Xuất khẩu rau quả cán đích sớm, đang hướng đến kỷ lục mới 7 tỷ USD cả năm 2024
Sau 10 tháng, xuất khẩu rau quả đã đạt 6,4 tỷ USD; trong khi đó mục tiêu cho cả năm 2024 là 6 - 6,5 tỷ USD. Như vậy, có thể nói, đến thời điểm này ngành rau quả đã cán đích sớm 2 tháng, và đang tự tin hưởng đến mục tiêu 7 tỷ USD...
Xuất khẩu sầu riêng sẽ đem về 3,5 tỷ USD trong năm 2024.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu rau quả trong tháng 10/2024 đạt 760 triệu USD. Luỹ kế 10 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm mặt hàng này đạt 6,4 tỷ USD, vượt mức kỷ lục 5,7 tỷ USD của cả năm 2023…
Từ đầu năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra mục tiêu cho xuất khẩu rau quả năm 2024 là 6-6,5 tỷ USD. Với kết quả xuất khẩu trong 10 tháng tăng hơn 31,5% so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu rau quả đã lần đầu tiên cán mốc kỳ vọng 6 tỷ USD và các mốc kỷ lục mới sẽ liên tục được thiết lập trong 2 tháng cuối năm.
THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC CHIẾM 47%
Trong 10 tháng, xuất khẩu rau quả đến các thị trường đều tăng trưởng trên hai con số, trong đó tăng nhiều nhất là xuất khẩu tới Thái Lan, Hàn Quốc, Đức và Canada. Đáng chú ý, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất, nhập khẩu 4,2 tỷ USD rau quả Việt Nam trong 10 tháng, tăng 38% so với cùng kỳ 2023 và hiện chiếm 47% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta.
Thái Lan vượt Hoa Kỳ, trở thành thị trường lớn thứ hai với 225 triệu USD, tăng 87%. Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh với tỷ lệ tăng hai chữ số.
"Với kết quả tích tăng trưởng ấn tượng trong 10 tháng qua, xuất khẩu rau quả năm 2024 này chắc chắn sẽ lập mốc kỷ lục 7 tỷ USD, thậm chí có thể vượt mọi dự báo với con số 7,5 tỷ USD”.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam.
Xét về từng loại trái cây, sầu riêng tiếp tục là mặt hàng đóng góp lớn nhất, mang về 3,1 tỷ USD trong 10 tháng, chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các sản phẩm khác như chuối, xoài, thanh long và hàng chế biến cũng góp phần quan trọng.
“Sầu riêng là loại trái cây mang lại những kết quả xuất khẩu đầy bất ngờ. Dù chính vụ kết thúc vào tháng 10, Việt Nam vẫn có hàng trái vụ, giúp dự báo kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm nay có thể chạm mốc 3,5 tỷ USD, tăng 45% so với năm ngoái – đây là một con số hiếm loại trái cây nào đạt được”, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định.
Các chuyên gia dự báo, đến năm 2025, lượng thị trường sầu riêng của Trung Quốc có thể đạt 20 tỷ USD và cả thế giới là 28,6 tỷ USD. Nhu cầu tiêu thụ sầu riêng ở thị trường Trung Quốc rất lớn, cộng tất cả các nước xuất khẩu sầu riêng ở khu vực Đông Nam Á vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu thị trường này. Trong khi đó, so với các quốc gia trong khu vực thì sầu riêng của Việt Nam xuất sang Trung Quốc có nhiều lợi thế cạnh tranh về logistics và chất lượng. Vì vậy, dư địa cho tăng xuất khẩu sầu riêng vẫn còn nhiều.
Theo ông Nguyên, ngoài sầu riêng, các loại trái cây khác cũng hưởng lợi khi bước vào mùa đông - thời điểm nhiều quốc gia gặp khó khăn trong thu hoạch, còn Việt Nam vẫn giữ được điều kiện thuận lợi. Trong đó, xuất khẩu dừa tươi có thể tăng gấp rưỡi so với năm ngoái nhờ Nghị định thư về kiểm dịch dừa tươi với Trung Quốc được ký kết và có hiệu lực trong năm 2024.
Tại Lễ hội trái cây Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc) cuối tháng 9/2024, nhiều doanh nghiệp Việt chia sẻ đã ký hợp đồng xuất khẩu từ 30-50 container dừa, thậm chí có đơn vị đạt thỏa thuận cung cấp 1.500 container cho đối tác nước bạn. Đây là tín hiệu tích cực cho tương lai ngành dừa Việt tại thị trường 1,4 tỷ dân.
HOÁ GIẢI THÁCH THỨC, PHÁT HUY LỢI THẾ
Lý giải về những yếu tố khiến xuất khẩu rau quả đạt được tăng trưởng trên 30%, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng trái cây nước ta đang ngày càng khẳng định được vị thế trên trường quốc tế. Khí hậu nhiệt đới cùng đất đai màu mỡ cũng giúp Việt Nam có được nhiều loại rau quả khác nhau với hương vị tươi ngon đặc trưng. Canh tác cây ăn quả trồng tại Việt Nam ngày càng nâng cao nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đạt được nhiều tiêu chuẩn quốc tế như VietGAP, Global GAP… nên khẳng định được chất lượng, sự tươi ngon, đáp ứng được yêu cầu của thị trường, kể cả các thị trường khó tính.
"Để xuất khẩu đi các thị trường xa như Hoa Kỳ, EU đòi hỏi công nghệ bảo quản tốt. Trong khi đó, công nghệ bảo qua rau quả của nước ta còn yếu, hạ tầng chưa đồng bộ, đường xá chưa phát triển, kho bãi, kho lạnh… chưa có nhiều dẫn đến khó khăn cho vận chuyển và bảo quản sản phẩm".
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam.
Việt Nam cũng có lợi thế khi nằm sát với thị trường Trung Quốc - là thị trường tiêu thụ trái cây lớn nhất thế giới với nhu cầu hàng năm lên đến 20 tỷ USD. Vị trí địa lý gần gũi giúp chi phí logistics của rau quả Việt Nam ở mức thấp, thúc đẩy xuất khẩu rau quả sang thị trường này. Lợi thế kết nối đường bộ, biển và đường sắt với Trung Quốc giúp tiết kiệm chi phí, thời gian vận chuyển, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu trái cây.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là rau quả Việt Nam chỉ toàn cơ hội. Thách thức cũng xuất hiện do sự cạnh tranh gay gắt với rau quả của các nước có cùng điều kiện khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, đòi hỏi các doanh nghiệp luôn đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu để giữ vững thị phần.
Các rào cản kỹ thuật cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm. Do đó, việc duy trì, nâng cao chất lượng, tuân thủ nghiêm quy định về chất lượng, truy xuất nguồn gốc... đòi hỏi người sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu phải chú trọng hơn nữa.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam khuyến nghị các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu rau quả cần xây dựng vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện người dân liên kết sản xuất rau quả đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… Đồng thời, hỗ trợ các hợp tác xã chuyên canh rau quả về vốn, kỹ thuật, tạo điều kiện để các hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị.
Về phía nhà nước, Hiệp hội rau quả kiến nghị cần tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đường xá, kho bãi, cơ sở chế biến. Các cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kênh phân phối hiện đại, sàn thương mại điện tử; tạo điều kiện để phát triển thương hiệu, giúp tăng tốc xuất khẩu rau quả ra thế giới.
Theo vneconomy
Bài viết khác
Tại Hội thảo "Thúc đẩy tín dụng cho ngành nông sản chủ lực, đưa đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, bền vững", Chuyên gia Kinh tế, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, Tiến sĩ Cấn Văn Lực đã trình bày tổng quan về
Theo các chuyên gia, quan hệ Việt Nam-Mông Cổ đang ngày càng mở rộng và có tiềm năng phát triển lớn trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, nông nghiệp.
Chiều 14-11, UBND tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam và Chính phủ nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc đã tổ chức lễ ký kết bản ghi nhớ về cơ chế gặp gỡ, trao đổi định kỳ cùng xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh. Lễ ký kết được tổ chức