Định hướng phân khúc rõ ràng
Ở tầm quản lý vĩ mô, VN phải hoạch định chiến lược phát triển nông sản quốc gia cho mỗi vùng nông nghiệp sinh thái có định hướng phân khúc thị trường rõ rệt. Đơn cử, vùng núi và trung du phía bắc (cả Đông Bắc và Tây Bắc) và Tây nguyên do có khí hậu khắc nghiệt, nên đã sinh ra những sinh vật (trước hết là cây) có dược tính cao. Các sắc tộc ít người sinh sống lâu đời ở đây đã có những bài thuốc theo y học cổ truyền rất đáng quý.
Việt Nam đang đứng trước cơ hội xây dựng và phát triển nền nông nghiệp hữu cơ - organic. Sử dụng sản phẩm hữu cơ là xu hướng của thế giới hiện nay với mức tăng trưởng 10 - 15% mỗi năm.
Vì vậy, chiến lược sản xuất ở vùng này là khôi phục và phát triển các cây và con làm thuốc và thực phẩm chức năng bằng nền nông nghiệp hữu cơ, đầu tư công nghệ chế biến dược phẩm hiện đại, theo các bài thuốc cổ truyền sẵn có. Chỉ có sản xuất theo kỹ thuật hữu cơ thì các sinh vật (cây và con) mới có dược tính cao. Thị trường trong và ngoài nước đối với dược phẩm và thực phẩm chức năng được chế biến từ nông sản hữu cơ là rộng lớn, mang lại giá trị gia tăng rất cao, có thể làm thay đổi căn bản đời sống kinh tế - xã hội của các sắc tộc thiểu số ở vùng này.
Vùng đồng bằng sông Hồng có thể sản xuất rau, củ, quả mùa đông theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm Nhật Bản để xuất sang các nước vùng Đông Bắc Á, nơi có mùa đông giá lạnh kéo dài. Công nghệ cao trong chế biến, bảo quản rau quả cần được áp dụng để nâng cao giá trị gia tăng. Nhờ đó, tuy với mức bình quân ruộng đất quá thấp, nông dân vùng đồng bằng sông Hồng vẫn có thể làm giàu nhờ phát triển nông sản hướng ra xuất khẩu cho Nhật Bản và các nước khác ở Đông Bắc Á.
Ở tất cả các vùng nông nghiệp sinh thái, đều có các giống cây, con mang gien bản địa như gà Đông Tảo, H’Mông, khoai sọ Lệ Phố, nếp Tú Lệ, nếp cái hoa vàng, gạo Di Hương, bưởi da xanh, năm roi… Nếu được phục tráng giống và sản xuất theo kỹ thuật hữu cơ, các loại nông sản này có thể phục vụ phân khúc thị trường của những người có thu nhập cao hiện nay.
Sản xuất lúa gạo, thủy sản, trái cây là lợi thế của ĐBSCL nhưng phải định hướng thị trường trong và ngoài nước rõ ràng và sản xuất phải đáp ứng tiêu chuẩn an toàn của các nước nhập khẩu nông sản, trước hết là các nước ASEAN. Các loại nông sản khác như cà phê, hồ tiêu, cao su, hạt điều ở các vùng Tây nguyên, Đông Nam bộ cũng cần được sản xuất theo các tiêu chuẩn của thị trường các nước phát triển, từ khâu canh tác đến chế biến, bảo quản, phân phối đến nước nhập khẩu và người tiêu dùng.
Phát triển nền nông nghiệp hữu cơ
Nông nghiệp sạch mới chỉ có nghĩa bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng (food safety), chưa bao hàm nội dung tiêu chuẩn an toàn cho người sản xuất và cho môi trường sống. Nền nông nghiệp an toàn hiểu theo nghĩa trên là cơ sở để phát triển bền vững. Mặt khác, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), mà trước tiên là Hiệp định Thương mại tự do giữa các nước ASEAN đã có hiệu lực từ ngày 1.1.2016, nền nông nghiệp VN còn phải đáp ứng tiêu chuẩn an toàn của các thị trường khó tính, như EU, Nhật Bản, Bắc Mỹ.
Theo đó, mỗi thị trường này có những tiêu chuẩn khác nhau, được coi là những hàng rào kỹ thuật khắt khe đối với nông sản nhập khẩu từ các nước như VN. Nếu không, nông sản VN sẽ không thể xuất khẩu mang lại giá trị gia tăng cao mà thậm chí còn có thể “thua ngay trên sân nhà”. Do vậy, nhu cầu phát triển nền nông nghiệp an toàn phù hợp với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới lại càng trở nên cấp bách hơn.
Để có một nền nông nghiệp an toàn và hiệu quả cao như nêu trên, phải quản trị sản xuất theo chuỗi giá trị. Có nhiều chủ thể tham gia chuỗi giá trị này, nhưng hai chủ thể quan trọng nhất là nhà nông (sản xuất nông phẩm trong các khâu mang tính sinh học) và nhà doanh nghiệp thực hiện các khâu chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản trên thị trường trong và ngoài nước, trực tiếp hay gián tiếp (liên kết với bên thứ ba) cung ứng dịch vụ đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thú y, khuyến nông…) bảo đảm chất lượng, đủ số lượng, kịp thời cho nhà nông.
Phải hình thành và phát triển thị trường đất nông nghiệp đích thực. Tiến trình tích tụ và tập trung ruộng đất nông nghiệp theo cơ chế thị trường để tạo dựng các trang trại sản xuất hàng hóa quy mô lớn chỉ có thể diễn ra lành mạnh khi có thị trường ruộng đất đích thực. Muốn thế phải tạo dựng 3 yếu tố: nguồn cung, nguồn cầu và khung pháp lý của hoạt động mua bán, cho thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp.
Đặc biệt, cần sự tác động mạnh của các chính sách vĩ mô, đặc biệt là chính sách tài chính - tín dụng. Ví dụ như không thu thuế thu nhập doanh nghiệp và tài trợ kinh phí khuyến nông cho các doanh nghiệp đóng vai trò “nhạc trưởng” trong chuỗi giá trị ngành hàng nông sản trong 3 năm đầu. Tài trợ kinh phí (trong 2 - 3 năm) cấp giấy chứng nhận cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại thực hiện sản xuất nông nghiệp an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp an toàn theo tiêu chuẩn của các thị trường khó tính (như Nhật, EU, Bắc Mỹ, Úc...).
Tài trợ 50% lãi suất tín dụng bằng vốn của ngân hàng phát triển cho các dự án ứng dụng công nghệ cao, thực hiện nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp an toàn theo tiêu chuẩn của các thị trường khó tính. Tài trợ kinh phí nghiên cứu và triển khai (R&D) cho các đề tài ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn nông nghiệp an toàn cho cá nhân và tổ chức thực hiện (có thu hồi vốn và không tính lãi).
Không đánh thuế chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp trong quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp; quá trình chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất xây dựng cơ sở chế biến nông sản ứng dụng công nghệ cao, xây dựng các cơ sở tiện ích công cộng đô thị (nhà ở xã hội, nhà trẻ, trường học, bệnh viện, đường giao thông...) phục vụ đời sống của công nhân ở các khu công nghiệp; thu hút, sử dụng lâu dài sức lao động nông nghiệp dôi dư.
Vũ Trọng Khải
(Chuyên gia độc lập về kinh tế NN-PTNT)
http://thanhnien.vn/kinh-doanh/nghi-quyet-trung-uong-5-quy-hoach-vung-nong-nghiep-846716.html