Nhiều doanh nghiệp đã áp dụng các hình thức khác nhau để tích lũy đất nông nghiệp với mục tiêu ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, từ đó tạo ra lượng nông sản quy mô lớn, đồng chất lượng có khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Tăng chất và lượng

Trước thực trạng phải giải cứu nông sản khắp nơi từ heo, gà cho đến quả chuối… trong khi cứ hàng tuần, Công ty TNHH Huy Long An vẫn đều đặn xuất khẩu chuối sang Nhật Bản. Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An cho biết, có được kết quả này là nhờ vào kế hoạch tích lũy đất trồng trọt ở quy mô lớn, áp dụng cơ giới hóa để có sản phẩm đồng kích cỡ, chất lượng cao với khả năng cung ứng đơn hàng một cách liên tục theo nhu cầu đối tác. “Nếu như trước đây, canh tác kiểu manh mún thì không thể có sản phẩm xuất khẩu theo những yêu cầu khắt khe của thị trường”, ông Huy khẳng định.

Nhiều năm nay, Tập đoàn Lộc Trời được biết đến với việc xây dựng cánh đồng lớn. Với những động thái tích cực như: cung cấp giống, phân bón và bao tiêu đầu ra… Lộc Trời đã thu hút được nông dân tham gia cùng hợp tác, đồng nghĩa có hàng ngàn héc ta đất trồng lúa với chất lượng đồng nhất, xây dựng thương hiệu gạo riêng, bán sản phẩm với giá cao, không rơi vào tình trạng xuất khẩu gạo không thương hiệu và giá bán thấp.

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời cho biết, tích tụ ruộng đất là yếu tố cần thiết để doanh nghiệp làm nghề nông có thể tổ chức được sản xuất quy mô lớn, giảm chi phí, tăng năng suất và chất lượng nhờ áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; xây dựng được thương hiệu, tính toán được thị trường.

Một cách tương tự, Vissan tạo ra một vùng chăn nuôi lớn thông qua việc xây dựng mô hình chăn nuôi chuẩn chuyển giao cho nông dân cùng con giống, kèm theo việc bao tiêu đầu ra. Với việc đem lại lợi ích cho nông dân, Vissan đã có hàng trăm trang trại chăn nuôi mà không hề tốn kém chi phí đầu tư vào quỹ đất.

Nếu như Vissan và Lộc Trời chọn con đường hợp tác để mở rộng quỹ đất phục vụ cho nông nghiệp thì Huy Long An có cách tích tụ ruộng đất thông qua việc mua dần. Nhưng cách làm của Huy Long An đầy tính rủi ro. Hiện nay, ông Võ Quan Huy có trong tay cả ngàn héc ta đất trồng chuối, nuôi bò, tôm và nhiều loại cây công nghiệp, nhưng phải nhờ người khác đứng tên vì chính sách hạn điền. Ông Huy đã tìm cách lách luật để có cánh đồng lớn, dễ dàng cơ giới hóa và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng, nhưng ông cũng không thể an tâm sản xuất vì vi phạm các quy định pháp luật.

Ông Huy cho biết: "Đôi lúc cũng lo. Nhưng tôi tin Nhà nước mình đến một lúc nào đó, chắc là gần thôi, cũng phải bỏ hạn điền, bỏ quy định thời gian sử dụng đất, nhất là với những ai trực canh như tôi thì mới làm giàu được từ nông nghiệp".

Thị trường tự quyết

Nông nghiệp sẽ không phát triển nếu không đẩy mạnh tích tụ ruộng đất. Nhưng tích tụ đất phải thực hiện bằng chính sách phù hợp

Ông Trần Thế Ngọc, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, chủ trương tích tụ đất đai đã manh nha từ lâu, từ đại hội Đảng lần thứ XI, XII và đã được thể chế trong pháp luật. So với trước đây, hiện nay hạn mức sở hữu đất đai đã được nâng lên. Theo đó, hộ gia đình cá nhân ở vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long được tích tụ 30 ha. Về đất trồng cây lâu năm, gia đình cá nhân ở vùng đồng bằng được sở hữu 100 ha và vùng núi được sở hữu 300 ha. Thời hạn sử dụng đất cũng được nâng từ 20 năm lên 50 năm, tương đồng với đất công nghiệp.

Tại nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trong quý III năm nay, các bộ phải trình đề xuất sửa đổi chính sách đất đai, tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng hạn điền. Tuy nhiên, chính sách về tích tụ ruộng đất vẫn còn tồn đọng nhiều điểm chưa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội hiện nay.

Ông Nguyễn Thế Trung, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương cho biết, không cách nào nông nghiệp phát triển được nếu không đẩy mạnh tích tụ ruộng đất. Tuy nhiên, cái bất cập của việc tích tụ đất là một bộ phận nông dân mất đất, thiếu việc làm. Khả năng khác là một bộ phận doanh nghiệp lợi dụng chủ trương tích tụ để đầu cơ không chính đáng, xin dự án chuyển từ đất nông nghiệp sang đất thương mại.

Để giải quyết vấn đề trên, theo Tiến sĩ Võ Trí Hảo, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, tích tụ đất phải đảm bảo an toàn tài sản tối đa cho dân, doanh nghiệp. Tránh tích tụ bằng công cụ hành chính, tránh việc dùng cách phân phối lại hay là chính sách thu hồi tước đoạt đất của dân giao cho doanh nghiệp mà hãy để các bên tự nhiên đến với nhau. Tương tự, ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, tích tụ đất đai cần bảo đảm quyền tự do tài sản thì doanh nghiệp mới mạnh dạn đầu tư. Doanh nghiệp nếu mua đất mà không có lợi thì họ sẽ không mua, tương tự người nông dân nếu "bán đất" mà không có lợi thì họ cũng không bán. Do vậy hãy để quyền sở hữu ruộng đất được chuyển nhượng theo đúng quy định, theo giá đất của thị trường quyết định. Nhà nước đừng áp đặt một cách máy móc kỹ thuật vào quyền sở hữu tài sản của dân, doanh nghiệp.

Nêu giải pháp cho việc tích tụ đất, theo chuyên gia kinh tế Tiến sĩ Trần Du Lịch, thứ nhất nên chấp nhận một bộ phận nông dân sẽ bị mất đất và được bổ sung vào thị trường lao động, một bộ phận “thoát ly” để trở thành người làm thuê là điều cần thiết. Vấn đề đặt ra là làm sao để bộ phận này rời đất một cách chủ động, chứ không bị cưỡng ép. Thứ hai, nên khuyến khích doanh nghiệp thuê lại đất nông dân. Chẳng hạn, các trang trại tại Bắc Âu có 70% diện tích là thuê của nông dân, doanh nghiệp chỉ sở hữu 30%. Nếu thực hiện theo cách này sẽ khuyến khích người nông dân chấp nhận làm thuê trên mảnh đất của mình, vì họ sẽ có thu nhập, về già họ sẽ còn lấy được tiền bảo hiểm và tiền thuê đất để trang trải cuộc sống. Và cuối cùng tích tụ đất nên thực hiện bằng chính sách phù hợp. p