“Vua chuối” Võ Quan Huy: Lão nông quyết “chi mạnh” để trồng chuối xuất ngoại
“Vua chuối” Võ Quan Huy: Lão nông quyết “chi mạnh” để trồng chuối xuất ngoại
22/02/2017 3:19 Chiều
(DĐDN) – Trăn trở với việc đưa thương hiệu chuối “Made in Việt Nam” ra thế giới, lão nông Võ Quan Huy đã mạnh dạn “chi mạnh” gần 2 triệu USD (hơn 40 tỷ đồng) để trồng 140 ha chuối theo “quy trình sạch” chuẩn quốc tế.
Lão nông Võ Quan Huy (61 tuổi ngụ tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) nổi tiếng khắp cả nước không phải bởi danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” mà là bởi niềm khao khát, đam mê làm giàu từ chuối khó ai sánh bằng.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất nghèo Long An, gia đình cũng nhiều đời gắn bó với nghề nông nên từ nhỏ “Vua chuối” Võ Quan Huy đã khao khát làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Nhớ lại kỷ niệm thời thơ ấu, ông kể, cha mất năm 1957 trong chiến khu vì bệnh, mẹ ông thủ tiết thờ chồng nuôi con. “Năm 14 tuổi, nửa buổi tôi đi học, thời gian còn lại ôm vô lăng chiếc máy cày hiệu Massey Ferguson đời 69 đi cày thuê kiếm tiền phụ mẹ”. Đầu những năm 1990, khi Đông Âu sụp đổ, các nông trường quốc doanh hợp tác trồng cao su bị bỏ hoang. Ông nhận 70 ha đất ở Bời Lời (Tây Ninh), khai hoang phục hoá trồng mía. Đất vùng này thiếu nước, vụ đầu tiên hệ thống tưới không đảm bảo nên ông lại thua lỗ, phải 3 năm sau mới trả hết nợ.
Khi cả 2 vùng Tân Uyên và Bời Lời cây mía ổn định, mỗi năm sinh lợi trên 500 triệu đồng (thời điểm trước 1995), ông được mọi người gọi là “Huy mía”. Dành dụm được số vốn tương đối lớn, ông về “rốn phèn” Đồng Tháp Mười (Long An) khai hoang 240 ha đất trồng mía. Không may, ông trồng cây nào chết cây đó, vốn liếng trôi sạch bởi phèn quá nặng, không cây gì sống nổi.
Thấy trồng mía thoi thóp, ông Út Huy quyết định bỏ cây mía và tái thiết cây trồng trên đất phèn. Và trước khi “tái thiết”, ông khăn gói tới Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam để học hỏi kinh nghiệm. Sau thời gian thọ giáo các chuyên gia nông nghiệp hàng đầu như GS Võ Tòng Xuân, TS Nguyễn Minh Châu…, ông Út Huy quyết định đưa dưa hấu và ớt vào Đồng Tháp Mười “chiến đấu” với đất phèn.
Và kết quả thành công ngoài mong đợi, với năng suất bình quân 25 – 30 tấn một ha, mỗi năm ông Út Huy cung cấp cho thị trường… vài trăm tấn ớt. Đến 2007, ông quyết định chuyển sang cây khác như bưởi da xanh, xoài, mít và cây thanh long toàn bộ diện tích đã bắt đầu cho trái, kết quả rất khả quan.
Trước khi đến với nghề trồng chuối, ông cũng đã trải qua nhiều nghề nông như nuôi tôm, nuôi bò, nuôi heo… Ngoài ra, ông cũng thử nghiệm trồng nhiều loại trái cây trên vùng đất phèn của quê hương mình.
Trước đó, song song với trồng ớt và dưa hấu, khoảng năm 2000, ông Út Huy đưa mấy chiếc xe múc xuống xã Liêu Tú (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) đào ao thuê. Vừa làm công vừa học nghề, đến năm 2001, ông đầu tư nuôi 17 ao tôm, nhưng lại thất bại ê chề. “Năm đầu tiên tôi đi đứt mấy tỷ bạc. Hiểu ra là không thể nóng vội với con tôm, tôi dẹp mấy ao tôm qua một bên rồi lang thang khắp đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục tầm sư học đạo. Cũng may là thời điểm này 240 ha ớt ở Long An, 70 ha cao su ở Bình Dương và 80 ha sắn ở Tây Ninh… đều thu lãi nên tôi không phải lăn tăn chuyện vốn liếng”, ông nói.
Sau hơn một năm trang bị thêm kiến thức nuôi tôm theo công nghệ sinh học, ông quay lại Sóc Trăng và đầu tư lớn để nuôi tôm trên diện tích 100ha. Lần này thì ông đã thành công. Sau đó ông sang Bạc Liêu gom tiếp 60 ha để mở rộng diện tích. Tới nay, diện tích nuôi tôm của ông ở 2 tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng gần 200 ha.
Trong khi nhiều “đại gia” nhập bò Australia về Việt Nam, nhiều người khác đốn cây cà phê thì ông Út Huy lại “đùng một cái” mua ngay 300ha đất ở Lâm Đồng. Ông nói: “Cái nào người ta ồ ạt làm thì tôi sẽ bỏ, còn cái họ bỏ thì tôi sẽ làm”, ông nói.
Tổng diện tích đất ông sở hữu giờ đây trải dài suốt từ Long An, Tiền Giang xuống đến Sóc Trăng, rồi cả ở Đông Nam Bộ như Bình Dương, Tây Ninh với gần 1.000ha.
Không dừng lại ở đó, là người nhạy bén nắm bắt thị trường, ông Huy nhận thấy, khi Việt Nam hội nhập TPP, những quốc gia tiêu thụ chuối lớn như: Nhật Bản, Hàn Quốc… có nhu cầu nguồn hàng rất lớn. Bên cạnh đó, theo đề án quy hoạch phát triển đến năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chuối là cây chủ lực ở nhiều địa phương. Bộ Công Thương cũng xem chuối là mặt hàng xuất khẩu quan trọng do có nhiều lợi thế. Từ đó, ông Huy đã bàn bạc với gia đình và quyết định trồng thêm cây chuối. Thành công từ trang trại hơn 40 héc-ta ở Long An, ông Huy tiếp tục đầu tư hơn 70 héc-ta trồng chuối tại huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh để xuất khẩu.
“Sau nhiều năm nghiên cứu, thử nghiệm, tôi thấy vùng đất quê mình có thể trồng được nhiều loại chuối với chất lượng tốt nên tôi mạnh dạn đầu tư. Thường những người nông dân ở quê tôi chỉ trồng chuối theo quy mô nhỏ nên hiệu quả chưa cao. Ước mơ làm giàu từ chuối với quy mô lớn và theo tiêu chuẩn quốc tế đã thôi thúc tôi khiến tôi không thể cưỡng lại. Khi quyết định đầu tư tôi chỉ mong sao một ngày nào đó thương hiệu chuối “Made in Viet Nam” sẽ được nhiều bạn bè quốc tế biết đến. Đồng thời, đây cũng là cơ hội cho nông dân quê mình có cơ hội cải thiện đời sống”, ông Huy kể về ước mơ của mình.
Để thực hiện ước mơ đó, ông Huy đã bỏ nhiều năm trời đi khắp nơi học hỏi kinh nghiệm. Ông cũng thuê nhiều chuyên gia nước ngoài về tư vấn tại vườn chuối của mình để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, cái khó của ông “vua chuối” đó là vùng đất quê hương là vùng đất chết bởi nhiễm phèn nặng và không thể trồng được cây gì ngoài đước và tràm. Từ đó, ông quyết đầu tư vốn để cải tạo đất phèn đồng thời chăm chỉ học hỏi từ các chuyên gia nước ngoài, tuân thủ nghiêm khắc “phác đồ” xử lý thuốc bảo vệ thực vật.
Ông Huy tâm sự: “Gắn bó với nông nghiệp trên 40 năm mới thấm thía nỗi vất vả của người dân địa phương bởi đất đai ở đây bạc màu, nhiễm phèn và mặn. Để có được cơ ngơi như ngày nay, tôi và gia đình phải đánh đổi bằng những giọt mồ hôi chát đắng, thậm chí nước mắt bởi không thể đếm xuể số lần thất bại”.
Năm 2014, sau khi xây dựng trang trại bò Úc hơn 1.000 con ở xã Hiệp Hòa, ông Huy dùng phân bò cải tạo đất phèn và bắt đầu trồng thử nghiệm chuối.
Thành công từ trang trại hơn 40 ha ở Long An, ông Huy tiếp tục đầu tư hơn 70 ha trồng chuối tại huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh để xuất khẩu. Vừa trồng thử nghiệm, ông vừa đi các nước tìm hiểu thị trường.
Chỉ trong thời gian ngắn, thương hiệu chuối Fohla (Viết tắt của Fruit of Huy Long An – trái cây của Huy Long An) của ông Huy đã xâm nhập nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…
Sau gần 10 năm tâm huyết, đến nay, vườn chuối của ông Huy đã cho thu hoạch khoảng 500 tấn/năm với lợi nhuận hàng chục tỉ đồng. Với vườn chuối của mình, ông còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm công nhân tại địa phương và trao đổi kinh nghiệm cho nhiều gia đình muốn làm giàu từ chuối.
Ông Huy đang quản lý hơn 1.000 ha đất nông nghiệp ở nhiều địa phương. Trong đó, gần 1.000 ha là đất chuyên canh tôm, nuôi vỗ béo bò Úc, trồng trà, cao su, bưởi da xanh. Ông dành 110 ha trồng chuối ở Long An và Tây Ninh. Cũng chính từ đây, ông được gán cho nhiều biệt danh khác: “Huy mía”, “Huy ớt”, “Huy Tôm”… và giờ đây là “Huy Bò”, “Huy chuối”.
Trại chuối 70 ha tại xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng và trại ở xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An đều trồng theo quy trình sạch. Tổng mức đầu tư cho cả 2 trại chuối này khoảng 50 tỉ đồng. Để đáp ứng yêu cầu của các nước, ông Huy xây dựng hệ thống sản xuất khép kín từ giống, chăm sóc cho đến đóng gói đưa vào kho lạnh tại trang trại. Hàng ngàn nhân công chăm sóc chuối theo quy trình hoàn toàn hữu cơ.
Ông Huy cho rằng thị trường nước ngoài rất nghiêm khắc với tiêu chí “đẹp – sạch” trong khi hầu hết nông dân Việt Nam lại không xem đây là mục tiêu. Vì thế, nông sản Việt khó được thị trường các nước tiếp nhận.
“Trồng từ cuối năm 2014, đăng ký thương hiệu Fohla từ giữa năm 2015, đến nay, chúng tôi đã xuất khẩu được 500 tấn và triển vọng là khá tốt. Tôi đang thương lượng với các nhà nhập khẩu Nhật Bản, Malaysia để tăng lượng xuất. Về chất lượng, tôi tự hào với dòng chữ “Made in Vietnam” dán trên từng nải chuối vì sản phẩm của mình đủ sức cạnh tranh với Philippines” – ông Huy bày tỏ.
Ông Huy cho biết sắp tới, ông sẽ mở rộng thị trường để chuối Fohla vào Mỹ, Nga… “Tôi đặt mục tiêu đến năm 2017 sẽ xuất khẩu ổn định 10.000 tấn/năm và đang nỗ lực hết sức để đạt mục tiêu này” – ông Huy nhấn mạnh.
Nha Trang
http://enternews.vn/vua-chuoi-vo-quan-huy-lao-nong-chi-manh-de-trong-chuoi-xuat-ngoai.html
Bài viết khác
Ngày 28/8, Công ty Cổ phần Banana Brothers Farm (huyện M’Drắk) đã tổ chức Lễ xuất khẩu chính ngạch lô sản phẩm chuối đầu tiên sang thị trường Mông Cổ.
Từ ngày 25 – 29/7/2024, tại Trung tâm hội nghị triển lãm quốc tế Lào, thủ đô Viêng Chăn, Lào đã diễn ra Hội chợ thương mại Việt - Lào 2024 (VIETLAO EXPO). Đây là hoạt động xúc tiến thương mại có quy mô lớn nhất do Bộ Công Thương hai nước Việt Nam
Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt 2024 đang chính thức mở cổng đăng ký, hứa hẹn là bệ phóng hoàn hảo để khẳng định vị thế và gia tăng giá trị thương hiệu của bạn!