp Thanh niên nông thôn năm 2024