|
Ông Phùng Quốc Hiển làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Ảnh: TD |
(TBKTSG Online) – Dù đạt được nhiều thành tựu, vượt qua nhiều khó khăn trong năm 2016 để có tốc độ tăng trưởng dương, nhưng ngành nông nghiệp đang bộc lộ nhiều điểm yếu như sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, an toàn thực phẩm ở mức báo động.
Tại buổi làm việc với đoàn đại biểu quốc hội dẫn đầu là Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển diễn ra ngày 23-2, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã kiến nghị Quốc hội gỡ khó về chính sách tín dụng và đất đai để cởi trói cho ngành nông nghiệp.
Gỡ khó về đất đai và tín dụng
Tại buổi làm việc, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NNPTNT, cho rằng trồng trọt là lĩnh vực quan trọng nhất trong nông nghiệp cả về giá trị sản xuất và kim ngạch xuất khẩu, nhưng ngành này đang bị ảnh hưởng lớn bởi biến đối khí hậu, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thị trường lại chủ yếu dựa vào Trung Quốc.
Trước đây, nói đến trồng trọt là nói tới cây lúa, kéo theo đầu tư cơ sở hạ tầng hầu hết vào cây lúa. Nhưng ngành nông nghiệp hiện nay đã đa dạng hóa cây trồng với nhiều loại cây mang về giá trị xuất khẩu hàng tỉ đô như rau quả, cà phê, hồ tiêu, cây điều, cao su...
Tuy nhiên, theo ông Doanh, dù mang lại giá trị cao nhưng hầu như các cây trồng trên không được hỗ trợ tương xứng như cây lúa về cơ sở hạ tầng, tưới tiêu. Do đó, ông kiến nghị nên đầu tư tương xứng với giá trị của những cây trồng này. Ông Doanh kiến nghị cho phép tích tụ ruộng đất và chuyển đổi đất kém hiệu quả không chỉ sang cây ngắn ngày mà còn sang cây trồng lâu năm mang lại giá trị kinh tế cao hơn.
Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), cho biết trên thực tế, hầu hết các trang trại chăn nuôi đang rụt rè mở rộng đầu tư với lý do chính liên quan tới việc gom đất và thời gian sử dụng đất. Điều này đang cản trở việc ứng dụng khoa học công nghệ và việc mở rộng, nâng cao chất lượng sản phẩm. Do đó, ông Vân cũng kiến nghị đoàn Quốc hội xem xét mở rộng hạn điền, tự do gom đất, thời gian thuê đất dài hơn.
Về vốn, theo ông Vân, hai năm trở lại đây nhiều doanh nghiệp đã thành lập viện nghiên cứu nằm trong tập đoàn của mình như TH hay Dabaco. Tuy nhiên, hỗ trợ chính sách đối với họ không nhiều. Do đó, ông Vân cũng kiến nghị nên có một chính sách nào đó về tín dụng hay thuế đối với những doanh nghiệp đầu tư ứng dụng KHCN như vậy.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiến nghị đoàn đại biểu Quốc hội về việc sửa đổi Luật đất đai 2013 theo hướng tạo thuận lợi hơn trong việc tích tụ đất đai, sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, nới lỏng về đối tượng nhận, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong nông nghiệp, hạ mức nhận chuyển nhượng sử đụng đất đai trong nông nghiệp, cho phép chuyển đổi linh hoạt đối với đất lúa, đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất chăn nuôi, đất nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch…
Bên cạnh đó cần hoàn thiện chính sách tín dụng, ưu tiên tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao, phát triển kinh tế tư nhân và thu hút đầu tư từ xã hội.
Bị o ép từ quả dưa tới con heo
Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao những thành tựu mà ngành nông nghiệp đạt được, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn của năm 2016 như hạn hán, ô nhiễm môi trường biển, cạnh tranh quốc tế. Nhưng ông Hiển cũng chỉ ra những tồn tại mà ngành này cần phải khắc phục.
Ông Hiển đặt câu hỏi: vì sao chúng ta là quốc gia có địa lý thuận lợi, khí hậu, đất đai màu mỡ, sông nước nhiều, người nông dân có kinh nghiệm không thua kém quốc gia nào trong khu vực, vậy sao sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam chưa ngang tầm với một số nước trong khu vực và các nước thế giới.
Có một thực tế là thị trường nông nghiệp nước ta quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. “Mỗi khi Trung Quốc có điều chỉnh chính sách biên mậu, hoặc thương lái Trung Quốc o ép thì sản phẩm nông nghiệp lại lao đao. Bài này diễn ra thường xuyên từ quả dưa tới con lợn. Luôn luôn có quy luật được mùa, mất giá, được giá mất mùa”, ông Hiển nói.
Ông Hiển cũng đặt cậu hỏi, tại sao chưa bảo vệ tốt được môi trường để sản xuất canh tác sạch, sản phẩm nông nghiệp đã đảm bảo an toàn chưa? Đã đảm bảo rau, thịt cá sạch đáp ứng được mong mỏi người dân hay chưa?
“Có tình trạng xuất khẩu thì sạch nhưng dùng trong nước không sạch, thậm chí bẩn. Nhất bên trọng, nhất bên khinh. Có người nói rằng của ngon cho khách ăn, của không ngon mình ăn”, ông Hiển nói.
Theo ông Hiển, tổ chức sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, nhiều vùng mang nặng tính tự cung tự cấp, sản xuất hàng hóa tập trung chưa lớn, chưa tốt. Tính thị trường và trình độ nông dân ở các vùng khác nhau, có chênh lệch. Nền tảng kỹ thuật chưa tốt, kể cả tổ chức, hướng dẫn và mối quan hệ liên kết giữa bốn nhà (nhà nông, nhà khoa học, nhà nước, doanh nghiệp) chưa tốt. “Bốn nhà là đồng sàng dị mộng, nằm trên một giường nhưng mơ bốn giấc mơ khác nhau”, ông Hiển ví von.
Dù kim ngạch xuất khẩu cao, nhưng nông nghiệp chủ yếu chỉ chú ý tới thị trường dễ tính như Trung Quốc, chưa thực sự quan tâm tới thị trường khó tính và có phần nào chưa quan tâm tới thị trường trong nước, nơi mà tầng lớp trung lưu đang tăng rất nhanh, họ sẵn sàng trả giá tương xứng với chất lượng sản phẩm sạch mà họ nhận được.
Theo ông Hiển, đổi mới mô hình tăng trưởng ngành cần cương quyết, kiên trì đi theo nền nông nghiệp xanh, hữu cơ và bền vững. Đi theo con đường này sẽ có sự đấu tranh giữa hai “trường phái” là giữa sản xuất “nóng” sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh thiếu kiểm soát với một bên là sản xuất sạch từ khâu canh tác đến tiêu thụ, sử dụng phân bón vô cơ, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh.
Ngành nông nghiệp phải tổ chức lại sản xuất, cơ giới hóa, hiện đại hóa đi theo nền sản xuất tập trung áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, gắn kết sản xuất với tiêu thụ, giữa người sản xuất và người tiêu dùng theo mô hình khép kín. Đây cũng là cách để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm.
Về đất đai, ông Hiển cho rằng phải giải quyết được vấn đề này, phải tích tụ được ruộng đất để có những cánh đồng mẫu lớn. Do đó, phải sửa đổi Luật Đất đai, cương quyết xử lý việc sử dụng đất không hợp lý của các tổ chức, cá nhân. Việc xử lý phải gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.
http://www.thesaigontimes.vn/157278/Thao-nut-that-von-va-dat-dai-cho-nong-nghiep.html
|