Chương trình được thực hiện với tổng mức vốn thực hiện 306.660 tỷ đồng từ năm 2016 đến hết năm 2020.

Một trong những mục tiêu chung của Chương trình là hỗ trợ ngành trồng trọt và chăn nuôi thực hiện tái cơ cấu theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao, bền vững, góp phần đạt mục tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất (GTSX) bình quân hàng năm ngành trồng trọt từ 2,5 - 3%, chăn nuôi từ 4 - 5%. Phấn đấu đến năm 2020 diện tích cây trồng áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến được cấp chứng nhận đạt từ 25 - 30 nghìn ha, diện tích cây trồng được ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm từ 400 - 500 nghìn ha; số lượng lợn chăn nuôi theo quy trình Viet GAP đạt 5%, gà đạt 15%.

Chương trình được đưa ra trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang có nhiều tín hiệu khả quan. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 6 tháng đầu năm 2017 đạt 17,1 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2017, chiếm 84,7% tổng giá trị xuất khẩu hàng rau quả.

Cách đây không lâu, trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Nhật Bản, các doanh nghiệp hội viên Hiệp hội Nông nghiệp công nghệ số (DAA) đã ký 3 biên bản ghi nhớ và 2 hợp đồng hợp tác với đối tác Nhật Bản tổng giá trị 705 triệu USD, chủ yếu đầu tư vào nhà máy chăn nuôi gà thịt, trứng gà, dược liệu, chế biến các sản phẩm từ thịt, nông sản… Thoả thuận bước đầu hợp tác tiêu thụ nông sản thô và chế biến với nhiều tập đoàn lớn như AEON, Itochu, ISE, Shisheido…

Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, Tổng Thư ký DAA: Hiện tại số lượng mặt hàng nông sản của Việt Nam có khả năng và đủ điều kiện xuất khẩu vào Nhật Bản mới chỉ đếm trên đầu ngón tay như: Thanh Long, chuối, xoài, măng cụt… Một số mặt hàng khác đang trong quá trình đàm phán. Vì vậy, cơ hội xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản nói riêng và các thị trường tiềm năng khác là rất lớn. Nhưng để làm được điều này thì nông nghiệp phải thay đổi phương thức canh tác, sản xuất truyền thống, phải chuẩn hoá được theo các yêu cầu khắt khe của thị trường. "Chính vì vậy, bên cạnh những chính sách hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp thì sự chủ động nắm bắt nhu cầu và đầu tư sản xuất theo yêu cầu của thị trường là yếu tố tiên quyết để thành công” - bà Hương nhấn mạnh.