Khổ vì thủ tục rườm rà, thái độ cửa quyền


Khổ vì thủ tục rườm rà, thái độ cửa quyền

06:16 AM - 05/12/2017 Thanh Niên
 
Ngày 4.12, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (PSDC) tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệp để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
 
Còn tình trạng “trên thông nhưng dưới chưa thoáng”

Báo cáo kết quả khảo sát các doanh nghiệp (DN) ở nhiều lĩnh vực trước thềm hội nghị, ông Trương Gia Bình, Trưởng ban PSDC, cho biết có 3 rào cản nổi bật được các DN đưa ra đang gây khó khăn trong hoạt động. Có đến 73% DN phản ánh quá nhiều thủ tục giấy tờ rườm rà, gây mất thời gian. Một số khâu trong các thủ tục hành chính chưa thật sự mở. Ví dụ có DN phản ánh phải xin giấy phép đủ điều kiện nhập khẩu, phải ký quỹ, kiểm định 100% đối với giấy thu gom nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất nhưng thủ tục quá lằng nhằng. Hay có DN cho biết đã tiến hành khảo sát, đo đạc xong và làm thủ tục hành chính với Sở Tài nguyên - Môi trường, tuy nhiên đến giai đoạn cuối chính quyền địa phương lại thông báo không phù hợp với chủ trương nên không giao đất cho DN.

Rào cản lớn thứ hai được 64% DN nêu là thái độ ứng xử cửa quyền của nhân viên cơ quan quản lý nhà nước. Nhiều cán bộ có cách làm việc quan liêu, còn có biểu hiện gây khó dễ xuất phát từ lợi ích vật chất, cục bộ.

“Dù có đánh giá cao nhiều thay đổi từ phía chỉ đạo của Chính phủ nhưng các DN cũng cho biết việc thực hiện ở địa phương chưa được tích cực và thậm chí không triển khai được. Chẳng hạn Nghị định 210 về việc hỗ trợ DN sản xuất nông nghiệp nhưng để triển khai tại địa phương lại gặp quá nhiều rào cản, nhiều DN và các hợp tác xã đều không thể tiếp cận được”, ông Trương Gia Bình chia sẻ thêm.

Ông Đỗ Văn Huệ, Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao, nhận xét các chính sách khuyến khích đầu tư vào ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp chưa hiệu quả, thiếu thiết thực, độ an toàn bền vững không cao nhưng quy trình thủ tục phức tạp, mất quá nhiều thời gian. Bản thân các DN gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận cơ chế ưu đãi. Chẳng hạn thủ tục thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cực kỳ phức tạp, phải qua nhiều bộ ngành; tiêu chí chứng nhận DN ứng dụng công nghệ cao chưa rõ ràng, không cụ thể nên các địa phương áp dụng khác nhau khiến DN phải xin xác nhận ở nhiều đầu mối cơ quan mà không được tự chứng minh bằng các ứng dụng đã có.

16 bước, 40 thủ tục cho một dự án
 
Chia sẻ với các ý kiến của DN, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, cũng thừa nhận các chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp đặt ra nhưng chưa đi vào thực tế cuộc sống. Riêng nguồn vốn hỗ trợ cho ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao từ trung ương còn hạn chế. Trong 3 năm vừa qua chỉ có 280 tỉ đồng giải ngân cho khoảng 64 dự án. “Các thủ tục về nguồn vốn ưu đãi còn rất nhiêu khê. Tôi biết một dự án muốn được hỗ trợ phải mất 16 bước, 40 thủ tục. Điều này mang nặng cơ chế xin cho. Hiện Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đang trình Chính phủ để sửa một số quy định với tinh thần phân cấp mạnh, toàn bộ dự án do các sở nông nghiệp - phát triển nông thôn thẩm định và trình ủy ban nhân dân các tỉnh phê duyệt”, ông Hà Công Tuấn chia sẻ thêm.
 
 
Khổ vì thủ tục rườm rà, thái độ cửa quyền - ảnh 1
Đề nghị các địa phương cũng cần tích cực tháo gỡ vướng mắc cho DN. Nếu một số chỗ nào đó cán bộ công chức còn nhũng nhiễu DN thì phải xử lý, loại bỏ ngay
Khổ vì thủ tục rườm rà, thái độ cửa quyền - ảnh 2
 
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng
 
Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, thừa nhận: Thời gian qua dù các bộ ngành đã cắt giảm nhiều nhưng các quy định vẫn rườm rà, phức tạp. Bên cạnh đó, quá trình chia sẻ thông tin, thực thi chính sách còn nhiều méo mó... vẫn còn là rào cản khiến DN rất khó khăn. Những điều đó khiến cho DN mất nhiều phi phí, ví dụ mỗi năm tốn thêm 15.000 tỉ đồng cho chi phí kiểm tra chuyên ngành. Ban tổ chức hội nghị sẽ có báo cáo tổng hợp và đề xuất với Thủ tướng, trước hết là hoàn thiện và sửa đổi các thể chế liên quan để tạo cho DN và người dân thúc đẩy phát triển kinh doanh trên tinh thần phân cấp rất mạnh cho các địa phương và gắn liền với trách nhiệm của người đứng đầu. “Một số đề xuất có thể được đưa ra ngay như liên quan đến nông nghiệp công nghệ cao gồm thủ tục xây dựng, tích tụ ruộng đất, thủ tục công nhận DN ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao... theo hướng tạo thuận lợi nhất để DN yên tâm đầu tư. Đề nghị các địa phương cũng cần tích cực tháo gỡ vướng mắc cho DN. Nếu một số chỗ nào đó cán bộ công chức còn nhũng nhiễu DN thì phải xử lý, loại bỏ ngay”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng kết luận.

https://thanhnien.vn/kinh-doanh/kho-vi-thu-tuc-ruom-ra-thai-do-cua-quyen-906536.html

Bài viết khác