Thể chế “trói chân” nông nghiệp
Thể chế “trói chân” nông nghiệp
01/04/2017 2:03 Sáng
(DĐDN)- Một điều tra của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp – Nông thôn (Ipsard) cho thấy, có đến 40% DN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (NN – NT) trả lời rằng, việc “loại bỏ hoặc hạn chế thủ tục quan liêu” trong đối xử với DN là quan trọng nhất để giúp họ phát triển sản xuất kinh doanh.
Như vậy rõ ràng, việc hoàn thiện thể chế để tạo động lực cho ngành nông nghiệp phát triển là rất quan trọng. Thể chế bao gồm cả thế chể chính thức (chính sách, pháp luật) và phi chính thức (các tập quán, nhận thức chung, hoạt động của các hội, hiệp hội trong nông nghiệp…).
DN khổ vì “rừng” thủ tục
Trong một báo cáo của Ngân hàng Thế giới dựa trên điều tra 40 nước trên thế giới cho thấy, môi trường kinh doanh NN ở VN ở dưới mức trung bình chung của các nước. Trong khu vực Đông Nam Á, xếp hạng của VN chỉ trên Lào, Campuchia và Myanmar.
Điều này cũng được chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực thẳng thắn nhìn nhận, đến bây giờ, chỉ riêng vấn đề quy hoạch phát triển nông nghiệp chúng ta vẫn loay hoay giải bài toán nuôi con gì, trồng cây gì. Con số ông Lực đưa ra cho thấy, hiện có đến 66,7% DN trong lĩnh vực nông nghiệp chưa hài lòng về cơ chế chính sách. Dù có nhiều thế mạnh nhưng sản xuất nông nghiệp nước ta vẫn yếu về năng suất, chất lượng.
Là DN trực tiếp đầu tư vào lĩnh vực NN, ông Trần Đức Hạnh – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần thuốc thú y Đức Hạnh Matphavet mới thấm thía cái gọi là “rừng” thủ tục chính sách. Kể một câu chuyện để thấy thực tế rằng, thể chế chính sách quá cồng kềnh và chồng chéo đang ảnh hưởng trực tiếp rất lớn đến việc sản xuất của các DN. Đơn cử, DN sản xuất cà chua, sản phẩm của họ có nhiều vitamin nhưng rất nhanh hỏng. Tuy nhiên, nếu muốn được xuất khẩu phải qua rất nhiều các thủ tục cấp phép, nếu làm không kịp, sản phẩm có thể bị hư hỏng. Hay như Cty sản xuất thức ăn, hàm lượng xơ ảnh hưởng rất ít đến chất lượng cũng như sức khỏe con người, thế nhưng lại có rất nhiều đơn vị vào thanh, kiểm tra. Ông Hạnh chỉ tính sơ bộ trên đầu ngón tay cũng có tới 5 đơn vị có quyền thanh tra, kiểm tra sản phẩm và lần nào cũng phải yêu cầu Giám đốc DN có mặt để giải quyết. “Vậy còn đâu thời gian để mà tính toán làm ăn” – ông Hạnh bức xúc.
Ngay chính ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ NN – NT, Ban kinh tế Trung ương cũng phải thừa nhận rằng, thể chế nông nghiệp đang bộc lộ nhiều yếu kém và bất cập. Đơn cử, theo ông Tiến, các chủ thể hộ nông dân, các DN, các đơn vị cung ứng dịch vụ trong nông nghiệp còn yếu… Cơ chế, chính sách một thời gian dài chủ yếu phát triển theo chiều rộng, hướng vào phân khúc chất lượng thấp, chế biến thô. Các thể chế quan trọng liên kết như đất đai, tài chính tín dụng, thị trường, KH – CN còn nhiều yếu kém, gây trở ngại. Không những thế, theo ông Tiến, các hình thức và thể chế liên kết giữa các hộ nông dân, các HTX, DN, các đơn vị cung ứng dịch vụ còn kém phát triển, thiếu sự liên kết về trách nhiệm, chia sẻ lợi ích và rủi ro giữa các chủ thể, chưa tạo được các chuỗi sản xuất kinh doanh, chuỗi giá trị bền vững…
Phải có cuộc “cách mạng” đổi mới
Như vậy rõ ràng, nếu không có cuộc “cách mạng” và đổi mới thực sự về cơ chế, thể chế chính sách cho các DN NN – NT, tất yếu dẫn đến việc DN quay lưng với lĩnh vực vốn được coi là “bệ đỡ” của nền kinh tế.
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Cty TNHH Trung An cho rằng, Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi cụ thể và nhiều hơn nữa đối với DN thực hiện cánh đồng lớn. Đơn cử, trong việc mua máy cày, máy cấy, máy san ủi đồng ruộng, máy tưới tiêu, xây kho chứa lúa, máy xay xát, chế biến lúa gạo… thì được vay vốn trung hoặc dài hạn với lãi suất ưu đãi. Về đất, được nhà nước cho thuê 50 năm với mức ưu đãi được miễn tiền thuê đất 15 năm đầu… Ngoài ra, nghiên cứu bãi bỏ việc mua tạm trữ lúa gạo vì DN đã mua toàn bộ lúa của nông dân khi tham gia cánh đồng lớn… Có như vậy, mới thu hút nhiều DN tham gia phát triển nông nghiệp.
Trên thực tế, đối với ngành chăn nuôi đại gia súc, cụ thể là chăn nuôi bò giống và bò thịt với tổng đàn từ vài chục đến cả trăm nghìn con như Cty CP Chăn nuôi Bình Hà, TGĐ Cty ông Đinh Văn Dũng rất cần có chuồng trại, diện tích đồng cỏ lớn. Tuy nhiên, hiện nay theo ông Dũng hầu hết các tỉnh đều chưa có quy hoạch đất đủ lớn cho việc trồng cỏ làm nguyên liệu phục vụ chăn nuôi quy mô lớn. Vì vậy, khi thành lập dự án, chính quyền địa phương đều gặp khó khăn trong việc giao đất, cho thuê đất phục vụ dự án. Thông thường, với những dự án chăn nuôi tập trung quy mô lớn, để có đủ diện tích rộng liền vùng, liền thửa, chính quyền địa phương vì lợi ích kinh tế xã hội phải ra quyết định thu hồi phần lớn diện tích đất rừng sản xuất kém hiệu quả để giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án chăn nuôi. Những vướng mắc trong thay đổi quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sản xuất sang trồng cỏ, bắp, đậu tương… phục vụ chăn nuôi đòi hỏi nhiều thủ tục phức tạp, và rất mất nhiều thời gian – ông Dũng kiến nghị.
Còn nhớ tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp cuối tháng 12/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hơn một lần nhấn mạnh, “Thể chế ràng buộc sự phát triển thì phải bãi bỏ ngay, đừng để các thể chế đó bắt chúng ta phải chạy theo, phải sợ nó một cách vô lý”.
Bà Hà Ngọc Quỳnh – Phó Giám đốc Cty TNHH Thuấn Quỳnh, Quảng Ninh.Cho chúng tôi cơ chế!
Thực tế, DN tham gia vào nông nghiệp đang gặp phải rất nhiều khó khăn. Nhất là thủ tục về chuyển quyền sử dụng đất, thuê đất xây dựng nhà máy và trồng cây nguyên liệu hay thủ tục xét duyệt phương án bảo vệ môi trường cho các nhà máy…
Chúng tôi cũng kiến nghị một số giải pháp trong thủ tục chuyển quyền sử dụng đất như: Đưa ra bộ hướng dẫn chi tiết, thậm chí là có mẫu sẵn về các giấy tờ DN cần làm để được chuyển đổi quyền sử dụng đất, thuê đất và chỉ cần doanh nghiệp có đầy đủ các giấy tờ này là được chuyển đổi. Bên cạnh đó, cần quán triệt cán bộ văn phòng “một cửa” ở các ngành, khi nhận hồ sơ của các cá nhân, DN phải xem xét và có câu trả lời ngay về bộ hồ sơ, thủ tục đã đầy đủ hay chưa, vướng ở đâu và thời gian hoàn thành là khi nào? Hãy cho chúng tôi cơ chế, cho chúng tôi mua đất đàng hoàng.
Ông Phạm Minh Trí – Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nN – NTHội nghề nghiệp chưa vào cuộc
Trong bối cảnh cạnh tranh trong nông nghiệp đang đòi hỏi rất cao việc khảo sát thị trường trong nước và thế giới, xây dựng thương hiệu và bảo vệ quyền lợi của hội viên trong các vụ kiện quốc tế thì, các hiệp hội chuyên ngành nông nghiệp của Việt Nam hầu như không có động tĩnh gì. Do vậy, cần cơ cấu lại các hội này theo hướng phục vụ lợi ích cho hội viên và phát triển ngành theo chuỗi giá trị thông qua các trung tâm dịch vụ thay cho các văn phòng hành chính. Đồng thời tăng cường hơn các hoạt động gắn với thị trường.
Mai Thanh
http://enternews.vn/the-che-troi-chan-nong-nghiep.html
Bài viết khác
Tại Hội thảo "Thúc đẩy tín dụng cho ngành nông sản chủ lực, đưa đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, bền vững", Chuyên gia Kinh tế, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, Tiến sĩ Cấn Văn Lực đã trình bày tổng quan về
Theo các chuyên gia, quan hệ Việt Nam-Mông Cổ đang ngày càng mở rộng và có tiềm năng phát triển lớn trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, nông nghiệp.
Chiều 14-11, UBND tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam và Chính phủ nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc đã tổ chức lễ ký kết bản ghi nhớ về cơ chế gặp gỡ, trao đổi định kỳ cùng xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh. Lễ ký kết được tổ chức