Tháng 8/2017, Việt Nam nhập khẩu 79 triệu USD thuốc trừ sâu và nguyên liệu.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tháng 8, Việt Nam nhập khẩu 79 triệu USD thuốc trừ sâu và nguyên liệu (khoảng 1.800 tỉ đồng), nâng giá trị nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu 8 tháng đầu năm 2017 lên trên 660 triệu USD (trên 15.000 tỉ đồng), tăng gần 47% so với cùng kỳ năm 2016. Nguồn nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu chính vẫn là Trung Quốc.

Con số thống kê đó cho thấy Việt Nam đang có xu hướng ngày càng nhập khẩu nhiều thuốc trừ sâu và nguyên liệu.

Lý giải cho điều này, ông Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, cho biết: “Nhập khẩu thuốc trừ sâu và hóa chất BVTV của Việt Nam tăng liên tục trong vài chục năm qua do mở rộng diện tích canh tác và thâm canh ở nhiều loại cây trồng. Tuy nhiên, việc sử dụng quá nhiều hóa chất trong nông nghiệp đã để lại những hậu quả nặng nề cho môi trường đất, nước cũng như chất lượng nông sản của Việt Nam”.

Một vấn đề được đặt ra ở đây là: Làm thế nào để hạn chế dùng thuốc BVTV?

Đây là vấn đề nan giải! Có thể nói, ngành nông nghiệp lâu nay đều chạy theo năng suất. Suy cho cùng, người nông dân chỉ vì bảo vệ năng suất nên mới dùng. Thêm vào đó, các công ty BVTV vì cạnh tranh nên đều có chính sách bán hàng đến nông dân kèm theo quà tặng, khuyến mãi nên ít nhiều cũng “hút” nông dân sử dụng.

Mặt khác, dẫu biết mọi sự so sánh là khập khiễng, nhưng vẫn phải nói khi chính con người sống trong môi trường có máy điều hòa, có “chăn ấm nệm êm”, đủ loại dinh dưỡng, thuốc bổ mà còn bị bệnh này bệnh nọ. Vậy, thử hỏi cây trồng ở ngoài đồng thì sao?

Không diệt cỏ, trừ sâu bằng thuốc BVTV thì diệt trừ bằng gì? Trong khi nông nghiệp công nghệ cao, nói cho vui chứ làm sao mà áp dụng hết cho toàn nông dân Việt Nam. Bởi, chi phí đầu tư nhiều, lợi nhuận ban đầu không được bao nhiêu. Nông dân biết làm sao cho vừa lòng mọi người mới có thể sống được?

Một nông dân ở Sóc Trăng trải lòng: “Biết dùng quá tay thuốc BVTV độc hại cho người tiêu dùng và môi trường, nhưng không dùng thuốc đồng nghĩa chấp nhận rủi ro như bị cỏ dại lấn lướt, ốc bươu vàng tấn công…”.

Thực tế đó làm chúng ta không thể phủ nhận vấn nạn thực phẩm bẩn (trong đó có sản phẩm của ngành nông nghiệp) đang len lỏi vào các ngõ ngách của đời sống nhân dân. Và khó khăn nhất vẫn là cách thức tuyên truyền, cổ vũ người tốt, mô hình tốt và làm cho dân hiểu, tuân theo quy trình sản xuất an toàn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nói: “Thói quen của bà con là thường rỉ tai nhau về cách canh tác, dùng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón… Đây là điểm cần chú ý trong công tác tuyên truyền, vận động người dân. Bây giờ hiện tượng hai luống rau, một luống để ăn, một luống để bán đã ít đi, chứng tỏ khi chúng ta tuyên truyền đầy đủ, đến nơi đến chốn thì 10 người chắc 9 người sẽ không vì chạy theo lợi nhuận mà trồng rau bẩn, làm hại sức khỏe người khác”.

Do đó, bản thân ngành nông nghiệp cần phải sớm tái cấu trúc từ triết lý phát triển đến cách thực hiện. Đẩy mạnh chương trình đổi mới hệ thống cây trồng, tái cơ cấu cây trồng. Cần gắn làm sao cho giảm thuốc bảo vệ thực vật như: giảm làm lúa mà tăng cây màu, luân canh lúa – tôm, lúa – cá, lúa – màu thì sẽ giảm sử dụng thuốc trừ sâu, giảm sâu bệnh. 

Song song, Chính phủ cần phải có chiến lược xây dựng một nền nông nghiệp “sạch” – nông nghiệp công nghệ cao trên quy mô cả nước một cách đồng bộ, không thể để các địa phương tự thực hiện theo kiểu manh mún, mạnh ai nấy làm.

Bởi khi nào còn tồn tại tình trạng “một luống rau để cho gia đình ăn và một luống rau để đem bán”, còn chạy đua năng suất, lợi nhuận thì  khi đó ngành nông nghiệp còn phải “sống nhờ” thuốc BVTV?