Mở rộng hạn điền: Hãy bước qua ám ảnh quá khứ


Cuộc cách mạng mới của nông nghiệp Việt Nam (P1)

Mở rộng hạn điền: Hãy bước qua ám ảnh quá khứ

- Nhiều mô hình tích tụ đất đai đã thành công, doanh nghiệp có lợi nhuận cao, nông dân phấn khởi. Sự năng động đó đã gia tăng niềm tin vào chủ trương mở rộng hạn điền, đẩy lùi nỗi ám ảnh quá khứ về bần cùng hoá nông dân, hình thành địa chủ mới. Các diễn giả chia sẻ tại Góc nhìn thẳng.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 2 của Chính phủ, Thủ tướng đã nêu rõ chủ trương phải tạo thuận lợi cho tích tụ ruộng đất, mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Ba Bộ gồm Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp phải nghiên cứu chính sách, hoàn thành ngay trong quý III tới.

Thông điệp này đã một lần nữa được Thủ tướng nhấn mạnh tại Hội nghị về lúa gạo (tỉnh An Giang) mới đây như một giải pháp đột phá về thể chế để tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam hiệu quả hơn.

Vậy, mở rộng hạn điện cần phải hiểu như thế nào cho đúng? Làm sao để vượt qua nỗi lo cố hữu- rào cản trong tư duy- về việc hình thành "địa chủ mới"? Làm sao để tích tụ ruộng đất thực sự mang lại hiệu quả cao nhất, hình thành một nền nông nghiệp hiện đại, có sức cạnh tranh với thế giới? Làm để người nông dân được lợi và thoát nghèo...?

Xoay quanh những câu hỏi nóng này, chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo VietNamNet đã tổ chức một bàn tròn: "Mở rộng hạn điền: Cuộc cách mạng mới của nông nghiệp Việt Nam" với sự tham gia của 3 diễn giả đại diện cho các cơ quan quản lý và chuyên gia nghiên cứu:

- Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng- Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn

- Bà Hoàng Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách và pháp chế, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên- Môi trường

- GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường

Mời bạn đọc theo dõi chi tiết phần I:

 

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa quý vị khách mời, thông điệp của Thủ tướng gần đây về chủ trương mở rộng hạn điền đang thực sự thổi một luồng gió mới cho nông nghiệp Việt Nam và hẳn đang có nhiều mối quan tâm về việc chủ trương này sẽ được thực hiện ra sao?

Vậy, trước tiên, chúng ta phải hiểu như thế nào cho đúng về vấn đề mở rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất trong bối cảnh hiện nay? Ý nghĩa vấn đề này ra sao?

Thưa GS Đặng Hùng Võ, xin ông chia sẻ ý kiến của mình đầu tiên?

GS Đặng Hùng Võ: Chúng ta đều biết rằng, nông nghiệp Việt Nam chính là một điểm đầu tiên để quyết định Đổi mới. Bởi ở giai đoạn đó, nguồn lương thực, thực phẩm cung cấp cho đời sống không đủ, chúng ra đã rơi vào tình trạng thiếu ăn (giai đoạn 1982-1988- PV).

Tôi cho rằng, thời điểm đó, chúng ta đã quyết định một chính sách mà đến bây giờ nhìn lại, đó là một quyết định hoàn toàn chính xác. Đó là việc giao đất của Hợp tác xã cho hộ gia đình, cá nhân để sử dụng ổn định lâu dài (Luật Đất đai 1993 và Nghị định 64 của Chính phủ ngày 27/9/1993). Bản chất của chính sách này chính là việc chúng ta đã giải phóng lực lượng sản xuất.

Đến bây giờ, chắc chắn cách thức này (giải phóng lực lượng sản xuất bằng việc thể chế hoá giao đất của HTX cho hộ dân - PV) hết động lực rồi, không còn động lực để chúng ta phát triển tiếp.

Vậy, lúc này, chúng ta phải nghĩ đến chuyện tiếp tục giải phóng tư liệu sản xuất. Tư liệu sản xuất ở đây chính là đất đai. Một trong những bước cản lại đất đai là hạn điền, tức là làm cho mỗi người chỉ được một diện tích đất nhất định, nhận chuyển nhượng cũng được một diện tích đất nhất định.

Tuy nhiên theo tôi, sự thật là chúng ta cũng đã cơi nới hạn điền rồi chứ không phải là đến nay hạn điền vẫn như cũ. Chỉ có điều, so với thực tế hiện nay, các mức hạn điền như gấp 10 lần hạn mức đất nông nghiệp, vẫn là không đủ (Luật Đất đai 2013 cho phép các hộ gia đình được tích tụ đất đai không quá 10 lần hạn mức đất nông nghiệp (3ha)- PV).

Trên thực tế, chúng ta cũng đã biết một ví dụ rất điển hình là trường hợp ông Năm Chuối ở Long An. Ông ấy đã sử dụng tới 1.000 ha. Nhưng theo quy định, hộ dân chỉ được tích tụ đất đai gấp 10 lần hạn mức 3ha đất nông nghiệp cho trồng cây hàng năm tại Đồng bằng sông Cửu Long, nghĩa là, cũng chỉ được 30 ha thôi. So với 1.000ha kia thì thực tế, hạn điền đã vượt quá rất nhiều.

Chính vì vậy, tôi cho rằng chúng ta dùng từ “mở rộng nữa hạn điền” cũng được. Hoặc cao hơn nữa chúng ta nên xem xét có nên bỏ hạn điền đó hay không?

Bởi vì, hạn điền là gì? Hạn điền thứ nhất là cách thức để chúng ta quản lý đảm bảo công bằng giữa mọi nông dân với nhau, thứ hai là để không được hình thành "địa chủ mới", tức những người nhiều ruộng đất chỉ thực hiện việc phát canh thu tô, không trực tiếp lao động mà chỉ dùng đất để thu lợi.

Trước đây, chúng ta ngăn hiện tượng này bằng hạn điền. Nhưng nếu giờ, chúng ta nới rộng nữa hoặc bỏ hạn điền thì chúng ta cần phải thay bằng một chính sách khác.

Trên thực tế, hiện nay chúng ta có quản lý được hạn điền đâu! Bởi vì khi phân cấp quản lý, mỗi một tỉnh là riêng nhau. Thế thì, có lúc nào chúng ta khớp cộng lại rằng, ông Nguyễn Văn A ở tỉnh này có bao nhiêu đất, ở tỉnh kia có bao nhiêu đất đâu?

Chúng ta không thể làm được việc đó. Thành ra việc quản lý đất đai làm sao không cho hình thành "địa chủ mới" và tạo sự công bằng giữa các hộ gia đình với nhau thì phải thay bằng một chính sách khác. Thắt chặt sự quản lý, thay chính sách hạn điền bằng chính sách khác, tôi cho đó là điều quan trọng nhất lúc này.

Nhà báo Phạm Huyền: Đối với ngành nông nghiệp, vấn đề mở rộng hạn điền có ý nghĩa quan trọng như thế nào thưa Thứ trưởng Lê Quốc Doanh?

Ông Lê Quốc Doanh: Tôi cũng rất tán thành ý kiến của GS Đặng Hùng Võ. Cũng như GS Võ đã nói, chuyện khoán hộ cho hộ nông dân được quyền sử dụng đất đã tạo động lực, tạo ra thành tựu rất lớn trong ngành nông nghiệp trong 30 năm vừa qua.

Tuy nhiên, với một bước phát triển mới hiện nay, chính sách này cũng bộc lộ những hạn chế.

Đó là một quy mô sản xuất dựa vào nông hộ nhỏ lẻ và manh mún, dẫn đến rất khó đưa những tiến bộ kỹ thuật đồng bộ hay vấn đề cơ giới hóa…vv, rồi dẫn đến vấn đề năng suất, sản lượng cũng như chất lượng của nông nghiệp bị hạn chế, không thể nâng cao được. Sức cạnh tranh của nông sản cũng bị hạn chế theo.

Chính vì thế, từ bất cập đó, chủ trương mở rộng hay mở rộng hơn nữa hạn điền như Giáo sư nói, tôi cho rằng đây là một hướng rất đúng để phù hợp với xu thế phát triển của nông nghiệp bây giờ.

Mở rộng hạn điền hay tích tụ ruộng đất là chúng ta tạo ra một quy mô sản xuất lớn hơn, sẽ giúp chúng ta đổi mới lại tổ chức sản xuất, hình thành nên các hình thức đa dạng như các nông trại, gia trại, liên kết sản xuất hay là hợp tác xã, tổ nông dân hợp sức với nhau để cùng sản xuất trên một quy mô lớn.

Từ đó, chúng ta có thể sản xuất chuyên canh với một sản lượng lớn có sức cạnh tranh cao hơn. Thêm nữa, khi quy mô diện tích đất lớn hơn thì chúng ta dễ dàng để đưa tiến bộ kĩ thuật, đưa công nghệ mới vào trong sản xuất, cơ giới hóa dễ hơn thì giá thành giảm đi, sức cạnh tranh cao hơn.

Có lẽ, mục tiêu cuối cùng, mục tiêu cao nhất của mở rộng hạn điền là phải làm sao nâng cao đời sống của nông dân và phát triển bền vững cả về kinh tế, cả về môi trường và xã hội.

Nhà báo Phạm Huyền: Từ phía cơ quan quản lý đất đai, thưa bà Hoàng Thị Vân Anh, xin bà cho biết thực tế hạn điền theo các quy định của phát luật hiện nay đang diễn biến và tồn tại như thế nào?

Bà Hoàng Thị Vân Anh: Quay lại một chút về vấn đề tư duy, thực ra trong định hướng đổi mới pháp luật đất đai ở Hội nghị lần thứ 6 của Ban chấp hành Trung ương khóa 11 đã khẳng định xu thế tập trung tích tụ đất đai để sản xuất theo quy mô lớn. Đó là xu thế, nhưng bằng cách thức nào?

Mục tiêu là có đất để sản xuất lớn nhưng phải hài hòa giữa các vấn đề chính trị xã hội, đặc biệt là vấn đề xã hội, cụ thể là là vấn đề mất đất.

Thể chế của Luật Đất đai năm 2013 trên tinh thần Nghị quyết Trung ương là chỉ hạn chế vấn đề nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất chứ không hạn chế vấn đề thuê quyền sử dụng đất và không hạn chế việc nhận góp vốn từ các hộ nông dân khá.

Do vậy, trên thực tế hiện nay, đúng là có rất nhiều hộ dân hay những đối tượng cá nhân cần quy mô đất đai lớn hơn. Theo tôi, phải xem xét nhu cầu này!

Nhưng, cách thức nào? Cho họ nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì nó có những ảnh hưởng về mặt xã hội, ví dụ như dẫn đến tình trạng người dân mất đất. Tâm lý người dân hiện nay cũng có xu thế là muốn giữ đất.

Vậy thì, mình nên khuyến khích người có nhu cầu sản xuất lớn làm theo phương thức nào?

Thực tế hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp đã triển khai theo phương thức thuê đất của hộ gia đình, cá nhân. Trước mắt, tôi cho rằng phương thức ấy là phương thức ít tác động xã hội nhất .

Về lâu dài chắc là phải xem xét, như GS Võ nói là phải dùng biện pháp khác, tôi cho một biện pháp mà có lẽ, các nước trên thế giới làm rất nhiều, đó là chính sách thuế sử dụng đất.

Nhà báo Phạm Huyền:Tuy nhiên, trong quá khứ, việc sửa Luật Đất đai liên quan đến hạn điền cũng có rất nhiều tranh cãi. Có những lúc, chúng ta nghĩ sẽ nới ra nhưng sau đó lại rút lại. Theo bà, tại sao trong rất nhiều lần sửa luật như vậy, câu chuyện mở rộng hạn điền theo tư duy mới hiện nay vẫn chưa được chốt. Bà lý giải vấn đề này ra sao?

Bà Hoàng Thị Vân Anh: Thực ra, ở vấn đề làm luật, cũng không hẳn chúng ta có tư duy hạn chế tích tụ đất đai. Tôi cho là như vậy. Ở đây, như tôi vừa trao đổi, đó là vấn đề cách thức nào?

Luật Đất đai cũng cho phép người đân có các quyền để anh có được mảnh đất lớn hơn đáp ứng nhu cầu, nhưng có thể bằng nhiều phương thức khác nhau.

Tại Nghị quyết hội nghị Trung ương, vì sao vẫn giữ hạn mức? Tôi cũng muốn chia sẻ rằng, quá trình thảo luận để đưa ra định hướng, cũng có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau về vấn đề này. Có luồng ý kiến đề nghị bỏ hạn mức, có luồng ý kiến lại đề nghị vẫn giữ hạn mức. Cuối cùng, Trung ương quyết định là khuyến khích tập trung tích tụ đất đai nhưng vẫn giữ hạn mức.

Ở đây, quý vị lưu ý là, chỉ là giữ hạn mức nhận chuyển nhượng, tức là chuyển hẳn quyền sử dụng đất từ người này sang người kia nhưng không hạn chế vấn đề tích tụ đất thông qua phương thức khác.

Một điểm nữa là, có rất nhiều nhà nghiên cứu đã nghiên cứu với một mô hình sản xuất ở hộ gia đình thì quy mô tích tụ đất đai đến mức độ nào là hiệu quả nhất? Thực ra, ở thời điểm đấy, các báo cáo kinh nghiệm quốc tế đều cho rằng với sản xuất ở quy mô hình hộ gia đình, việc tích tụ sử dụng ở mức độ diện tích nào đó là hiệu quả, không phải cứ diện tích thật lớn là có hiệu quả.

Nhà báo Phạm Huyền:Gần đây, khi chủ trương mở rộng hạn điền được nói tới nhiều thì cũng có những ý kiến bày tỏ sự lo ngại, một lo ngại đã kéo dài hàng chục năm nay là việc hình thành "địa chủ mới", lo các doanh nghiệp lớn cướp đất, nông dân mất đất, bần cùng hóa nông dân…

Thưa Giáo sư Đặng Hùng Võ, ông bình luận ra sao về lo ngại này? Theo ông, hình ảnh "địa chủ mới" hay "người cày có ruộng", nông dân phải có đất để sản xuất trong bối cảnh ngày nay cần nhìn nhận như thế nào?

GS Đặng Hùng Võ: Tất nhiên, chúng ta thấy đây là vấn đề lớn bởi vì có liên quan đến một số lượng lao động lớn, như hiện nay, ít nhất cũng 50% lực lượng lao động cả nước còn đang ở khu vực nông nghiệp.

Ở đây, tôi cho rằng, chúng ta đòi hỏi một sự đồng bộ về chính sách. Tôi rất nhất trí với ý kiến của bà Vân Anh vừa nói, ta chỉ hạn chế hạn là hạn chế phần nhận chuyển quyền sử dụng đất mà thôi.

Cái mà chúng ta gọi là tích tụ, là tập trung đất đai khi quyền sử dụng đất không bị thay đổi.

Ví dụ, một doanh nghiệp có thể hợp tác sản xuất với nông dân như mô hình như ở Lâm Đồng chẳng hạn. Doanh nghiệp ở đây đưa ra tập trung đất đai bằng việc hợp tác với hộ nông dân, hộ nào cũng vẫn giữ nguyên quyền sử dụng đất của mình, chỉ có điều là họ sản xuất trên đất theo quy trình của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cung cấp cây con giống, thuốc bảo vệ thực vật, quy trình sản xuất, hạ tầng tưới nước… cho nông dân, tất cả mọi việc còn lại, đất của ai thì vẫn cứ canh tác nguyên như vậy. Không hề có chuyện chuyển quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp. Có những doanh nghiệp đã rất thành công và người nông dân rất phấn khởi, vì làm theo cách của doanh nghiệp, năng suất lên cao.

Vậy thì, chúng ta vẫn thấy rằng hiện nay hướng chung là ta vẫn có diện tích đất lớn để canh tác và mô hình tốt nhất là mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân.

Mô hình thứ hai là mô hình thuê đất, mô hình thứ ba là góp vốn và mô hình thứ tư, như tôi là mô hình nhận chuyển quyền.

Ở đây, mô hình nhận chuyển quyền sử dụng đất rất dễ dẫn tới vấn đề người nông dân bị bần cùng hóa. Ví dụ, doanh nghiệp đến chỉ cần thả lỏng lãi suất, điều kiện, cho nông dân vay rồi một thời gian sau chất chồng lên nhau, cuối cùng nông dân không trả được nợ thì buộc phải bán đất.

Ngày xưa, địa chủ đã làm điều này rất nhiều rồi. Vì vậy, tôi cho rằng, chúng ta phải nghiên cứu rất kỹ và nhu cầu cần có diện tích lớn để sản xuất đặt ra là đúng. Phải có diện tích đất lớn nhưng bằng cách nào?

Tôi cho rằng, trong các mô hình như vừa liệt kê, mô hình mở rộng hạn điền bằng cách cởi mở chuyển quyền sử dụng đất thì cũng chỉ nên đến mức độ nhất định, chứ chưa phải nới chuyển quyền nhiều là cái tốt.

Theo tôi, phải khuyến khích doanh nghiệp đến hợp tác với nông dân, thuê đất của nông dân. Tất nhiên, cũng sẽ có rất nhiều nông dân, thậm chí con em nông dân hiện nay đang đi học thì cũng sẽ muốn thoát khỏi khu vực nông nghiệp, chính xác là họ muốn hướng tới khu vực phi nông nghiệp, muốn thoát lao động nông nghiệp, tôi cho rằng đó là quy luật bình thường.

Vậy thì, chúng ta phải thiết lập một thị trường lao động chính thức cho những người nông dân dời bỏ khu vực nông nghiệp sang khu vực phi nông nghiệp. Tôi cho rằng, một hệ thống chính sách phải đồng bộ kể cả về lao động, về chuyển quyền, kể cả theo dõi quá trình chuyển quyền xem là có chuyện người nông dân bị ép buộc hay không. Một hệ thống chính sách đồng bộ như vậy thì chúng ta mới giải quyết được vấn đề.

Nhà báo Phạm Huyền:Thưa Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, ông nghĩ thế nào về những ý kiến của GS Đặng Hùng Võ? Theo ông, khi chúng ta mở nút thắt về hạn điền như vậy thì ông có niềm tin gì về sự các tác động tích cực đến ngành nông nghiệp, như việc tạo ra một sự đột phá phát triển?

Ông Lê Quốc Doanh: Tôi cũng rất nhất trí với ý kiến của GS Đặng Hùng Võ. Thực sự tích tụ ruộng đất hiện nay vẫn đang diễn ra rồi và cũng muôn hình muôn vẻ.

Rất nhiều mô hình rất hay, đó là liên kết sản xuất, như mấy năm nay, chúng ta nói đến chuyện "cánh đồng lớn", doanh nghiệp đứng ra tổ chức sản xuất nhưng vẫn là đất của nông dân. Họ liên kết với nhau để doanh nghiệp làm nhạc trưởng đầu tư vào, cùng một giống, một quy trình canh tác, cùng một sản phẩm.. như thế giảm được chi phí, chất lượng đầu ra cao hơn.

Tôi ví dụ như mô hình Công ty bảo vệ thực vật An Giang bây giờ là tập đoàn Lộc Trời đã phát triển rất bền vững, hiện nay đã làm cho cả phía Bắc này.

Chúng tôi đã tính toán rất nhiều và như những mô hình này đã cho lợi nhuận cao hơn khoảng 5% so với làm riêng lẻ. Ngoài ở Lâm Đồng, ngay ngoài Bắc, chúng ta có Công ty Đồng Giao (Ninh Bình) do ông Đinh Cao Khuê làm Tổng giám đốc với mô hình này, mỗi năm xuất khẩu trên 1.000 tỷ các nông sản, đặc biệt chủ yếu là hoa quả và các sản phẩm chế biến từ hoa quả. Vùng nguyên liệu của công ty là liên kết với các nông dân của Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa… Đất vẫn là của người dân, ông ấy tổ chức sản xuất thu mua, nông dân có lợi nhuận hơn, doanh nghiệp lại có vùng nguyên liệu.

Hay là, một mô hình nữa là của Tập đoàn doanh nghiệp cao su Việt Nam. Khi họ phát triển các khu vực Tây Bắc, nông dân bấy giờ gần góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào cho doanh nghiệp, họ lại là công nhân cho doanh nghiệp đó. Họ định ra giá trị của hecta đó là bao nhiêu và góp vốn vào cho doanh nghiệp.

Hay mô hình tự các nhóm nông dân góp đất với nhau cùng làm ra một sản phẩm đã có rất nhiều.

Theo tôi nghĩ, chúng ta cũng cần có một cuộc rà soát đánh giá lại, xem hiệu quả của các mô hình đó, mô hình nào thực sự ưu việt tốt thì trước mắt chúng ta nên có những chính sách khuyến khích.

Như GS Đặng Hùng Võ đã nói, điều quan trọng nhất bây giờ là để cho một doanh nghiệp, sản xuất quy mô lớn hơn và đỡ cạnh tranh về mặt diện tích canh tác thì chúng ta phải rút bớt lao động trong nông nghiệp ra. Bởi vì, nông nghiệp hiện nay vẫn còn khoảng độ 44- 45% lao động và người dân sống ở nông thôn gần 70% còn lớn quá.

Ở đây, ta cần giải pháp đồng bộ. Bản thân ngành nông nghiệp không thể tạo ra việc có thể rút ra được lao động nông nghiệp mà phải có một chính sách đồng bộ, bài bản từng bước một, có lộ trình. Khi mà chúng ta rút bớt được lao động ra khỏi nông nghiệp thì tự nhiên, sản xuất nông nghiệp sẽ có quy mô lớn hơn. Lúc bấy giờ sẽ hình thành một sự liên kết, dẫn dắt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư tập trung vào con đường phát triển tốt hơn.

Nhà báo Phạm Huyền:Nói như vậy, các mối lo ngại người nông dân sẽ bị bần cùng hóa hay sự cần thiết phải bảo hộ cho người nông dân giờ ở mức độ đã giảm nhẹ hơn so với giai đoạn trước? Xin Thứ trưởng Doanh có thể chia sẻ thêm?

Ông Lê Quốc Doanh: Hiện nay, chúng có mấy chỉ tiêu đánh giá đời sống nhân dân.

Thứ nhất là ta thấy thu nhập của các hộ là càng ngày càng tăng lên, thu nhập bình quân trên diện tích đất canh tác là tăng lên. Rất nhiều mô hình hiện nay đã áp dụng công nghệ mới hơn, công nghệ cao. Một ha đã ra hàng tỷ, vài tỷ đồng, kể cả Lâm Đồng có mô hình sản xuất các giống hoa để bán thì đã có thể đạt 5-7 tỷ/ha. Trong đó, một phần nông dân vẫn tham gia vào quá trình sản xuất này.

Cho nên, chúng ta nhìn nhận chung nền nông nghiệp càng ngày càng phát triển. Hiện nay, ngành nông nghiệp chúng tôi đang thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giải quyết những bất cập lâu nay khi tập trung quá nhiều về lượng.

Chúng tôi, hướng tới nâng cao giá trị gia tăng và phát triển về vững. Trụ cột mà chúng tôi xác định là một là công nghệ, hai là sản xuất. Tổ chức rất nhiều kiểu mô hình khác nhau chúng tôi vừa chia sẻ. Khi khoa học công nghệ vào thì chắc chắn, nâng cao được chất lượng và giảm giá thành, lợi nhuận nông nghiệp sẽ tốt hơn.

(còn tiếp phần 2: Mở rộng hạn điền: Khởi động cuộc đổi mới đất đai lần thứ tư)

VietNamNet

Thực hiện: Phạm Huyền

Video: Huy Phúc, Xuân Quý, Đức Yên, Bạt Tuấn, Thuý Hồng

Email: gocnhinthang@vietnamnet.vn
http://vietnamnet.vn/vn/goc-nhin-thang/mo-rong-han-dien-tai-co-cau-nong-nghiep-tu-goc-nhin-thang-363453.html

Bài viết khác