Lúa sạch Bến Tre ngày một đắt hàng


Lúa sạch Bến Tre ngày một đắt hàng

Lư Thế Nhã
Thứ Ba,  2/1/2018, 10:50 
 
Thu hoạch lúa sạch tại Bến Tre. Ảnh: LƯ THẾ NHÃ

(TBKTSG) - Không chỉ cư dân trong tỉnh mà doanh nghiệp, du khách, người dân ở Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, Tiền Giang... cũng tìm đến huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre để mua lúa, gạo sạch. Để có được lúa, gạo sạch, những người nông dân miệt... biển này đã chuyển đổi tập quán canh tác sang hòa hợp với thiên nhiên: sống chung với mặn!

Mười năm trước đây, nhiều người dân ở các xã An Điền, An Nhơn, Mỹ An, An Thạnh, An Quy, An Thuận... thuộc huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre bỏ quê đi làm thuê ở Đồng Tháp, Cà Mau, Cần Thơ, Sóc Trăng... vì vùng quê này nghèo quá, do người dân ở đây chỉ biết làm nông với các giống lúa mùa có thời gian sinh trưởng đến sáu tháng. Năm nào gió chướng mạnh, nước mặn lên sớm là lúa mất trắng, người dân nghèo càng nghèo thêm.

Những năm gần đây nhà nông ở các xã trên đã biết sống chung với mặn - sáu tháng bị nước mặn họ tổ chức nuôi tôm sú và cua biển, sáu tháng nước ngọt thì trồng lúa kết hợp nuôi cá. Với tổng diện tích trên 7.000 héc ta, việc canh tác lúa - tôm khởi đầu ở ấp An Hòa, xã An Nhơn và nơi này được xem là nôi của vùng lúa sạch.

Cách sống chung với mặn khác biệt với các nơi khác ở chỗ ruộng lúa có bờ bao và cống giữ nước ra, vào. Tháng 11 âm lịch nước mặn thì thả nuôi tôm sú, cua biển. Từ tháng 5 đến tháng 7 âm lịch thì sạ lúa. Người dân ở đây tận dụng nước mặn, ngọt canh tác quanh năm.

Tôm, cua biển ở đây được nuôi quảng canh, ăn gốc gạ, phiêu sinh vật trong nước mà lớn nên cũng là tôm, cua sạch.

Lúa canh tác được khuyến cáo là các giống lúa xác nhận như OM 4900, OM 6162 và lúa Đài thơm 8 của Trung tâm Giống cây trồng miền Nam có thời gian sinh trưởng từ 95-100 ngày. Nền đất không cày xới. Chăm bón cho lúa, nông dân sử dụng phân hữu cơ sinh học hoặc một ít phân hóa học, sản lượng từ 25-27 giạ/1.000 mét vuông.

Năm nay, đa số nông dân trúng mùa. Cá biệt có ông Huỳnh Văn Thành ở ấp An Định, xã An Nhơn đạt 32 giạ/1.000 mét vuông.

Chân ruộng sản xuất lúa sạch được giữ nước đến chân lúa để nuôi cá phi, cá chẽm, cá nâu, cá kiền, cá bóng cát, tôm càng xanh... nên người nông dân ở đây tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Lúa ở đây sản xuất theo quy chuẩn VietGap. Khi phát hiện ruộng lúa có sâu rầy, họ mở cống cho nước vào ngập ngọn lúa, sâu rầy chết làm mồi cho cá; khi triều xuống, họ mở cống cho sâu rầy còn lại theo dòng nước trôi ra ngoài. Chi phí tính ra ít hơn so với làm ruộng dùng phân, thuốc hóa học. Từ nuôi trồng gần gũi với thiên nhiên, thiên địch sinh sôi nảy nở nên sâu rầy cũng ít đến phá hại đồng lúa này.

Con tôm, con cá, lúa sạch của vùng đất này được người tiêu dùng ưa chuộng. Hạt gạo sạch của An Nhơn dài, trắng ngà. Đời sống người nông dân ở miền biển này trở nên khá hơn. Nhiều nông dân bỏ đi làm ăn xa nay đã trở về đồng ruộng của mình.

Ông Hồ Văn Cương, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã An Nhơn, cho biết: Ba năm trước đây tỷ lệ hộ nghèo ở xã An Nhơn là 30%, nay chỉ còn 6%, nhiều nhà tường thay nhà lá, cuộc sống đang đổi thay từng ngày với cách canh tác mới, hòa hợp với thiên nhiên.

Chuyển sang sản xuất tôm, lúa sạch, những người nông dân ở đây đã gắn kết với nhau, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi trồng, thông báo dịch hại trên đồng, giá cả sản phẩm trên thị trường... Ông Trương Thanh Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Phú, cho biết: Các địa phương trồng lúa sạch đã hình thành 29 tổ hợp tác tôm lúa, lúa sạch. Ngày 21-9-2016, các tổ hợp tác được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể lúa sạch.

Không dừng ở mô hình tổ hợp tác, tháng 3-2017, các địa phương trồng lúa sạch đã thành lập Hợp tác xã (HTX) lúa, tôm Thạnh Phú. Đây là HTX kiểu mới, bước đầu có 82 xã viên, đưa 171 héc ta đất vào hợp tác. Sau chín tháng hoạt động, đã có thêm 15 người xin vào HTX, diện tích đất canh tác tăng lên thành 218 héc ta. Các thành viên HTX đều có giấy chứng nhận sản xuất lúa sạch VietGap.

Tới đây HTX này sẽ xây kho chứa phân, kho chứa lúa, nhà máy xay xát, kết nạp thêm xã viên vì nhiều nông dân trồng lúa sạch đang có nguyện vọng vào HTX. Khi HTX hoạt động có lãi, sẽ chia cho xã viên theo dịch vụ: người bán nhiều lúa cho HTX được chia nhiều; mua phân nhiều được chia nhiều. HTX sẽ ứng phân bón trước cho nông dân, thu hoạch mới trả tiền.

Hiện tại, HTX đang làm trung gian mua lúa sạch của xã viên. HTX chỉ hợp đồng với đơn vị mua giá cao là Công ty Lương thực Tiền Giang và Công ty Lương thực Bến Tre, giá mua trong năm 2017 đối với lúa OM là 7.300 đồng/ki lô gam và lúa Đài thơm 8 là 7.600 đồng/ki lô gam. Trong khi đó, nông dân bán cho thương lái bên ngoài thì bị ép giá, chỉ bán được 5000-5.500 đồng/ki lô gam. Các doanh nghiệp mua lúa sạch với giá cao nhưng vẫn có lãi vì gạo sạch bán trên thị trường hiện tại có giá tới 25.000 đồng/ki lô gam, cao gấp hai lần gạo ngon thường.

Ông Lâm Anh Tú, đại diện Công ty Phân bón hữu cơ Lio Thái, cho biết: Công ty đầu tư 100% phân bón cho các xã An Quy, An Nhơn và An Thạnh, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật chăm bón nên chất lượng hạt gạo cao. Công ty mua 100 tấn lúa cung cấp ra thị trường, không đầy một tuần là hết sạch.

Lúa sạch Thạnh Phú được người tiêu dùng ưa chuộng, hiện không đủ cung ứng cho thị trường, ông Trịnh Văn Lạng, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX lúa, tôm Thạnh Phú, cho biết.
http://www.thesaigontimes.vn/266958/Lua-sach-Ben-Tre-ngay-mot-dat-hang.html

Bài viết khác