Mở rộng hạn điền: Khởi động cuộc đổi mới đất đai lần thứ tư


Mở rộng hạn điền: Khởi động cuộc đổi mới đất đai lần thứ tư

- Người nông dân có lúc bơ vơ trên chính thửa ruộng của mình nhưng khi đẩy mạnh mô hình hợp tác, liên kết với doanh nghiệp, người nông dân sẽ có cơ hội đổi mới chính mình. Mở rộng hạn điền lần này có thể coi là cuộc đổi mới đất đai lần thứ 4. Các diễn giả chia sẻ tại bàn tròn phần 2, chuyên mục Góc nhìn thẳng.

Bàn tròn với chủ đề "Mở rộng hạn điền, cuộc cách mạng mới của nông nghiệp Việt Nam" đã diễn ra tại VietNamNet với sự tham gia của 3 khách mời:

- Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng- Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn

- Bà Hoàng Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách và pháp chế, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên- Môi trường

- GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường

Tại phần 1 của bàn tròn với tiêu đề "Mở rộng hạn điền: Hãy bước qua ám ảnh quá khứ" đăng tải ngày hôm qua, 27/3, ba diễn giả đều chung một quan điểm nhìn nhận rằng, hạn điền thực tế đã được cơi nới từ lâu, người nông dân giỏi cũng đã âm thầm tích tụ ruộng rất. Sự năng động và những điển hình thành công đã bước đầu giúp người làm chính sách, nhà nghiên cứu có niềm tin trong việc bước qua quá khứ, đối diện với vấn đề bần cùng hoá nông dân, hình thành địa chủ mới để thận trọng hơn.

Tại phần 2 của bàn tròn này, các diễn giả đề xuất giải pháp chính sách đồng bộ thay thế cho chính sách hạn điền với tâm thế đón nhận cơ hội ở cuộc đổi mới đất đai lần thứ 4 này. Đặc biệt, đại diện lãnh đạo hai Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã hé mở những dự định thực hiện chủ trương mở rộng hạn điền như hướng sửa Luật Đất đai...

Nút thắt hạn điền không phải là điều 129 Luật Đất đai

Nhà báo Phạm Huyền:Thưa bà Hoàng Thị Vân Anh, là người phụ trách làm chính sách về lĩnh vực này, theo bà, chúng ta có thể học được gì từ bài học kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia tương đồng về thể chế với Việt Nam trong vấn đề quản lý ruộng đất, đảm bảo công bằng và đặc biệt là bảo vệ quyền lợi cho người nông dân?

Bà Hoàng Thị Vân Anh: Vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền lợi cho người nông dân, theo tôi, chúng ta không thể xem nhẹ hoặc đỡ lo hơn hoặc không tính đến.

Tôi cho đây là vấn đề cần cân nhắc rất kỹ lưỡng, cần quan tâm bởi như GS Võ cũng đã nói, người nông dân vẫn chiếm phần đông ở dân số nước ta. Câu chuyện để giải quyết các vấn đề về quyền lợi, đảm bảo cuộc sống của bà con nông dân là phải tính đến.

Ví dụ, câu chuyện của Campuchia ngay bên cạnh chúng ta là một bài học cần xem xét. Khi thực hiện chính sách sang nhượng đất đai, thực sự cũng đã phát sinh nhiều vấn đề như người dân mất đất, dẫn đến đời sống bị bần cùng hóa…

Hiện nay, trên cơ sở Chính phủ giao nhiệm vụ, Bộ Tài nguyên và môi trường cũng đang làm một đề án đánh giá thực trạng của tất cả các mô hình đất đai. Mô hình nào mang lại hiệu quả mà ít tác động xã hội nhất, sử dụng ổn định lâu bền nhất thì chúng tôi sẽ có những chính sách khuyến khích để phát triển mô hình đấy.

Tôi nghĩ, đảm bảo cuộc sống của người nông dân là phải đảm bảo một cuộc sống bền vững lâu dài chứ không phải ngày một ngày hai, trước mắt. Đấy là vấn đề tôi nghĩ cần nghiên cứu rất kĩ, rất thấu đáo để có lộ trình, có những bước đi hợp lý. Không phải vì áp lực doanh nghiệp cần đất mà chúng ta quyết đoán những chính sách nhanh vội được.

Nhà báo Phạm Huyền:Với chủ trương mở rộng hạn điền, tới đây Luật Đất đai sẽ phải sửa những điểm cơ bản nào hay không, thưa bà?

Bà Hoàng Thị Vân Anh: Hiện nay, Ban Kinh tế Trung ương cũng đang tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 về những định hướng đổi mới chính sách đất đai. Liên quan đến Luật Đất đai, việc sửa các quy định về đất nông nghiệp có lẽ là một trong những nhóm nội dung rất quan trọng trong sơ kết lần này.

Bởi, vấn đề sử dụng đất nông nghiệp cũng có rất nhiều ý kiến liên quan đến vấn đề thời hạn sử dụng đất nông nghiệp, thời hạn giao đất, vấn đề hạn mức nhận chuyển quyền như chúng ta vừa nêu... Kể cả, trong vấn đề quy hoạch đất đai thì việc quy hoạch đất nông nghiệp cũng là một vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ sử dụng đất.

Tôi ví dụ như vấn đề liên quan đến sản xuất lúa gạo, hiện nay đang có chính sách phải bảo vệ nghiêm ngặt đất trồng lúa, hạn chế nhận chuyển quyền của tổ chức kinh tế đối với đất trồng lúa. Đó là những vấn đề mà tôi cho rằng, trong lần sơ kết lần này và đánh giá thi hành Luật Đất đai cũng phải được đặt ra và xem xét, để có những sửa đổi bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Nhà báo Phạm Huyền:Liên quan đến câu chuyện Luật Đất đai 2013, người ta cũng hay nói nhiều đến Điều 129 cần sửa khi mở rộng hạn điền. Hiện, hạn mức đất nông nghiệp như GS Đặng Hùng Võ nói là 3 ha, người nông dân được tích tụ gấp 10 lần cũng chỉ có 30 ha, trong khi thực tế, đã có những mô hình cần tới hàng trăm ha. Vậy, thưa bà, nếu nói về câu chuyện mở rộng hạn điền thì những con số này sẽ được tính như thế nào?

Bà Hoàng Thị Vân Anh: Thực ra, các phương tiện thông tin đại chúng nói rất nhiều về mở rộng hạn điền và đề nghị sửa Điều 129, nhưng theo tôi, bản chất không phải thế.

Hạn mức đất nông nghiệp giao cho các hộ dân thực ra đã rất ổn định từ khi thực hiện Luật Đất đai 1993 và Luật Đất đai 2003. Giờ, muốn nới con số này cũng không thể nới được, vì đất đã giao hết từ thời đó, không còn để nới.

Mấu chốt vấn đề hạn điền ở đây chỉ là hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, chứ không còn là hạn mức giao đất, hạn mức giao đất này của Nhà nước không còn ý nghĩa gì.

Điều 129 hiện nay có ý nghĩa là trong hạn mức giao đất cho hộ gia đình, cá nhân thì không thu tiền và người sử dụng đất trong hạn mức đấy có tất cả các quyền. Đó là một thành quả cách mạng, là tất cả người nông dân đều có quyền lợi được giao đất trong hạn mức đấy.

Hạn mức đất hiện nay đang tính toán liên quan đến việc khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp chẳng hạn thì được tính mức bồi thường về đất. Phần hạn mức bên ngoài được chuyển sang thuê thì họ sẽ được bồi thường khác, còn phần đất trong hạn mức giao mặc dù không thu tiền những vẫn được bồi thường. Điều 129 chỉ có ý nghĩa như vậy. Để thực hiện tập trung tích tụ đất đai thì hạn mức nhận chuyển quyền là hạn mức cần phải quan tâm.

Gạo Việt sẽ cạnh tranh tốt hơn

Nhà báo Phạm Huyền:Thưa Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, ông cũng đã chia sẻ rất nhiều mô hình đang diễn ra trong đời sống kinh tế nông nghiệp. 

Vậy tại sao lại có một nghịch lý là, dù nhiều doanh nghiệp đã thành công trong việc tích tụ ruộng đất, liên kết với người nông dân nhưng trên thị trường thế giới, các mặt hàng của chúng ta vẫn bị coi là cạnh tranh yếu thậm chí là không có thương hiệu, điển hình là ngành lúa gạo? Theo ông, vấn đề này có liên quan gì đến câu chuyện hạn điền hiện nay không?

Ông Lê Quốc Doanh: Như tôi đã nói, chúng ta có rất nhiều thành tựu nhưng thực sự chúng ta vẫn còn là đất nước nông nghiệp với xuất phát điểm cũng ở mức độ, còn dựa trên sản xuất hộ gia đình, quy mô còn nhỏ lẻ, manh mún.

Chúng ta cũng rất khó khăn để tạo ra chất lượng như mong muốn, chi phí sản xuất còn cao cho nên khả năng cạnh tranh nông sản là có mức độ.

Bởi vậy, chúng ta đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết, có sự dẫn dắt của doanh nghiệp, ta biết cách tổ chức lại sản xuất theo một quy trình tiên tiến hơn, cơ giới hóa đồng bộ hơn, áp dụng tiến bộ kĩ thuật đồng bộ và thực tế, đã có sản phẩm có thương hiệu, có những nông sản chúng ta bán giá cao ở thị trường khó tính.

Tôi chia sẻ thêm, hiện nay, có một vấn đề chính là đầu tư cho nông nghiệp cũng chưa phải một ngành có lợi nhuận cao và cũng nhiều rủi ro. Vì thế, hiện nay số doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp còn hạn chế và rất ít, mới khoảng 1% tổng số doanh nghiệp của cả nước.

Trong đó, một số doanh nghiệp lại có quy mô vốn rất nhỏ. Vì vậy, để giải quyết vấn đề này đồng bộ hơn, chúng tôi đang đề xuất chính sách làm sao để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ hơn cho nông nghiệp, đầu tư thực sự cho nông nghiệp và đặc biệt hướng tới một công nghệ cao, tiên tiến. Thông qua đây, năng suất chất lượng và hiệu quả sản xuất của ngành nông nghiệp sẽ tăng dần lên.

Nhà báo Phạm Huyền: Tôi muốn nói tới một ví dụ cụ thể như lúa gạo. Hiện nay, ngành gạo của Việt Nam cũng đang gặp rất nhiều khó khăn và chúng ta đang phải cạnh tranh trực tiếp với các nước trong khu vực. 

Người ta nói nhiều đến gạo Thái Lan, Campuchia hơn ta cả cả chất lượng nữa. Vậy ở đây, thể chế lúa gạo hiện nay chịu ảnh hưởng thế nào từ vấn đề hạn điền? Tới đây, khi chúng ta thực hiện tốt chủ trương mở rộng hạn điền, ông có tin là hạt gạo Việt Nam sẽ cạnh tranh tốt hơn trên thế giới không?

Ông Lê Quốc Doanh: Ở đây, nhân dịp này tôi cũng muốn nói thêm, gạo là một ngành hàng lợi thế của Việt Nam và chúng ta đã đạt được rất nhiều thành tựu về ngành hàng này. Từ một nước trước những năm 90, chúng ta phải nhập một lượng gạo rất lớn đến hàng triệu tấn/một năm, đến nay, chúng ta đã đủ giải quyết một cách bền vững an ninh lương thực cho 92 triệu dân, dành ra từ 6-8 triệu tấn để xuất khẩu.

Điểm thứ hai, chúng ta cũng phải hiểu thêm rõ hơn khi so sánh giữa gạo Việt Nam với gạo Thái Lan và Campuchia, là hai câu chuyện khác nhau. Đối với Thái Lan và Campuchia, hiện nay, họ hầu hết họ khai thác theo kiểu quảng canh. Họ trồng lúa, chỉ trồng một vụ một năm, dựa vào nước trời là chính và dùng giống địa phương. Năng suất rất thấp, khoảng 2 tấn rưỡi hoặc dưới 3 tấn bình quân. Họ sử dụng giống dài ngày cho nên chất lượng tốt hơn.

 
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh và GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT trao đổi về mở rộng hạn điền tại Góc nhìn thẳng (ảnh: Lê Anh Dũng)

Còn chúng ta, hiện nay hệ số gieo trồng ở Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt tới 2,3-2,4 lần. Tức là, mỗi diện tích đất canh tác một năm đã trồng bình quân là 2,3- 2,4 vụ. Một năm chúng ta có 3 vụ lúa là rất nhiều.

Tất nhiên, chúng ta sẽ phải tạo một dòng phân khúc sản phẩm. Đối với lúa gạo, chúng tôi đặt hàng cho nhà khoa học phải có giống thương mại là 800 USD trở lên cũng có giống 600 USD, rất rõ ràng. Đồng thời, chúng tôi cũng đang phát triển những giống bản địa của ông cha chúng ta hiện nay có năng suất rất cao và cũng đang tăng trưởng.

Với xu hướng này, trong năm vừa qua, lúa chất lượng cao, lúa thơm xuất khẩu đã tăng rất nhanh. Nếu cách đây 5-7 năm chỉ độ 5% thì giờ đã tăng từ 30-35%.

Đồng thời Thủ tướng đã phê duyệt một đề án phát triển thương hiệu lúa gạo Việt Nam. Hiện nay, chúng tôi đang cùng Bộ Khoa học và công nghệ tập trung để xây dựng.

Tuy nhiên, nói đến vấn đề hạn điền tác động gì đến lúa gạo, tôi nghĩ nói như chúng tôi vẫn nói, chúng ta có một quy mô sản xuất lớn hơn thì dứt khoát chất lượng lúa gạo sẽ cao hơn và chi phí sẽ thấp hơn.

Tôi xin ví dụ ở câu chuyện mô hình "cánh đồng lớn", nhờ đó, đã mang lại lợi nhuận cao hơn so với làm nhỏ lẻ trước đây là từ 30-50% cho lúa gạo Việt Nam.

Nông dân và doanh nghiệp: Cần đẩy mạnh mối quan hệ bền vững

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa GS Đặng Hùng Võ, có rất nhiều mô hình tốt về tích tụ đất đai, sản xuất nông sản, doanh nghiệp thành công được chia sẻ, rất nhiều cơ hội mở ra cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

Vậy, trong câu chuyện mở rộng hạn điền, tập trung tích tụ đất đai này, theo ông người nông dân Việt Nam có thể nhìn thấy cơ hội và nắm bắt được cơ hội hay không? Đặc biệt, với trình độ nhận thức và kiến thức sản xuất của người nông dân Việt Nam hiện nay?

GS Đặng Hùng Võ: Đúng là, một trong những nhược điểm của nông dân Việt Nam về tổng thể là dân trí chưa được cao nhưng trong đó, cũng có nhiều người nông dân rất thông minh.

Những mô hình mà ở đó, người nông dân tự mình tập trung đất đai bằng cách kêu gọi các hộ xung quanh cùng vào làm một trang trại hiện đại, tôi thấy xuất hiện ở khá nhiều nơi. Những người nông dân rất dũng cảm, tính đến chuyện áp dụng những loại khoa học này, khoa học kia để sản xuất, thậm chí, tự chế tác ra các máy nông nghiệp để sử dụng, tự đưa ra các mô hình về cấp nước cho trang trại của họ. Ngay cả những vùng đất mà chất lượng đất nông nghiệp không cao như Hà Tĩnh chẳng hạn, tôi đã vào đó và thấy rất nhiều mô hình hay của người nông dân.

Thế nhưng, mặc dù có rất nhiều trường hợp thể hiện tính tích cực và tính sáng tạo rất tốt, nhưng về đại thể nhìn chung, với trình độ dân trí của người nông dân hiện nay, tôi thấy vẫn chưa tạo cho người ta một sự chủ động cần có.

 

Nói cách khác, có một số lượng, tỷ lệ nhất định người nông dân đã rất sáng tạo nhưng phần đông còn lại rất là thụ động. Nhất là trải qua một thời gian rất dài trong cơ chế bao cấp thì tính bị động, tính thụ động vẫn rất lớn.

Vì vậy, những người nông dân như vậy, tôi cho rằng vẫn là những người nông dân nhỏ bé, có những người nông dân nghèo thời gian vừa rồi rất bơ vơ, đứng trên thửa đất của mình nhưng không biết làm gì cả.

Nhiều người bây giờ thậm chí bảo "thôi chờ đến khi Nhà nước thu hồi để kiếm một ít tiền cải thiện đời sống"! Đôi khi người nông dân của ta còn thụ động đến mức như vậy.

Lúc này tôi cho rằng, mô hình hợp tác với doanh nghiệp, thậm chí hợp tác với các hộ nông dân khác mà có người giỏi chèo lái chính là cách thức để cho những hộ nông dân nghèo, hộ nông dân nhỏ có cơ hội.

Đúng ra, cái gọi là tính chuyên nghiệp nói chung của cả bên kênh nông dân lẫn kênh doanh nghiệp còn đang thiếu. Thực sự, một số thương lái ngày xưa cũng đã từng đi ký hợp đồng với nông dân rồi, nhưng là hợp đồng mà một bên sẵn sàng có thể xoá bất kỳ lúc nào cũng được, nó phụ thuộc vào giá thực tế của nông sản.

Trên thực tế, giá nông sản cao, người nông dân bỏ hợp đồng đi ra chợ bán, nếu giá hạ xuống thì doanh nghiệp cũng coi như bỏ đấy mà đi chứ không quay lại với đám nông sản bị hạ giá đó. Sự thật là rất nhiều trường hợp có bội tín giữa doanh nghiệp với nông dân.

Tôi cho rằng, lúc này là lúc bên cạnh việc chúng ta mở rộng diện tích, chúng ta tập trung đất đai, tích tụ đất đai... thì mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân, là mối quan hệ sản xuất phải làm sao bền vững. 

Trong đó, doanh nghiệp phải gắn bó với cộng đồng nông dân tại đây và coi đấy là những người bạn đường của mình. Người nông dân cũng phải tin cậy doanh nghiệp và coi họ là những người sẽ mang lại lợi ích cho mình. Tôi cho rằng, tạo được mối quan hệ hợp tác bền vững giữa doanh nghiệp với nông dân là một câu chuyện có rất nhiều thách thức.

Ông Lê Quốc Doanh: Đúng là về vai trò của doanh nghiệp và nông dân, qua theo dõi, tổng kết lại, bản chất của liên kết là rất quan trọng.

Những doanh nghiệp nào mà làm ăn có căn cơ, theo một chuỗi giá trị, tức là cùng với nông dân hợp tác với nhau từ đầu vào trong sản xuất đến tiêu thụ, tìm đầu ra sản phẩm, hợp tác trong tất cả các quá trình thì thường chính bản thân doanh nghiệp đó có lợi nhuận cao và người nông dân tham gia cũng rất bền vững, cũng có lợi nhuận rất là cao.

Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp cũng gọi là liên kết cánh đồng lớn, nhưng có lẽ chỉ tập trung vào cung cấp vật tư đầu vào, còn lại khúc sau thì không đồng hành cùng nông dân cho nên các mối liên kết đó là không bền vững. Thường thường, ở những trường hợp này, vẫn xảy ra trục trặc khi giao kèo mua bán trong hợp đồng sản phẩm.

Cho nên, đồng thời về phát triển số lượng, ta phải xác định cái nội hàm là cái gì, chất lượng của liên kết của doanh nghiệp và nông dân. Gần đây, xu hướng doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp đã có tín hiệu tốt hơn. Ngay từ đầu năm đến giờ, sau khi Thủ tưởng Chính phủ về Hà Nam phát động nông nghiệp công nghệ cao thì hiện nay cũng rất nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư cho nông nghiệp, như Vingroup, TH TrueMilk… Ngoài chăn nuôi, TH TrueMilk bắt đầu về Thái Bình đầu tư, cam kết tới mấy nghìn ha để sản xuất cho nông sản sạch để xuất khẩu.

Cũng có một dạng mô hình ở ngay Hà Nội, mặc dù chưa có một khu đầu tư lớn của doanh nghiệp lớn nào nhưng lại có rất nhiều trang trại và gia trại của nông dân. Họ tự áp dụng công nghệ cao, tất nhiên không phải là cao đến mức độ rất tiên tiến, là công nghệ vừa phải và phù hợp nhưng cho hiệu quả cao.

Hà Nội là một địa phương lớn vì có cả Hà Tây trước đây, diện tích đất canh tác nông nghiệp lớn. Bình quân thu nhập đất trên đơn vị của Hà Nội hiện nay là cao nhất nước, một chín, một mười với Lâm Đồng và đa dạng hơn với các dạng mô hình như thế.

Nhà báo Phạm Huyền:Tôi xin chia sẻ thêm một câu chuyện nói về mối liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân.

Gần đây, tôi tham gia một chuyến khảo sát về thể chế lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long do Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách tổ chức (VEPR). Tại tỉnh An Giang, có những người nông dân chỉ có hơn 1 ha canh tác, họ trồng lúa Nhật theo đặt hàng của một thương lái lớn. 

Trong thời gian canh tác, đầu mối thương lái cung cấp phân bón và hướng dẫn sơ cho nông dân nhưng không giám sát chặt chẽ các vấn đề đảm bảo kỹ thuật canh tác hay chất lượng sản phẩm, như việc tuân thủ quy trình phun thuốc bảo vệ thực vật làm sao cho an toàn... Người nông dân- chủ ruộng - chỉ học miệng. Nếu có rủi ro về thiên tai, người nông dân đó chịu. Mối quan hệ hợp tác đó chỉ là giao kèo miệng. Và những hạt gạo đó khi được thu mua có đảm bảo chất lượng, được xuất khẩu hay không thì không rõ.

Với một cách thức liên kết lỏng lẻo như vậy thì tới đây chúng ta thực hiện một chủ trương lớn như thế này, liệu nó có thay đổi được cho nền sản xuất lúa gọi của Việt Nam hay không. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thông có có giải pháp gì để có thể hạn chế được cách thức sản xuất như vậy?

Ông Lê Quốc Doanh: Trong thời điểm hiện nay, cũng rất nhiều mô hình liên kết khác nhau như tôi nói chẳng hạn. Có những mô hình rất bài bản, tôi xin nhắc lại như ví dụ ở Tập đoàn Lộc Trời, họ là người phổ biến tất cả những quy trình canh tác, hướng dẫn kĩ thuật cho nông dân, họ có hệ thống nhà máy xay sát tiêu chuẩn, có một thị trường tiêu thụ. 

Mô hình đó kiểm soát được từ lúc bắt đầu gieo trồng đến chăm sóc, chế biến hạt gạo, đến xuất khẩu. Cho nên, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn rất khuyến khích những mô hình thực hiện như thế.

Gần đây, chúng tôi đang đặt hàng cho Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nghiên cứu một số chuỗi, ví dụ như chuỗi lúa gạo, chuỗi cây ăn quả là các mặt hàng đang có giá trị rất cao, rồi chuỗi thủy sản...

Các chuỗi này phải được nghiên cứu rất thực tiễn và khả thi. Từng tác nhân trong chuỗi này có vai trò thế nào, trách nhiệm đến đâu, hoạt động ra sao để cho nó nhịp nhàng được. Tức là, giữa nông dân và doanh nghiệp kể cả người tiêu dùng phải rất nhịp nhàng trong một chuỗi đó để tạo ra hiệu quả cao nhất và kiểm soát được chất lượng.

Nếu như, những doanh nghiệp làm ăn chỉ nghĩ đến lợi nhuận cho riêng mình thì tôi nghĩ nếu có mở rộng hạn điền hơn nữa, cũng không mang lại lợi nhuận về cho người dân được.

Cho nên, với vai trò của Nhà nước, của Bộ, chúng tôi đang tổng kết lại những mô hình tốt cần có, đưa ra các chính sách khuyến khích để các mô hình đó phát triển. Đồng thời, về mặt khoa học, chúng ta cũng nên tổng kết gấp rút lại, phổ biến quy trình để cho doanh nghiệp, địa phương áp dụng, từ đó hình thành một chuỗi thuận lợi nhất, bài bản căn cơ nhất.

Cần giải pháp đồng bộ từ lao động đến đất đai

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa các vị khách mời, được biết là gần đây, hai Bộ Tài nguyên và môi trường và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã bàn bạc, trao đổi về một ý tưởng thành lập ngân hàng đất đai. Không rõ, ý tưởng này hiện nay đang ở giai đoạn nào. Xin bà Vân Anh có thể chia sẻ thêm?

 

Bà Hoàng Thị Vân Anh: Thực ra, về ý tưởng thành lập ngân hàng đất đai, chúng tôi cũng đã đưa vào trong dự thảo đề án đề xuất chính sách tích tụ đất đai. Chúng tôi đã gửi các cấp, bộ, ngành liên quan, trong đó, Ngân hàng Nhà nước rất đồng tình ủng hộ.

Hiện nay chúng tôi mới bắt đầu từng bước đi để nghiên cứu, cũng sẽ xem xét các mô hình ở Nhật Bản, Hàn Quốc để xem người ta làm như thế nào.

Thực trạng hiện nay như GS Võ nói, có những người họ muốn chuyển sang phi nông nghiệp, họ cũng không muốn giữ đất, có những trường hợp đi sản xuất phi nông nghiệp nhưng họ vẫn giữ đất ở đấy... 

Chúng ta có thể huy động những mảnh đất nhàn rỗi đó để đưa vào ngân hàng và trả lãi suất, sau đó, giao đất đó cho những người có năng lực để tổ chức sản xuất mang lại hiệu quả. Đấy là những ý tưởng mà Bộ chúng tôi phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan đang tiếp tục nghiên cứu để có báo cáo đề xuất với Chính phủ.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa các vị khách mời, xin khép lại bàn tròn bằng câu hỏi cuối. Trong quá khứ, chúng ta đã từng thực hiện ít nhất, tạm gọi là 2 cuộc cải cách ruộng đất. Bên cạnh những tác động tích cực thì các chính sách đất đai trước đây cũng phát sinh mặt trái. Vậy theo các ông, chúng ta cần phải rút ra bài học gì từ những kinh nghiệm trong quá khứ cho câu chuyện mở rộng hạn điền ngày hôm nay?

Thưa GS Đặng Hùng Võ, xin ông chia sẻ về vấn đề này?

GS Đặng Hùng Võ: Về giai đoạn trước đây, tôi cho rằng chúng ta đã thực hiện 3 cuộc cải cách ruộng đất chứ không phải 2.

Lần đầu tiên, chúng ta tịch thu đất của địa chủ, phú nông chia cho nông dân giai đoạn 1953-1956.

Sau đó, đến cuộc hợp tác hóa nông nghiệp giai đoạn 1959- 1960, lúc đấy, ta thu lại để có sự hợp tác hóa nông nghiệp giống như ý tưởng chúng ta đang tư duy bây giờ, là tích tụ đất đai. Bởi vì, đất đai đang manh mún từng hộ thì vào hợp tác hóa lúc đấy là chúng ta sẽ có cánh đồng lớn. Giai đoạn 1959-1960, chúng ta làm cuộc cải cách ruộng đất coi như cuộc cách mạng ruộng đất lần thứ 2. Và khi đó, năm 1961, kinh tế Việt Nam vượt xa tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á, vượt lên rất cao.

Cuộc thứ 3, chúng ta lấy đất của hợp tác xã chia cho hộ gia đình, cá nhân ổn định lâu dài. Điều đó được thể chế hóa tại Nghị định 64 của Chính phủ (ban hành năm 1993- PV).

Đến hiện nay, chúng đang chờ đợi rằng liệu chúng ta có thể đưa ra những cái giống như một cuộc cải cách ruộng đất nữa trên nguyên tắc là chúng ta cởi bỏ hạn điền?

Thậm chí, nhiều người đề nghị là cởi bỏ cả thời hạn sử dụng đất để tạo ra cái mà tôi vẫn cho rằng, đó là cách thức mà chúng ta giải phóng tư liệu sản xuất, đưa tư liệu sản xuất lên một mặt bằng rộng hơn, lớn hơn.

Từ đấy, chúng ta mới có cơ hội để tạo thành một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên phạm vi lớn, quy mô lớn. Chúng ta có thể làm được nhiều việc lớn hơn nữa, tôi cho rằng đây là một cơ hội lớn.

Chỉ có một điều, chúng ta phải tính toán cẩn thận từng bước đi và rất cần một chính sách đồng bộ, đừng thiếu mặt nào cả. Kể cả, những chính sách về lao động chứ không phải chỉ là đối với đất nông nghiệp.

Tôi cho rằng, đây là một sự khởi động của một cuộc cải cách ruộng đất mới. Chúng ta làm thay đổi việc sử dụng đất, quy trình sử dụng đất, hiệu quả sử dụng đất. Có thể dùng từ "đổi mới", một lần nữa đổi mới về đất đai nông nghiệp để chúng ta đạt được mục tiêu cao hơn.

Ông Lê Quốc Doanh: Tôi thấy, đây cũng là một quy luật. Bởi vì, mỗi giai đoạn phát triển có một chính sách tương ứng phù hợp.

Thời điểm hiện nay là một nền nông nghiệp hàng hóa. Năm ngoái, chúng ta đã xuất khẩu được 32,1 tỷ USD, thặng dư nông nghiệp mang lại là 7,5 tỷ USD và chúng ta đang trong quá trình hội nhập sâu rộng. Vì vậy, chúng tôi nghĩ đây là cũng là một yêu cầu khách quan.

Cho nên, vấn đề như GS Võ nói, tất nhiên chúng ta cũng phải có một nghiên cứu, tính toán, đưa ra các giải pháp cho chính sách phù hợp, đảm bảo thúc đẩy sản xuất nâng cao được năng suất lao động nhưng vẫn đảm bảo được phát triển bền vững. Đặc biệt, vấn đề đời sống bền vững xã hội cho người nông dân.

Nhà báo Phạm Huyền: Có thể thấy, ngay sau khi Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu chủ trương mở rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất tại phiên họp thường kỳ tháng 2 của Chính phủ, vấn đề này đang được các Bộ vào cuộc một cách tích cực.

Như GS Đặng Hùng Võ đã chia sẻ, chúng ta có thể nhìn thấy ở đây rõ ràng là một cơ hội, một cơ hội rất lớn chưa từng thấy trong lịch sử để thực hiện một cuộc đổi mới về đất đai lần thứ 4.

Chúng ta, cùng kì vọng với cuộc đổi mới này, ngành nông nghiệp Việt Nam, một ngành đóng góp tới khoảng 20% GDP quốc gia sẽ càng ngày càng phát triển hơn nữa. Trong đó, hình ảnh người nông dân Việt Nam sẽ là những người nông dân hiện đại, văn minh và có thể trở nên giàu có, không còn là hình ảnh người nông dân nghèo.

Xin cảm ơn quý vị khách mời và bạn đọc. Xin hẹn gặp lại ở chương trình lần sau!

VietNamNet

Thực hiện: Phạm Huyền

Video: Huy Phúc, Xuân Quý, Đức Yên, Bạt Tuấn, Thuý Hồng

Ảnh: Lê Anh Dũng

email: gocnhinthang@vietnamnet.vn
http://vietnamnet.vn/vn/goc-nhin-thang/mo-rong-han-dien-cai-cach-dat-dai-lan-thu-tu-tu-goc-nhin-thang-363634.html

Bài viết khác