Thuế giá trị gia tăng bất công với nông sản chế biến


Thuế giá trị gia tăng bất công với nông sản chế biến

23/03/2017 7:00 Sáng

 

(DĐDN)- Nông sản qua chế biến có thương hiệu, bao bì nhãn mác thì phải chịu thuế GTGT, trong khi  những sản phẩm cùng loại không có thương hiệu bao bì nhãn mác thì không phải chịu sắc thuế này.

Nhiều mặt hàng nông sản chỉ qua sơ chế nhưng vẫn phải chịu thuế VAT. Ảnh: Bà Giáo Khỏe 55555, một thương hiệu mắm nổi tiếng tại Châu Đốc

Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó giám đốc Cty TNHH MTV Bà Giáo Khỏe 55555, một thương hiệu mắm nổi tiếng tại Châu Đốc cho biết: làm mắm là nghề gia truyền của gia đình ông được lưu truyền hàng trăm năm qua nhiều thế hệ. Hiện nay, mỗi năm Cty ông sản xuất, chế biến, tiêu thụ từ 150 – 200 tấn sản phẩm mắm các loại.

Đội giá…

Tuy nhiên, theo ông Thành, khó khăn trong kinh doanh mà ông gặp phải hiện nay chính là chính sách thuế GTGT chưa hợp lý trong khi sản phẩm mắm của công ty ông phải chịu thuế GTGT 10% thì nhiều cơ sở kinh doanh sản phẩm cùng loại vì không thành lập DN, không có bao bì nhãn mác thì không phải chịu khoản thuế này nên giá bán rẻ hơn, đây là sự cạnh tranh thiếu công bằng.

Ông Nguyễn Minh Phương, Giám đốc Cty TNHH MTV TM Minh Đức Thành chuyên sản xuất mặt hàng khô cá tra một nắng mang thương hiệu Kocana cho biết: Với mong muốn đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cá tra ở thị trường nội địa, Cty ông đã cho ra đời sản phẩm cá tra một nắng, hiện nay sản phẩm được tiêu thụ rất tốt. Tuy nhiên, mặc dầu sản phẩm chỉ qua sơ chế như phi lê, tẩm muối và sấy khô nhưng phải chịu thuế GTGT đến 10% làm đội giá bán sản phẩm.

Tương tự như vậy, ông Nguyễn Phú Tia, chủ cơ sở rượu mận Sáu Tia cho rằng cơ sở của ông góp phần rất lớn trong tiêu thụ sản phẩm mận của địa phương nhưng khi sản xuất ra rượu thì bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt đến 70% nên giá bán ra rất cao, khó tiêu thụ.

Một số DN kinh doanh mặt hàng gạo, nếp cũng phản ánh chính sách thuế GTGT cho mặt hàng này còn nhiều bất cập.

Theo ông Lâm Thành Kiệt, TGĐ Cty cổ phần nông sản Vinacam: Trong khi xuất khẩu gạo được hưởng thuế suất 0% thì DN kinh doanh gạo nội địa lại bị đánh thuế GTGT 5%. Sự bất cập này khiến cho DN Việt Nam mất lợi thế ngay trên “sân nhà”, chưa yên tâm xây dựng thương hiệu gạo phục vụ cho thị trường nội địa. “Gạo có thương hiệu được sản xuất theo quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm, có nhãn mác thì khi bán ra phải chịu thuế. Trong khi gạo của bạn hàng xáo phối trộn lung tung, chất lượng không ai kiểm soát lại không phải đóng một đồng thuế nào. Chính sách thuế như vậy thì làm sao có thể khuyến khích DN xây dựng thương hiệu cho gạo Việt”, ông Kiệt phân tích.

Khó thúc đẩy chế biến sâu

Ông Huỳnh Văn Thòn – Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời (An Giang) cho biết: dù muốn tổ chức mạng lưới bán lẻ gạo với chất lượng đảm bảo, có thương hiệu, có chỉ dẫn địa lý, nhưng lại sợ không cạnh tranh được với mạng lưới những thương lái buôn tự do. Lý do, cũng vì phải nộp thuế GTGT 5% nên giá bán tăng thêm 500-1.000 đồng/kg so với gạo không có thương hiệu. “Nếu khúc mắc trong chính sách thuế được tháo gỡ thì từ nay đến năm 2018 chúng tôi cam kết có thể tổ chức được hệ thống bán lẻ tiêu thụ khoảng 500.000-1.000.000 tấn gạo/năm”- ông Thòn khẳng định.
Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết, nhu cầu gạo nội địa cao gấp 4 -5 lần so với sản lượng gạo xuất khẩu hàng năm của Việt Nam. “Nếu cứ mải mê lo xuất khẩu, không hỗ trợ DN Việt xây dựng thị trường gạo nội địa thì chúng ta có thể thua ngay trên “sân nhà”. VFA cũng đã nhiều lần nghị Chính phủ áp mức thuế 0% cho gạo tiêu thụ nội địa nhưng đến nay vẫn chưa được chấp thuận” – ông Năng cho biết.

Hầu hết DN chế biến nông sản đều phải thu gom nguyên liệu từ nông hộ nhỏ lẻ không có hóa đơn đầu vào, đồng nghĩa với việc không được khấu trừ thuế đầu ra. Do vậy, việc xem xét chính sách thuế hợp lý cũng là một giải pháp quan trọng khuyến khích DN xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng cho nông sản Việt để đủ sức cạnh tranh trên “sân chơi” toàn cầu.

Huỳnh Khởi
http://enternews.vn/thue-gia-tri-gia-tang-bat-cong-voi-nong-san-che-bien.html

Bài viết khác