|
Thu hoạch lúa ở ĐBSCL. Ảnh: NH |
(TBKTSG Online) - Mỗi năm, bão lũ đã làm cho ngành nông nghiệp thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng, vì thế, để hỗ trợ nông dân có nguồn vốn để tái sản xuất, nhiều người kỳ vọng vào gói bảo hiểm nông nghiệp nhưng thực tế gói bảo hiểm này đang có những khó khăn để áp dụng đại trà. Tại sao cứ phải chờ vào bảo hiểm nông nghiệp, trong khi, có thể có hướng khác để giải quyết được vấn đề.
Năm 2017, Việt Nam ghi nhận có 16 cơn bão, một con số cao kỷ lục từ trước đến giờ. Những năm trước, trung bình mỗi năm 10-12 cơn bão. Và nếu như những cơn bão trước đây chỉ đổ bộ từ Đà Nẵng trở ra thì năm nay lại dịch chuyển xuống phía Nam nhiều hơn. Vì thế, TPHCM, lần đầu tiên trong mấy chục năm qua, học sinh, sinh viên được nghỉ học hai ngày để tránh bão.
Theo lý giải của các nhà khoa học, biến đổi khí hậu đã tạo ra những cơn bão lớn, bất thường. Bão sẽ kéo theo mưa lớn kéo dài và gây ra lũ lụt là điều không tránh khỏi. Hậu quả, nhiều ngôi nhà bị sập, cây cối gãy đổ, hoa màu, lúa, chăn nuôi gia súc, gia cầm hay thủy sản bị thiệt hại nặng nề. Như cơn bão số 12 đổ bộ vào các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ đã khiến cho Khánh Hòa thiệt hại 13.500 tỉ đồng. Vì thế, UBND tỉnh Khánh Hòa phải xin Chính phủ 1.150 tỉ đồng để khắc phục hậu quả của cơn bão.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2017 cho biết thiệt hại do thiên tai lên đến 60.000 tỉ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Để hỗ trợ nông dân, trước đó, Chính phủ có quyết định 315 về thí điểm bảo hiểm nông nghiệp nhưng sau khi hết giai đoạn thí điểm vẫn chưa biết là có gói bảo hiểm nông nghiệp nữa hay không.
Vì thế, khi chưa có một gói bảo hiểm nông nghiệp, Chính phủ có nghị định 2/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Theo đó, mức hỗ trợ cao nhất đối với cây trồng là 30 triệu đồng/ha; sản xuất lâm nghiệp là 20 triệu đồng/ha; nuôi thủy, hải sản 60 triệu đồng/ha. Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho các hộ sản xuất có gia súc, gia cầm phải tiêu hủy bắt buộc do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch bắt buộc phải tiêu hủy với mức hỗ trợ 38.000 đồng/kg hơi đối với heo (lợn), hỗ trợ 45.000 đồng/kg hơi đối với trâu, bò, dê, cừu, hươu, nai; hỗ trợ 35.000 đồng/con gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng). Đối với sản xuất muối, nhà nước hỗ trợ 1.500.000 đồng/ha diện tích sản xuất muối bị thiệt hại trên 70%; thiệt hại 30-70% được hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha.
Như vậy, dù không có bảo hiểm nông nghiệp, Chính phủ vẫn phải chi ra một lượng lớn tiền để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cho nông dân. Nói thẳng ra, đây là một chính sách không thể không làm nhằm hỗ trợ người dân có vốn để tái sản xuất trở lại sau thiệt hại.
Ở một khía cạnh ngược lại, dù thường xuyên bị thiên tai nhưng nông nghiệp luôn có giá trị xuất khẩu năm sau tăng hơn năm trước và là một trong ngành có giá trị xuất siêu. Năm 2017, giá trị xuất khẩu khối ngành hàng nông nghiệp mang về cho Việt Nam gần 35 tỉ đô la Mỹ, một con số không hề nhỏ.
Vì thế, trong khi vẫn chưa thể có một gói bảo hiểm nông nghiệp, có nên chăng mỗi tấn nông sản xuất khẩu, Chính phủ cho thu khoảng 1-2 đô la Mỹ để đưa vào quỹ hỗ trợ thiên tai, coi như một cách để hỗ trợ trở lại người nông dân.
|