Cần cách làm mới khi đưa nông sản sang Trung Quốc


 Ngoài các hình thức truyền thống như chợ hay siêu thị, thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc. Các doanh nghiệp Việt Nam cần khai thác và tận dụng nhiều hơn nữa xu hướng này.

Đó là chia sẻ của ông Đỗ Nam Trung, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh, Trung Quốc, với báo chí bên lề Toạ đàm Đại sứ và các doanh nghiệp, diễn ra trước thềm Hội nghị ngoại giao lần thứ 32. Hội nghị sẽ được tổ chức từ ngày 19-23/12 tại Hà Nội.

Ông Trung cho biết, Trung Quốc hiện là thị trường lớn và quan trọng với nông sản Việt Nam. Trong số nông sản Việt Nam xuất khẩu ra thế giới, sầu riêng xuất sang Trung Quốc chiếm 95%, sắn chiếm 90%, vải chiếm gần 90% và thanh long chiếm 80%. Những con số này cho thấy tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc.

 

Cần cách làm mới khi đưa nông sản sang Trung Quốc ảnh 1

Dừa tươi Việt Nam sắp được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Ảnh: Sutech

 

 

Theo ông, trong bối cảnh mới, trao đổi thương mại nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ có những cơ hội và thách thức mới, đòi hỏi cách làm mới. Ông cho rằng xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc có nhiều yếu tố thuận lợi. Trước hết, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp, nhất là sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (10/2022) và chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (12/2023).

Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên của Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Việt Nam được hưởng thuế quan ưu đãi nhờ các hiệp định này. Sau đại dịch COVID-19, kinh tế Trung Quốc đối diện một số khó khăn, vì thế một trong những ưu tiêu của nước này hiện nay là thúc đẩy tiêu dùng của người dân. Ông Trung cho rằng đây chính là cơ hội cho nông sản Việt Nam. Ông cho biết, tầng lớp trung lưu Trung Quốc chiếm tỷ lệ tương đối, là đối tượng chính tiêu dùng nông sản chất lượng cao từ các nước, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam và Trung Quốc “bước chân ra khỏi cửa là đến nhà nhau”. Ngay sát biên giới Việt Nam và Trung Quốc có chợ nông sản rất lớn. Trong khi đó, Thái Lan không có lợi thế này. Vì thế, sầu riêng Thái Lan xuất sang Trung Quốc chủ yếu là sầu riêng đông lạnh và sầu riêng múi chứ không phải nguyên quả như Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam và Trung Quốc có sự tương đồng về văn hóa ẩm thực, văn hóa ứng xử và văn hóa doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Trung cho biết, thị trường Trung Quốc không còn dễ tính mà hướng tới các tiêu chuẩn cao. Vì thế, doanh nghiệp Việt Nam cần nhiều thông tin hơn để hiểu sâu về thị trường này, nhất là văn hóa tiêu dùng; cần khai thác xu hướng thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc.

Theo ông Trung, cũng cần nâng cao chất lượng nông sản để bảo đảm đồng đều, nhờ đó mới có thể vững chân ở thị trường Trung Quốc. Việt Nam cũng cần cải thiện logistics, vận chuyển nhanh và tốt hơn để đảm bảo sự tươi ngon cho hàng nông sản.

Ông cho rằng các doanh nghiệp cần coi trọng chữ tín để chắc chân ở thị trường. Theo ông, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa giữ uy tín, vẫn có hiện tượng gian lận xuất xứ, tem mác, sản phẩm có sâu bệnh.

Nhiều biện pháp mở rộng thương mại

Nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam, hai bên nhất trí sẽ áp dụng các biện pháp thiết thực nhằm mở rộng quy mô thương mại song phương theo hướng cân bằng, bền vững. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên lĩnh vực tiêu chuẩn hóa, bảo đảm hài hòa về tiêu chuẩn đối với hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là nông sản, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác thương mại song phương.

Trung Quốc khẳng định sẽ tích cực thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường đối với nông sản của Việt Nam như dừa tươi, sản phẩm trái cây đông lạnh, hoa quả có múi, bơ, na, roi, dược liệu đông y có nguồn gốc thực vật, thịt trâu, thịt bò, thịt lợn, sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm. Việt Nam sẽ tích cực thúc đẩy nhập khẩu các loại cá tầm của Trung Quốc, tăng cường giao lưu, trao đổi giữa các tổ chức ngành nghề của hai bên, thúc đẩy các ngành nghề liên quan của hai nước phát triển lành mạnh.

Việt Nam và Trung Quốc nhất trí nâng cao hiệu suất thông quan, thúc đẩy xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa qua khu vực mốc 1088/2-1089 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa tại cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài (khu vực mốc 1090-1091) thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc); phân luồng hợp lý hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu biên giới, bảo đảm các cửa khẩu trọng điểm vận hành thông suốt.

Hai bên cũng sẽ tích cực phát huy vai trò của Nhóm công tác thuận lợi hóa thương mại Việt Nam - Trung Quốc, tiếp tục khai thác tiềm năng thương mại song phương; thúc đẩy thực hiện Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc về tăng cường bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa Việt Nam - Trung Quốc, duy trì an toàn, ổn định chuỗi sản xuất và cung ứng giữa hai nước. Hai bên cũng sẽ phát huy vai trò của nhóm công tác hợp tác về thương mại điện tử, thúc đẩy doanh nghiệp hai nước triển khai hợp tác thương mại điện tử.

Trung Quốc ủng hộ việc mở Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Trùng Khánh, các văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trùng Khánh và Hàng Châu phát huy vai trò tích cực trong hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước; sẵn sàng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho phía Việt Nam sớm mở thêm các văn phòng xúc tiến thương mại tại các địa phương liên quan của Trung Quốc.

Việt Nam và Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục ủng hộ các doanh nghiệp đường sắt hai nước tăng cường hợp tác nâng hiệu suất hàng hóa Việt Nam quá cảnh Trung Quốc.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua. Trong 10 tháng đầu năm nay, thương mại song phương đạt 138,9 tỷ USD, tương đương 79% kim ngạch của cả năm 2022.

Bài viết khác