|
Không tích tụ ruộng đất thì nền nông nghiệp không thể sản xuất lớn để cạnh tranh, phát triển. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ |
(TBKTSG) - Muốn doanh nghiệp đầu tư vực dậy nền nông nghiệp, đừng ngăn cản quá trình tích tụ ruộng đất một cách tự nhiên, theo quy luật thị trường, đồng thời phải đảm bảo quyền tài sản về đất đai cho người dân.
Vẫn băn khoăn tính hai mặt của tích tụ ruộng đất
Tại tọa đàm “Tích tụ ruộng đất, được và mất” do tạp chí Nông thôn Việt tổ chức ngày 29-5-2017, ông Nguyễn Thế Trung, Ủy viên Hội đồng lý luận trung ương, khẳng định: “Không tích tụ ruộng đất thì nền nông nghiệp chúng ta không thể sản xuất lớn để cạnh tranh, phát triển”.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thiệp, Bí thư huyện Cần Giuộc, Long An, cho rằng để chấm dứt câu chuyện “mất mùa được giá, được mùa mất giá” trong nông nghiệp thì phải cho doanh nghiệp tích tụ ruộng đất để tạo ra sản phẩm lớn, chất lượng ổn định, giá cả hợp lý, có thể cạnh tranh quốc tế.
Thực tế, hành vi tích tụ ruộng đất “chui” của ông Võ Quang Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An trong thời gian qua để đầu tư “cánh đồng lớn” đã cho thấy mặt tích cực của tích tụ ruộng đất. Tại tọa đàm, ông Huy cho biết, nhờ ông mua nhiều thửa ruộng nhỏ rồi gộp lại thành một thửa lớn mà việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc canh tác rất dễ dàng.
“Hiệu quả kinh tế thì đã thấy rõ nhưng rủi ro pháp lý cũng cao ngất. Vì với quy định về hạn điền hiện nay, tôi không thể đứng tên sở hữu hơn 1.000 héc ta đất mà mình đã bỏ tiền ra mua”, ông nói.
Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, đặt câu hỏi: “Ai cũng biết tích tụ ruộng đất sẽ có lợi cho kinh tế nông nghiệp nhưng tại sao nhiều năm qua chúng ta vẫn chưa làm được?”. Là bởi những người làm chính sách còn nhìn thấy mặt trái của tích tụ ruộng đất quá lớn!
Quá trình tích tụ phải được diễn ra một cách hết sức tự nhiên, theo quy luật thị trường. Tránh tích tụ bằng giải pháp hành chính (vì các nhà tư bản rất dễ cấu kết với chính quyền để trục lợi). Nhà nước chỉ cần thừa nhận quyền giao dịch tài sản của doanh nghiệp và nông dân là đủ. |
Đó là, “Nếu bỏ hạn điền, cho tích tụ ruộng đất, liệu có phân hóa giàu nghèo lớn ở nông thôn hay không?” như cách đặt vấn đề của ông Trần Thế Ngọc, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguyên Bí thư tỉnh ủy Tiền Giang. Hay như chính ông Nguyễn Thế Trung cũng lo “Một bộ phận nông dân mất đất không có việc làm, một bộ phận doanh nghiệp lợi dụng cấu kết với địa phương đầu cơ trục lợi”...
Thậm chí, nghĩ xa hơn, ông Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nói: “Trong bối cảnh nợ công như hiện nay, nếu vỡ, mà người nông dân không còn ruộng đất để bám víu thì bất ổn kinh tế sẽ nhanh chóng trở thành bất ổn chính trị, khủng khiếp”.
Nên để nó diễn ra tự nhiên
Theo nguyên đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch, nếu muốn tích tụ ruộng đất thì phải chấp nhận một bộ phận nông dân mất đất. “Thực tế cho thấy ở nhiều vùng quê trên đất nước này thanh niên đã thoát ly, công việc đồng áng chỉ có người già làm”, ông nói.
Ông Lâm Đạo Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Minh Hưng Group, nói: “Đừng lo nông dân không có việc làm, nông dân rất khôn ngoan trong việc thích nghi với những cơ hội mới”. Ông kể, khi ông về vùng Tân Phước (Tiền Giang) mua đất của nông dân để đầu tư sản xuất, người dân chỉ có thu nhập từ ruộng đất khoảng 2,5-3 triệu đồng/người/tháng. Đến nay, hầu hết lao động ở địa phương đã trở thành công nhân của công ty với mức lương từ 5-7 triệu đồng/tháng, cuộc sống của họ đã tốt hơn.
Tương tự, ông Võ Quang Huy cũng cho rằng các nhà làm chính sách không nên lo nghĩ nhiều về lao động nông thôn dôi dư khi họ đã bán đất. Theo ông, hiện nay đầu tư vào nông nghiệp ở nông thôn như doanh nghiệp của ông rất khó khăn trong việc tuyển dụng lao động.
“Mới đêm 28-5 rồi, nhân lao động đi làm ở thành phố về ăn Tết mùng 5 tháng 5 tôi tranh thủ đi khắp các thôn xóm ở quanh cánh đồng của mình để thuyết phục họ ở lại làm việc cho doanh nghiệp của mình. Chúng tôi phải tạo mọi điều kiện, kể cả việc xây nhà, trường học... để thu hút lao động về nông thôn trở lại”, ông Huy nói.
Từ câu chuyện của mình, các nhà đầu tư vào nông nghiệp cho rằng, đừng lo lắng người dân mất đất sẽ làm gì mà nên tuân theo quy luật phát triển của xã hội (đó là có cung thì có cầu) và quy tắc bình thông nhau. Hãy để tích tụ ruộng đất diễn ra tự nhiên theo quy luật thị trường.
Có lẽ cũng nhìn thấy được những gì đang diễn ra nên ông Lịch cho biết ông ủng hộ việc tích tụ ruộng đất. Vấn đề chỉ là cách làm. Ông nói: “Nếu Nhà nước muốn nắm (đất) vô tay mình rồi phân phát, không theo cơ chế thị trường, thì quá trình tích tụ sẽ thất bại”.
Theo ông Lịch, Nhà nước chỉ cần thừa nhận quyền giao dịch tài sản của doanh nghiệp và nông dân là đủ.
Cùng quan điểm, ông Võ Trí Hảo, Tiến sĩ luật, Đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng để việc tích tụ ruộng đất an toàn cho người nông dân và đảm bảo an toàn chính trị, cách tốt nhất là nên để cho việc tích tụ diễn ra một cách tự nhiên, theo quy luật thị trường, tránh tích tụ bằng giải pháp hành chính (vì các nhà tư bản rất dễ cấu kết với chính quyền để trục lợi).
Theo ông Hảo, để việc tích tụ ruộng đất được diễn ra bình thường thì quy định của pháp luật (hiện hành) cấm, không cho doanh nghiệp sở hữu quyền sử dụng đất nông nghiệp phải được sửa đổi; đồng thời Nhà nước cũng phải đảm bảo quyền tài sản về đất đai cho người dân - tránh trường hợp chỉ một đồ án quy hoạch mà nhiều người “mất đất” và một số ít người “được đất”.
Ông Nguyễn Văn Thiệp, một lần nữa khẳng định quan điểm của mình là “nên mở rộng nhưng có điều kiện để tránh lợi dụng chính sách”.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Lộc Trời (một doanh nghiệp đang triển khai cánh đồng lớn), nói : “Với tôi, tích tụ ruộng đất chỉ là phương tiện để thực hiện mục tiêu sản xuất chuỗi lúa gạo bền vững. Vì vậy, việc tích tụ phải theo quy luật thị trường, tránh áp đặt, Nhà nước chỉ cần thừa nhận việc tích tụ đó mà thôi”.
Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng vấn đề cốt lõi của tích tụ vẫn là sở hữu. Nếu coi đất đai là nguồn lực thì doanh nghiệp phải có toàn quyền với nguồn lực chứ như quy định của pháp luật hiện nay (đất đai thuộc sở hữu toàn dân) thì có cho tích tụ doanh nghiệp vẫn ở thế rủi ro về tài sản cao.
http://www.thesaigontimes.vn/160806/Cu-de-tich-tu-ruong-dat-dien-ra-tu-nhien.html
|