Đã có gói 100.000 tỉ đồng lãi suất cực thấp


Đã có gói 100.000 tỉ đồng lãi suất cực thấp

Thứ Sáu, ngày 7/4/2017 - 05:10
 
Ngày 5-4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố thông tin liên quan đến gói tín dụng 100.000 tỉ đồng cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo chỉ đạo Chính phủ.

Nhiều đối tượng được vay

NHNN cho biết đến nay nguồn vốn mà các NH đăng ký dành cho gói này đã đạt trên mức 100.000 tỉ đồng.

“Người vay phải có dự án hoạt động hiệu quả; có dự án, phương án sản xuất kinh doanh thuộc tiêu chí chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp theo quy định của Bộ NN&PTNT” - NHNN lưu ý.

Trước đó, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 738 nêu rõ tổ chức, cá nhân, hộ gia đình… hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch hoàn toàn có thể vay vốn trong gói tín dụng này.

Nhiều NH cho hay đã sẵn sàng tham gia gói tín dụng 100.000 tỉ đồng. Ông Tiết Văn Thành, Tổng Giám đốc NH NN&PTNT Việt Nam (Agribank), thông tin: “Chúng tôi đã tung ra gói 50.000 tỉ đồng để hỗ trợ vốn làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao. Chúng tôi tự cân đối được nguồn vốn mà không cần sự hỗ trợ của Nhà nước”.

Ông Thành cho biết thêm lãi suất cho vay tùy theo mức độ tham gia của người vay vào các khâu trong chuỗi cung ứng vật tư, đầu vào, sản xuất, tiêu thụ… Tuy nhiên, mức lãi suất cho vay ưu đãi theo chương trình này thấp hơn 0,5%-1,5% so với lãi suất cho vay thông thường, tức dao động trong khoảng 5,5%-6,5%/năm.

Đã có gói 100.000 tỉ đồng lãi suất cực thấp - ảnh 1
Nhiều người muốn được vay vốn từ gói 100.000 tỉ đồng nhằm mở rộng sản xuất. Trong ảnh: Trồng dưa lưới trong nhà kính tại Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: QUANG HUY

Không chỉ Agribank, một số NH khác như Kienlongbank cũng dành 400 tỉ đồng cho tín dụng nông nghiệp, lãi suất chỉ từ 7,8%/năm. LienVietPostBank quyết định dành gói tín dụng 10.000 tỉ đồng với lãi suất thấp hơn cho vay thông thường 0,5%-1%/năm, thời hạn vay vốn đến 10 năm tùy thuộc từng loại cây trồng, ân hạn đến năm năm.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, chủ một doanh nghiệp có trang trại quy mô lớn trồng xoài theo tiêu chuẩn GlobalG.A.P. ở miền Tây, tính toán: Nếu vay 10 tỉ đồng với lãi suất 7%/năm thì tổng tiền lãi phải trả là 708 triệu đồng/năm. Nhưng cùng với khoản vay đó mà được hưởng lãi suất ưu đãi 5,5%/năm từ gói trên thì tổng tiền lãi phải trả giảm xuống còn 552 triệu đồng/năm, tức là giảm được tới 156 triệu đồng/năm. Đây là một khoản tiền không hề nhỏ đối với doanh nghiệp.

“Khi biết Chính phủ đưa ra gói 100.00 tỉ đồng, giới doanh nghiệp và người dân đồng tình ủng hộ. Vấn đề là cần triển khai gói này vào cuộc sống, không để người kinh doanh phải chờ đợi và thất vọng. Thực tế cho thấy có nhiều chính sách hỗ trợ người kinh doanh, nông dân đã được ban hành nhưng người dân rất khó tiếp cận được với các nguồn ưu đãi, cuối cùng chính sách vẫn ở trên giấy” - ông Hùng nhấn mạnh.

Gỡ nút thắt

Nhìn nhận về một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai gói vay 100.000 tỉ đồng, Tổng Giám đốc Agribank Tiết Văn Thành nói: “Vấn đề quy hoạch cây, con, ngành của địa phương chưa rõ, còn manh mún. Việc cấp giấy chứng nhận nông nghiệp công nghệ cao còn chậm và các NH phải tự mày mò các quy định liên quan. Bên cạnh đó, giá trị đất đai làm tài sản bảo đảm thấp do địa phương định giá theo khung giá Nhà nước trong khi khoản vay có thể lên đến mấy chục tỉ”.

Đó là chưa kể, theo ông Thành, pháp luật hiện chưa cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp như nhà xưởng, nhà kính, hệ thống tưới phun sương… để làm cơ sở thực hiện giao dịch bảo đảm, thế chấp vay vốn trong khi đây đều là những tài sản có giá trị cao. Điều này gây khó khăn cho cả người vay lẫn các NH.

Đại diện một NH khác cũng cho rằng khi cho vay nông nghiệp công nghệ cao thì khách hàng phải dùng tài sản thế chấp rõ ràng. Bởi nếu giả sử doanh nghiệp đầu tư dự án nông nghiệp công nghệ cao trên phần đất đi thuê, dân vẫn nắm sổ đỏ thì NH không dám mạnh tay cho vay.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định chủ trương cho vay ưu đãi trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao của Chính phủ là phù hợp nhưng cơ chế thực hiện rất khó vì cho vay dù ưu đãi cũng phải tính hiệu quả thu hồi vốn.

“Nếu nông nghiệp công nghệ cao được xác định rõ ràng, hiệu quả thì vẫn có thể dùng cơ chế lợi nhuận hình thành từ vốn vay và thế chấp từ đất. Bên cạnh đó cũng phải tháo gỡ cơ chế cho tín chấp đối với những phần đất mà doanh nghiệp đi thuê” - ông Hiển đề nghị.

Để tháo gỡ những nút thắt này, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, cho biết: “Hiện nay việc cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao gặp một số khó khăn cần tháo gỡ như vấn đề về tài sản bảo đảm. Do đó Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hoàn thiện các văn bản hướng dẫn việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp phục vụ cho việc sản xuất công nghệ cao như nhà kính, nhà lưới... Qua đó để làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, thế chấp cho khoản vay tại NH”.

Cần có khung khổ pháp lý rõ ràng

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-NH, đánh giá chủ trương dành gói 100.00 tỉ đồng là rất hợp lý, bởi hiện có tới 60% lao động Việt Nam ở trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy vậy, NHNN cần tái cấp vốn hoặc cấp bù lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước cho các NH tham gia chương trình, tức là phải có nguồn vốn rẻ. Nếu các NH buộc phải tự dùng nguồn vốn của mình trong khi giá vốn hiện cũng đã ở mức 6%-7% thì khó có lãi suất ưu đãi.

Hơn nữa, rủi ro trong lĩnh vực nông nghiệp cũng cao hơn so với các ngành nghề khác, cho nên việc trích lập dự phòng rủi ro phải được thực hiện rất chặt chẽ. “Tôi cho rằng cần có khung khổ pháp lý quy định rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan và nguồn vốn thực hiện trong bối cảnh bị siết chặt bởi tỉ lệ dự trữ bắt buộc và giới hạn an toàn tín dụng” - ông Hiếu nhấn mạnh.

Bài viết khác