Đắk Lắk xác định nâng cao chất lượng nông sản để phát triển nông nghiệp


VOV.VN - Để nâng chất lượng và độ tin cậy về an toàn thực phẩm của Đắk Lắk, các chuyên gia cho rằng cần đẩy mạnh công tác truyền thông các địa chỉ sản xuất, xuất khẩu nông sản bảo đảm chất lượng, có trách nhiệm để thông tin rộng rãi trong nước và nước ngoài…

Nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế tỉnh Đắk Lắk, đóng góp 36,8% vào tổng sản phẩm, đóng góp 90% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho 70% lao động địa phương…

Đến nay, Đắk Lắk có hơn 610 cơ sở được cấp giấy Chứng nhận ATTP ở các lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Toàn tỉnh đã xây dựng được 123 chuỗi liên kết do các cấp chính quyền thực hiện, 150 hợp tác xã nông nghiệp có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, có 5 tổ chức khoa học tham gia liên kết.

Tuy nhiên, công tác quản lý chất lượng nông sản và an toàn thực phẩm (ATTP) tại Đắk Lắk vẫn còn nhiều hạn chế như: Tỷ lệ có chứng nhận chất lượng và có truy xuất nguồn gốc còn thấp; nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh chưa tuân thủ đầy đủ quy định ATTP; việc kiểm tra, lấy mẫu tại các vùng sản xuất gặp khó khăn do người dân chưa hợp tác…

Dak lak xac dinh nang cao chat luong nong san de phat trien nong nghiep hinh anh 1

Đắk Lắk chú trọng các giải pháp tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi giá trị sản phẩm để kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào và đầu ra của sản phẩm.

Đáng chú ý, vấn đề kiểm soát dư lượng chất bảo vệ thực vật, nhất là chất Cadimi và vàng O trên mặt hàng sầu riêng xuất khẩu, đang trở nên rất cấp bách.

Tại hội nghị “Tăng cường công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP); Giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh” vừa diễn ra tại Đắk Lắk, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp tăng cường quản lý chất lượng, an toàn sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

Trong đó, chú trọng các giải pháp tổ chức sản xuất, phát triển vùng sản xuất an toàn, xây dựng hệ sinh thái trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị sản phẩm để kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào và đầu ra…

Ông Nguyễn Hắc Hiển, Chi Cục trưởng Chi Cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk cho rằng: “Tổ chức sản xuất thì chúng ta phải liên kết lại để có sản phẩm đồng nhất, có số lượng lớn, để có chất lượng và để có an toàn thực phẩm thì cần phải hình thành các tổ hợp tác và hợp tác xã. Liên kết khi đó mới ghi nhật ký nông hộ, xem lại bón phân gì, sử dụng thuốc nào, quy trình ra sao và tính được hiệu quả kinh tế là chúng ta phải làm được những việc đấy”.

Dak lak xac dinh nang cao chat luong nong san de phat trien nong nghiep hinh anh 2

Vấn đề kiểm soát dư lượng chất bảo vệ thực vật, nhất là chất Cadimi và vàng O trên mặt hàng sầu riêng xuất khẩu, đang trở nên rất cấp bách.

Để nâng chất lượng và độ tin cậy về an toàn thực phẩm của Đắk Lắk các đại biểu cho rằng cần đẩy mạnh công tác truyền thông các địa chỉ sản xuất, xuất khẩu nông sản bảo đảm chất lượng, có trách nhiệm để thông tin rộng rãi trong nước và nước ngoài…

Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, nâng cao chất lượng nông  sản, đáp ứng các tiêu chuẩn về ATTP là yêu cầu bắt buộc và tất yếu. Do đó, sau hội nghị, yêu cầu các ngành, đơn vị liên quan phối hợp đồng bộ để tháo gỡ những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm tại địa phương hiện nay.

"Không còn con đường nào khác là nâng cao chất lượng là giải pháp căn cơ để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Sau hội nghị này chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tiếp tục triển khai các nội dung tăng cường quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm và một số giải pháp trọng tâm trong thời gian đến” - ông Hà cho biết thêm.

Hương Ly

https://vov.vn/kinh-te/dak-lak-xac-dinh-nang-cao-chat-luong-nong-san-de-phat-trien-nong-nghiep-post1200002.vov

Bài viết khác