Nông nghiệp tuần hoàn: Từ bài toán môi trường đến động lực tăng trưởng xanh
Giảm phát thải khí nhà kính, quản lý chất thải chăn nuôi, thúc đẩy nông nghiệp sinh thái và áp dụng công nghệ tưới tiêu hiện đại… là những hướng đi tất yếu để xây dựng một nền nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường.
Bắt đầu từ những thay đổi nhỏ
“Trước khi chờ chính sách vĩ mô hay công nghệ đắt tiền, hãy bắt đầu từ những việc nhỏ, dễ làm, không cần nhiều vốn, không cần đợi ai chỉ đạo.”
Đó là thông điệp được Phó chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nhấn mạnh tại Hội thảo “Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường” do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức mới đây.
Theo ông, việc tích hợp các giải pháp công nghệ và phi công nghệ vào sản xuất nông nghiệp là cách tiếp cận hiệu quả và phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam.
“Muốn hái quả trên cao, trước hết hãy hái hết những quả mọc thấp quanh mình”, ông nói.
Phó chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các trường, viện chuyên ngành bổ sung các nội dung về bảo vệ môi trường vào giáo trình đào tạo chính quy và soạn thảo tài liệu phổ biến kiến thức dễ hiểu dành cho nông dân, để chuyển đổi từ nhận thức sang hành động trong từng hộ sản xuất nhỏ lẻ.
Phó chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan phát biểu tại hội thảo.
Từ định hướng hành động cấp thiết ở tầm chính sách và giáo dục, vấn đề đặt ra là ngành nông nghiệp hiện đang đối mặt ra sao với các áp lực môi trường cụ thể trong từng lĩnh vực sản xuất. Trong đó, chăn nuôi là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng và có nguy cơ gây ô nhiễm cao nhất.
Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có ngành chăn nuôi phát triển mạnh trong khu vực và thế giới: đứng thứ năm về đàn lợn, thứ hai về đàn thủy cầm, sản lượng sữa nguyên liệu lớn thứ ba trong ASEAN và thức ăn chăn nuôi đứng đầu Đông Nam Á. Tuy nhiên, tốc độ phát triển này cũng tạo áp lực lớn đối với môi trường.
TS. Phạm Kim Đăng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) dẫn số liệu cho thấy, mỗi năm toàn ngành phát sinh khoảng 63,2 triệu tấn phân và gần 349 triệu m3 nước thải. Trong đó, lợn là nguồn phát thải lớn nhất về nước thải (chiếm hơn 84%), còn phân thải tập trung nhiều ở bò, trâu và gia cầm.
Về phát thải khí nhà kính, trong giai đoạn 1994 - 2020, lượng phát thải từ ngành chăn nuôi tăng hơn 3 lần, từ 9,78 triệu tấn CO2e lên 30,94 triệu tấn. Dự báo đến năm 2025, con số này có thể vượt 34 triệu tấn CO2e.
Để đối phó với ô nhiễm, ngành chăn nuôi đã ứng dụng một số giải pháp như hầm khí sinh học, đệm lót sinh học, ủ compost, công nghệ vi sinh... Tuy nhiên, việc phổ biến các công nghệ này tại cơ sở còn hạn chế, một phần do thiếu vốn đầu tư, phần khác là do thiếu chính sách hỗ trợ phù hợp.
Phó cục trưởng Phạm Kim Đăng kiến nghị Quốc hội và Chính phủ sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho chăn nuôi bền vững, khuyến khích đầu tư vào xử lý chất thải và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn.
Đồng thời, cần thúc đẩy chuyển giao công nghệ, xây dựng chuỗi giá trị theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ, ưu tiên các giải pháp tiết kiệm tài nguyên và giảm thiểu phát thải.
Không riêng chăn nuôi, lĩnh vực trồng trọt - vốn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành nông nghiệp cũng đang đối mặt với những thách thức môi trường nghiêm trọng, từ suy thoái đất đến ô nhiễm nguồn nước và hiệu quả sử dụng tài nguyên chưa cao.
Ngành trồng trọt hiện chiếm hơn 52% tổng giá trị xuất khẩu nông nghiệp năm 2024 với 32,8 tỷ USD, đang bị tác động nặng nề bởi lối canh tác chưa bền vững.
Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, hiện tượng lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật kéo dài nhiều năm qua đã làm suy giảm độ phì nhiêu đất, gây ô nhiễm nước mặt và nước ngầm, đặc biệt ở các vùng trọng điểm như Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng và Tây Nguyên.
Mô hình canh tác độc canh và thâm canh không kiểm soát còn khiến đất đai bị xói mòn, mất đa dạng sinh học và tăng áp lực sâu bệnh, làm tăng chi phí sản xuất và giảm năng suất. Các vùng trồng trên đất dốc như Tây Bắc, Tây Nguyên thường xuyên bị sạt lở vào mùa mưa do thiếu giải pháp bảo vệ đất.
Để khắc phục, ngành trồng trọt đang chuyển hướng mạnh mẽ sang mô hình canh tác sinh thái và nông nghiệp tái sinh.
Một số giải pháp tiêu biểu đang được triển khai gồm: gia tăng tỷ lệ sử dụng thuốc sinh học, phân bón hữu cơ; phục hồi độ phì đất bằng canh tác đa dạng cây trồng; cải thiện hệ thống tưới tiêu thông minh và quản lý nguồn nước hiệu quả.
Ông Mạnh kiến nghị cần hoàn thiện khung pháp lý về sản xuất trồng trọt bền vững, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chế phẩm sinh học và phân hữu cơ. Đồng thời, cần phát triển mạng lưới trung tâm đổi mới sáng tạo nông nghiệp xanh, tập trung vào nghiên cứu giống cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu và giảm phụ thuộc vào hóa chất nông nghiệp.
Một trong những giải pháp công nghệ tiêu biểu trong trồng trọt, đặc biệt là với ngành hàng lúa gạo đang được giới khoa học đánh giá cao chính là kỹ thuật tưới ướt - khô xen kẽ (AWD).
Canh tác lúa ngập nước lâu nay được xem là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất trong nông nghiệp Việt Nam. TS. Vũ Duy Hoàng (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) giới thiệu kỹ thuật tưới ướt - khô xen kẽ (AWD) là một giải pháp hiệu quả để giảm thiểu khí metan sinh ra trong quá trình canh tác lúa.
Theo kết quả khảo nghiệm tại một số tỉnh đồng bằng năm 2024, lượng phát thải CO2e từ mô hình AWD dao động từ 5 - 7,5 tấn/ha/vụ, trong khi lúa ngập truyền thống lên đến 11- 15 tấn/ha/vụ, mức giảm gần 55%.
AWD còn có khả năng lượng hóa phát thải giảm thành tín chỉ carbon - một loại tài sản môi trường có thể đem lại thu nhập bổ sung cho người trồng lúa khi thị trường tín chỉ carbon đi vào hoạt động.
Doanh nghiệp chuyển mình theo hướng xanh
Giải pháp kỹ thuật là một phần, nhưng để nông nghiệp xanh thực sự lan tỏa, sự tham gia và chuyển đổi của doanh nghiệp, chủ thể đầu chuỗi và hạt nhân chuỗi giá trị đóng vai trò không thể thiếu.
Ông Đinh Cao Khuê, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) chia sẻ rằng, để sản xuất nông nghiệp bền vững, doanh nghiệp cần đầu tư từ gốc, từ vùng nguyên liệu đến chế biến, đóng gói và tiêu thụ.
Hiện Doveco liên kết hơn 13.000 ha vùng nguyên liệu với nông dân, áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, tưới tiêu tiết kiệm và sử dụng chế phẩm sinh học. Các mô hình trồng dứa trên đồi tại Ninh Bình, Thanh Hóa và Nghệ An đạt năng suất và thu nhập cao, từ 700 - 900 triệu đồng/ha/năm.
Công ty cũng đầu tư dây chuyền chế biến giảm tiêu thụ năng lượng và hạn chế rác thải nhựa, hướng đến mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính từ khâu sau thu hoạch.
Tuy nhiên, để mô hình doanh nghiệp xanh nhân rộng, rất cần sự đồng hành từ chính sách. Đây là lúc vai trò của Nhà nước thể hiện rõ qua các hỗ trợ về thể chế, tài chính và chuyển giao công nghệ.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành cho biết Bộ đang triển khai nhiều chương trình thúc đẩy sản xuất xanh như: phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp; ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong canh tác; xây dựng bản đồ khí hậu phục vụ dự báo thời tiết nông nghiệp chính xác...
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang triển khai nhiều chương trình thúc đẩy sản xuất xanh như phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp...
Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả các mô hình này, ông Thành đề xuất Quốc hội và Chính phủ cần hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ môi trường trong nông nghiệp, đồng thời bổ sung nguồn lực ngân sách, cơ chế tài chính xanh và ưu đãi đầu tư vào xử lý chất thải, phát triển công nghệ tiết kiệm nước, năng lượng tái tạo trong sản xuất.
Tại hội thảo, Phó chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đề nghị Đoàn giám sát chuyên đề và các cơ quan liên quan sớm chắt lọc các kiến nghị thiết thực, đưa vào nội dung dự thảo Nghị quyết chuyên đề của Quốc hội nhằm tháo gỡ rào cản pháp lý, tạo động lực đầu tư và chuyển đổi xanh cho ngành nông nghiệp.
“Muốn xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, xanh và phát thải thấp, chúng ta cần tư duy lại từ gốc. Đó là sản xuất gắn với môi trường, nông dân làm chủ công nghệ, và doanh nghiệp là hạt nhân của chuỗi giá trị tuần hoàn”, ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Linh Nguyễn
Nguồn: https://baodautu.vn/nong-nghiep-tuan-hoan-tu-bai-toan-moi-truong-den-dong-luc-tang-truong-xanh-d332340.html
Bài viết khác
(PLO)- Phó Tổng giám đốc FAO đánh giá cao mô hình OCOP của Việt Nam không chỉ là động lực phát triển kinh tế địa phương mà còn là nền tảng cho chiến lược tăng trưởng nông nghiệp bền vững.
Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức thu 30-50% phần chênh lệch giá đất khi hộ dân chuyển đất nông nghiệp sang đất ở, nhằm giảm gánh nặng tài chính do bảng giá đất mới tăng cao…
Sáu tháng đầu năm 2025, điểm sáng của toàn ngành nông nghiệp là kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 33,84 tỷ USD, tăng 15,5%; giá trị xuất siêu 9,83 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2024. Năm nay, ngành nông nghiệp phấn đấu đạt mục tiê