Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI (2011) đã khẳng định “khuyến khích tập trung ruộng đất, phát triển trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp phù hợp về quy mô và điều kiện của từng vùng”. Chủ trương này tiếp tục được khẳng định trong văn kiện Đại hội XII của Đảng (2016).
Ứng dụng công nghệ cao trong thu hoạch cỏ tươi tại nông trường của Tập đoàn TH
Chính sách bị chệch hướng
Mục tiêu của chủ trương khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất là nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thông qua mở rộng quy mô sản xuất phù hợp, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và hình thành khu vực chuyên canh theo hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại, chuyên môn hóa gắn với thị trường. Bởi vì, chắc chắn không cách nào nông nghiệp phát triển được nếu không đẩy mạnh tích tụ ruộng đất. Nếu không tích tụ đất thì giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn rất thấp, với mô hình sản xuất cá thể.
Thực tế tại các địa phương, các hình thức tích tụ và tập trung ruộng đất cũng khá đa dạng, từ hình thức đơn giản nhất là tập trung ruộng đất thông qua dồn điền, đổi thửa cho liền vùng liền thửa, cho tới tích tụ thông qua hình thức thuê đất hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên lại có một thực tế, hiện đang có sự bất hợp lý ở lĩnh vực nông nghiệp, nếu có ưu đãi thì lại tập trung ưu đãi cho hộ nông dân đang làm ruộng nhiều hơn là cho doanh nghiệp muốn dấn thân vào. Như vậy, sau nhiều năm chính sách vẫn bị chệch hướng khỏi nông nghiệp khiến cho doanh nghiệp lảng tránh khỏi lĩnh vực này, không coi nó là trọng tâm. Dần dà hình thành một nghịch lý, đất nước làm nông nhưng không có nhiều những doanh nghiệp lớn làm nông một cách chuyên nghiệp như các nước Israel. Còn người nông dân không dễ dàng bỏ ruộng của mình được, mặc dù biết nếu cứ giữ mãi như lâu nay thì họ sẽ không thể thoát nghèo.
Gỡ bỏ rào cản
Nhìn một cách tổng thể, hiện nay, có nhiều hình thức tích tụ ruộng đất: Một là, người nông dân cho doanh nghiệp thuê đất; Hai là, nông dân góp vốn bằng đất cùng doanh nghiệp chia lợi nhuận; Ba là, chính quyền cho thuê trung gian; Bốn là, nông dân bán đất cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tích tụ đất đai liên quan đến đời sống chính trị xã hội của gần 70% dân số Việt Nam đang sống ở nông thôn. Với tâm lý của người nông dân là muốn giữ đất, và bản thân các hình thức bán đất, góp vốn, nhà nước thu cho thuê, người thuê đều có rủi ro cao hơn so với người dân có đất.
Bên cạnh đó tích tụ đất thế nào phải đảm bảo an toàn tài sản tối đa cho dân, doanh nghiệp cũng là đòi hỏi mà các chính sách hiện hành chưa đáp ứng được. Tích tụ đất đai không thể bằng công cụ hành chính, mà hãy tạo hành lang pháp lý để họ tự đến với nhau. Tất cả ai có nhu cầu đều mua được, không bị hạn chế hộ khẩu. Khả năng tiếp nhận hàng hóa càng tốt thì hàng càng có giá trị, đất đai cũng như vậy.
Chúng ta phải chấp nhận một bộ phận nông dân sẽ bị mất đất và bộ phận đó sẽ được bổ sung vào thị trường lao động. Vấn đề đặt ra là làm sao để bộ phận này rời đất một cách chủ động. Việc một bộ phân lao động nông nghiệp trở thành người làm thuê là điều cần thiết.
Về mặt chính sách, nếu khuyến khích thì khuyến khích tập trung, nên để tích tụ tự nhiên. Có thể ban đầu, 70% diện tích danh nghiệp thuê của nông dân, họ chỉ sở hữu 30%. Nếu thực hiện theo cách này sẽ khuyến khích người nông dân chấp nhận làm thuê trên mảnh đất của mình, vì họ sẽ có thu nhập, về già họ sẽ còn lấy được tiền bảo hiểm và tiền thuê đất để trang trải cuộc sống.
Để tránh tình trạng một bộ phận nông dân mất đất, mất ruộng, đời sống khó khăn trong quá trình tích tụ ruộng đất, nhà nước cần bổ sung, hoàn chỉnh quy định, điều kiện chặt chẽ cho các doanh nghiệp tham gia quá trình này. Chẳng hạn chỉ những doanh nghiệp đủ năng lực tài chính, có điều kiện về sản xuất kinh doanh, tổ chức thị trường, phát triển công nghệ cao mới được tích tụ ruộng đất. Bên cạnh đó, phải có chế tài để ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp đối với nông dân. Chính quyền các cấp phải đi theo chính sách, tăng cường các chính sách hỗ trợ tích tụ đất đai.
Đối với doanh nghiệp thì vấn đề hàng đầu vẫn là gỡ bỏ rào cản về hạn điền. Luật Đất đai năm 2013 cần thay đổi mức hạn điền, thời hạn sử dụng đất nông nghiệp thay vì 50 năm và cần hướng tới công nhận quyền sử dụng đất lâu dài, xóa hoặc nới mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp để tạo điều kiện cho thị trường phát triển. Chuyển từ thuế sử dụng đất nông nghiệp sang đánh thuế tài nguyên đối với sử dụng đất nông nghiệp.
GS Đặng Hùng Võ – Nguyên thứ trưởng Bộ TN&MT: Thay đổi tư duy hạn điền Nông nghiệp Việt Nam chính là một điểm đầu tiên để quyết định đổi mới. Pháp luật về đất đai đã dần "cơi nới" hạn điền so với các luật trước. Chỉ có điều, so với thực tế hiện nay, các mức hạn điền như gấp 10 lần hạn mức đất nông nghiệp, vẫn là không đủ (Luật Đất đai 2013 cho phép các hộ gia đình được tích tụ đất đai không quá 10 lần hạn mức đất nông nghiệp (3ha). Chúng ta phải thay đổi tư duy quản lý hạn điền theo cách thức cũ là để đảm bảo công bằng giữa mọi nông dân với nhau, để không được hình thành "địa chủ mới", tức là những người nhiều ruộng đất chỉ thực hiện việc phát canh thu tô, không trực tiếp lao động mà chỉ dùng đất để thu lợi. Ông Phạm Ngọc Vũ – TGđ Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư Đất phố Nha Trang: Nhập nhằng sinh lợi ích nhóm Đất đai đang là rào cản đầu tiên khi daonh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp. Ở nhiều nơi, đất đai đang bỏ hoang hoặc sử dụng không đúng tiềm năng mục đích nhưng doanh nghiệp không dễ nhảy vào, dù có tiền. Bởi theo Luật Đất đai, ruộng đất là tài sản thuộc Nhà nước, nông dân không có quyền đổi, bán… Vì thế, doanh nghiệp muốn có diện tích lớn để đầu tư rất khó. Cũng phải thừa nhận, làm chính sách nhưng chúng ta đang né hiện trạng. Thực chất là “mua” nhưng danh chính ngôn thuận thì là “đền bù”. Chính sự nhập nhằng này sinh ra lợi ích nhóm. Minh bạch quản lý đất đai đang là một trong những đòi hỏi hàng đầu hiện nay. |