Vượt qua tâm lý e dè, hàng ''Made in Việt Nam'' sang đất Thái


Vượt qua tâm lý e dè, hàng ''Made in Việt Nam'' sang đất Thái

Doanh nghiệp Việt gặt hái những “quả ngọt” đầu tiên tại Triển lãm ASEAN- Ấn Độ tổ chức ở Bangkok...

Vượt qua tâm lý e dè, hàng ''Made in Việt Nam'' sang đất TháiVải thiều Việt Nam tại siêu thị Thái Lan.Hoàng Thu
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam tin tưởng rằng chất lượng của hàng Việt cùng với chiến lược kinh doanh bài bản sẽ giúp các sản phẩm “Made in Việt Nam” giành được niềm tin của thị trường Thái Lan, một trong những sân chơi mà doanh nghiệp Việt từng có tâm lý e dè khi tiếp cận.

Những ngày đầu tháng 8 tại Trung Tâm triển lãm Quốc gia Queen Sirikit, Bangkok, Thái Lan nơi diễn ra Diễn đàn và Triển lãm ASEAN- Ấn Độ, khu vực triển lãm của Việt Nam khá nhộn nhịp khách đến xem.

“Từ hai hôm nay, nhiều thương nhân ghé các gian hàng của Việt Nam, tỏ ra ngạc nhiên”, bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp chia sẻ.

Bước đi thăm dò, mở đường

“Sao tôi không biết cái này? Sao tôi không biết cái kia? Tôi xin lỗi bà, tôi không biết là tại bà không nói, người Việt không nói chứ không phải lỗi của tôi. Giờ tôi biết rồi thì tôi rất kinh ngạc”, bà Hạnh thuật lại ý kiến của các khách ghé thăm gian hàng. Chốc chốc, cuộc trò chuyện của bà với phóng viên lại bị ngắt quãng khi có thương nhân hay khách hỏi về sản phẩm đang trưng bày trong khu vực triển lãm của Việt Nam tại hội chợ.

Diễn ra từ ngày 2-5 tháng 8, Diễn đàn và Triển lãm ASEAN- Ấn Độ tổ chức bởi Bộ Thương mại Thái Lan thu hút hàng trăm doanh nghiệp từ các nước ASEAN và Ấn Độ đến tham gia triển lãm và tìm cơ hội hợp tác kinh doanh. Trong số ấy, có sự góp mặt của khoảng 20 doanh nghiệp Việt Nam.

Theo chia sẻ của bà Hạnh, doanh nghiệp Việt Nam có phần tự ti và hơi ngần ngại khi sang xúc tiến tại thị trường Thái Lan. “Nhiều người hỏi tôi rằng, hết đường đi rồi hay sao mà lại qua Thái nên không phải dễ mời doanh nghiệp sang đây. Mời tới mời lui, doanh nghiệp ghi tên rất đông nhưng sau khi cân nhắc thì nhiều người bỏ cuộc”, bà Hạnh cho biết.

Bản thân bà Hạnh, sau đó phải gặp những người đang ở cương vị Tổng giám đốc dẫn đầu nhóm hàng Việt Nam Chất lượng cao, thuyết phục họ là cần phải đi để coi tình hình ra sao và rồi tính tiếp. “Lần này, tôi nghĩ là một bước nhỏ, rất nhỏ để tiếp cận không chỉ thị trường Thái Lan mà cả các nước ASEAN”, bà Hạnh nói thêm.

Trong thời gian qua, quan hệ thương mại Việt Nam – Thái Lan nhìn chung vẫn đang trên đà phát triển. Thái Lan đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN với kim ngạch hai chiều năm 2016 đạt khoảng 12,5 tỷ USD, tăng 8,9% so với năm 2015 và đạt gần 7 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2017, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Tại Kỳ họp lần thứ 2 Ủy ban hỗn hợp về thương mại Việt Nam – Thái Lan tổ chức vào tháng 7/2015, hai nước đã đặt mục tiêu kim ngạch 20 tỷ USD năm 2020. Một điều dễ thấy là cán cân thương mại hai nước hiện đang nghiêng về phía Thái Lan với thâm hụt thương mại vào khoảng 5 tỷ USD. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan đạt 3,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2015. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu 8,8 tỷ USD từ thị trường Thái Lan, tăng 6,2% so với năm 2015.

Tìm cơ hội trên thị trường nhập siêu

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng dễ nhận thấy là tâm lý ưa chuộng hàng Thái nói chung của người Việt, việc thâu tóm hệ thống bán lẻ tại Việt Nam của các hãng khổng lồ đến từ Thái Lan và các chương trình xúc tiến thương mại đầu tư mạnh mẽ của Thái Lan, cùng với lộ trình giảm thuế chung khu vực ASEAN và nhiều mặt hàng nhập khẩu là đầu vào sản xuất của nước ta đã giúp các sản phẩm Thái Lan thâm nhập và giành thị phần tại thị trường Việt Nam.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, tình trạng nhập siêu từ Thái Lan hoàn toàn có thể cải thiện bằng việc đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng “Made in Vietnam” vào thị trường này. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã thâm nhập và dần khẳng định chỗ đứng của mình tại Thái Lan.

Điều thú vị ở đây là việc nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan đã được khách hàng bản địa đánh giá cao và ưa chuộng. Theo bà Vannaporn Ketudat, Phó giám đốc Cục Xúc tiến thương mại Thái Lan (DITP), ở Thái Lan có rất nhiều các nhà hàng Việt Nam và được người Thái đặc biệt ưa chuộng.

Các doanh nghiệp của Việt Nam cũng đầu tư vào các lĩnh vực như dịch vụ và hàng tiêu dùng. Sản phẩm của doanh nghiệp Việt được thị trường bản địa hoan nghênh.

Doanh nghiệp Việt “lội ngược dòng”

Một trong những doanh nghiệp Việt tham gia triển lãm đã gặt hái “quả ngọt” đầu tiên. Theo đại diện Công ty Cổ phần Thực phẩm Bích Chi, doanh nghiệp chuyên về sản xuất thực phẩm như bánh phồng tôm; bánh phở, bún, miến, hủ tiếu; bánh tráng; bột dinh dưỡng, đã có đối tác Ấn Độ đề nghị sẽ mua 4 container bánh phồng tôm của doanh nghiệp.

Đại diện của Bích Chi nhận định, chất lượng sản phẩm của Việt Nam thì không thua Thái Lan, nhưng hiện tại chưa giới thiệu ra bên ngoài nhiều nên hầu như cộng đồng quốc tế chưa biết. Thái Lan lại rất mạnh về khâu quảng cáo, chính vì vậy sản phẩm của họ được thị trường quốc tế biết đến nhiều.

“Qua chuyến đi, chúng tôi học hỏi được nhiều kinh nghiệm về cách tiếp cận khách hàng của người Thái. Sản phẩm bán tại Thái Lan cũng yêu cầu chứng nhận khá cao nên doanh nghiệp Việt nếu muốn xuất khẩu sang thị trường này cần phải đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường”, đại diện của Bích Chi nói.

Một rào cản khác là sản phẩm của Thái Lan sản xuất trong nước nên có lợi thế cạnh tranh về giá so với sản phẩm của Việt Nam xuất sang. Nếu doanh nghiệp Việt Nam có thể kiểm soát tốt hơn các khâu đầu vào thì có thể cạnh tranh về giá so với các sản phẩm của Thái Lan.

Tuy vậy, việc tiếp cận thị trường Thái Lan cũng có những thuận lợi và khó khăn riêng. Theo ông Cường Nguyễn – Giám đốc thương hiệu của Biti’s Hunter, phụ trách làm việc với đối tác và chịu trách nhiệm mở rộng thị trường của Biti’s ra nước ngoài, Công ty TNHH Bình Tiên, sự tương đồng giữa thị trường Việt Nam và Thái Lan và tương đồng về gu thẩm mỹ của người tiêu dùng hai nước là điểm thuận lợi.

“Ví dụ như với sản phẩm Biti’s Hunter, hiện đang được giới trẻ Việt Nam yêu thích, ở hội chợ lần này nhiều khách hàng đi ngang qua cũng bị ấn tượng với thiết kế, tính năng sản phẩm này và vào hỏi giá rất nhiều. Một thuận lợi nữa là nhiều đối tác cũng thấy được tiềm năng của Biti’s do chất lượng và thiết kế của sản phẩm gần như có thể so sánh được với những thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài nhưng lại có giá cả phải chăng, hợp lý. “Nhiều đối tác ngỏ ý muốn thúc đẩy hợp tác với Biti’s trong tương lai”, ông Cường chia sẻ.

Thế nhưng, khó khăn lớn nhất là tại Thái Lan, các sản phẩm không có thương hiệu, sản phẩm nhái và giả rất nhiều nên bài toán đặt ra là làm sao để cạnh tranh với những sản phẩm đó và làm thế nào để người tiêu dùng Thái Lan biết đến Biti’s là một sản phẩm có chất lượng và đã có tiếng lâu đời tại Việt Nam.

“Chúng tôi đang tìm cách để truyền thông, truyền bá cho sản phẩm. Chúng tôi có các hướng như để tự doanh nghiệp mình nói ra hoặc thông qua những nhà phân phối bán lẻ lớn như Big C – những người sẽ bảo chứng cho chất lượng sản phẩm của mình hay sử dụng đại sứ thương hiệu”, ông Cường nhấn mạnh và cho biết thêm, trong giấc mơ vươn mình ra thế giới, Biti’s muốn đi từ thị trường láng giềng, trong khu vực trước rồi tiếp tục vươn rộng ra các thị trường khác.

Thế mạnh của Biti’s là chất lượng sản phẩm và đây cũng là thông điệp mà Biti’s muốn truyền bá ra thị trường Thái Lan mạnh nhất. Mục tiêu và kỳ vọng của Biti’s là làm sao để chất lượng sản phẩm có thể tiệm cận và so sánh với những thương hiệu nước ngoài như Adias hay Nike.

“Chất lượng đó nếu đi kèm với mức giá phải chăng thì tôi tin tưởng có thể giành được niềm tin của người tiêu dùng”, ông Cường tin tưởng.

Hiện nay hệ thống phân phối là cái khó nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam, theo ông Francesco Trần Văn Liêng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ca Cao Việt Nam (Vinacacao). Đặc biệt, với những sản phẩm có thương hiệu thì phải lựa chọn những kênh phân phối hiện đại như siêu thị.

Mục tiêu của Vinacacao trong chuyến đi lần này là để tiếp cận với hệ thống siêu thị của Thái Lan, nhất là khi các đại gia bán lẻ của nước này đã bắt đầu xâm chiếm thị trường siêu thị của Việt Nam thông qua việc mua lại hệ thống Metro và Big C.

Theo đánh giá của Tổng giám đốc Vinacacao, Thái Lan là một thị trường khá tiềm năng bởi có tới 35 triệu khách du lịch hàng năm, trong khi không có hãng ca cao và sô cô la nào thực sự nổi bật ở Thái. Để xâm nhập vào thị trường Thái Lan, Vinacacao sẽ đi theo chiến lược co-branding.

Ví dụ Vinacacao có sức mạnh về sản xuất sẽ liên kết với đơn vị có sức mạnh về phân phối để làm một sản phẩm chung và làm một thương hiệu mới rồi phân phối tại thị trường. Chiến thuật thứ hai có thể áp dụng là mua để bán – nghĩa là mua sản phẩm nguyên liệu có thế mạnh của thị trường địa phương và bán lại thành phẩm cho thị trường đó.
http://vneconomy.vn/tai-chinh/vuot-qua-tam-ly-e-de-hang-made-in-viet-nam-sang-dat-thai-20170808085348287.htm

Bài viết khác