Xuất khẩu thủy sản quý III⁄2024 đạt 2,76 tỷ USD
Xuất khẩu (XK) thủy sản 9 tháng đầu năm đạt 7,16 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 9, XK đạt 866 triệu USD, tăng 6,4% so với tháng 9⁄2023. Sau 4 năm bị xáo trộn bởi dịch Covid, chiến tranh, lạm phát, diễn biến của các thị trường đang dần ổn định, XK thủy sản Việt Nam năm 2024 đã quay trở lại quỹ đạo thông thường là tăng tốc trong nửa cuối năm, đạt đỉnh vào quý III.
XK thủy sản trong quý III năm nay đạt 2,76 tỷ USD, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các mặt hàng chủ lực đều có những bứt phá đáng kể gồm cá tra tăng 13,5%, XK tôm tăng 17,5%, cua ghẹ tăng 56%, nhuyễn thể có vỏ tăng 95%.
Trong tháng 9, XK cá ngừ giảm gần 6% so với cùng kỳ, khiến cho XK trong quý III chỉ cao hơn khoảng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Bắt đầu từ tháng 8, XK cá ngừ chững lại và đang có chiều hướng tụt dốc trong những tháng cuối năm, vì quy định đánh bắt cá ngừ kích thước tối thiểu 0,5m khiến cho ngư dân không khai thác được, doanh nghiệp (DN) không có nguyên liệu để chế biến.
Tính tới cuối tháng 9, XK cá ngừ tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 715 triệu USD. Trong đó cá ngừ loin/phile đông lạnh chiếm 48% với 346 triệu USD, tăng 9,6%, XK cá ngừ đóng hộp chiếm 30% đạt 214 triệu USD, tăng 16,6%. Phần lớn tăng trưởng XK cá ngừ đều là kết quả của nửa đầu năm.
XK cá tra 9 tháng đầu năm mang về kim ngạch 1,46 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhóm cá tra chế biến tuy chiếm tỷ trọng khiêm tốn nhưng tăng đột phát 42%, cá tra nguyên con đông lạnh tăng 24%, cá tra phile/cắt khúc đông lạnh tăng nhẹ 4%.
Tôm mang về kim ngạch XK cao nhất với gần 2,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2023. Năm 2024, tôm đông lạnh XK vẫn bị tác động bởi xu hướng giá chưa phục hồi rõ rệt, cùng với áp lực giá bán cạnh tranh với tôm Ecuador và Ấn Độ. Tuy nhiên, tôm chế biến của Việt Nam vẫn có vị thế tốt ở các thị trường. Do vậy, tính đến cuối tháng 9, XK tôm chân trắng chế biến vẫn tăng gần 10%, trong khi XK tôm chân trắng đông lạnh tăng nhẹ hơn với mức 4,5%. Lũy kế 9 tháng đầu năm, XK tôm chân trắng đạt gần 2 tỷ USD, XK tôm sú đạt 334 triệu USD.
Đối với mặt hàng mực, bạch tuộc, phân khúc sản phẩm chế biến cũng có tín hiệu XK tốt hơn so với hàng đông lạnh. Theo đó, XK mực chế biến 22% trong quý III và tăng 13% trong 9 tháng đầu năm. Tuy nhiên, tổng XK mực, bạch tuộc trong 3 quý đầu năm vẫn giảm nhẹ 2,7% so với cùng kỳ đạt 464 triệu USD.
XK các loài cá khác (chủ yếu là cá biển) đã có tăng trưởng nhẹ trong quý III (+1,5%) đạt trên 181 triệu USD. Lũy kế XK 9 tháng đầu năm đạt 1,34 tỷ USD, giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các sản phẩm phile vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với gần 479 triệu USD, tăng nhẹ 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái. XK chả cá surimi tiếp tục giảm 3% trong quý III và lũy kế 9 tháng đầu năm giảm gần 11% so với cùng kỳ đạt 203 triệu USD.
XK cua ghẹ từ đầu năm tới nay luôn giữ được mức tăng trưởng cao. Riêng trong quý III, XK sản phẩm này tăng 56% và 9 tháng đầu năm tăng 66% đạt 227 triệu USD, chủ yếu nhờ XK sản phẩm cua sống sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh.
Tiếp tục tăng trưởng trong tháng 9 XK thủy sản đang có tín hiệu tích cực cho cộng đồng ngành thủy sản, với niềm tin năm 2024, XK sẽ đạt được kết quả tốt hơn so với năm 2023 với dự kiến kim ngạch 9,5 tỷ USD, tăng 7%. Trong đó, XK tôm ước đạt gần 4 tỷ USD, cá tra đạt khoảng 2 tỷ USD, cá ngừ xấp xỉ 1 tỷ USD, mực, bạch tuộc khoảng 640 triệu USD, còn lại là các mặt hàng cá biển và hải sản khác.
Nhu cầu của các thị trường đang hồi phục, giá XK ở các thị trường đang và sẽ tiếp tục tăng là động lực cho DN thúc đẩy XK trong những tháng cuối năm và năm 2025.
Bài viết khác
Không chỉ đảm bảo an ninh lương thực, sự phát triển của ngành nông nghiệp còn góp phần quan trọng sự phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, trước thách thức về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đang diễn ra cấp bách thì vi
Ngày 25/10, tại ga Sóng Thần (tỉnh Bình Dương), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức lễ khởi hành chuyến tàu đầu tiên vận chuyển gần 70 tấn dừa tươi xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Ngày 24/10, Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN (AMAF) lần thứ 46 dưới sự chủ trì của Myanmar tổ chức theo hình thức trực tuyến. Các bên tham gia đã xác định 8 lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác nông nghiệp khu vực.