|
Từ ngày 31-7, 100% thịt heo tại 2 chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền bắt buộc phải truy xuất được nguồn gốc. Trong ảnh: Gắn tem truy xuất nguồn gốc lên khay thịt heo tại một siêu thị ở TPHCM. Ảnh: Vũ Yến |
(TBKTSG Online) – Hôm 1-7, TPHCM công bố triển khai kế hoạch quản lý và truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm, trứng gia cầm, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết tại buổi sơ kết 6 tháng thực hiện Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo và triển khai kế hoạch quản lý và truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm, trứng gia cầm.
Theo đó, quy trình đề án quản lý và truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm, trứng gia cầm ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng công nghệ mã QR code, vòng niêm phong, điện toán đám mây, tem truy xuất và hệ thống phần mềm quản lý… để nhận diện, truy xuất nguồn gốc, quản lý tất cả thông tin, dữ liệu liên quan đến sản phẩm thịt gia cầm, trứng gia cầm.
Giải pháp này cho phép người tiêu dùng trực tiếp kiểm tra, thu thập đầy đủ thông tin về loại thịt gia cầm, trứng gia cầm đã mua, truy ngược dòng từ thành phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn, đường đi của gia cầm, của quả trứng.
Đến nay Sở Công Thương TPHCM đã nhận được hồ sơ đăng ký tham gia đề án của các đơn vị Bel gà, CP, Emivest, CJ, San Hà, 3F Việt, Phạm Tôn, An Long, JapFa, Long Bình, Sagri, Bình Minh, Vĩnh Thành Đạt, Adeco, Ba Huân… với 27 trang trại gà giống, 339 trang trại gà lấy thịt, 53 trang trại gà lấy trứng, 13 cơ sở giết mổ, đóng gói thịt gia cầm (sản lượng hơn 2,6 triệu quả/ngày). Tính đến nay đã có gần 1.800 điểm bán thịt gia cầm, trứng gia cầm đã đăng ký tham gia truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Theo ông Hòa, đến ngày 1-9 tới đây TPHCM sẽ chính thức kiểm soát nguồn thịt gia cầm, trứng gia cầm cung ứng cho thị trường thành phố. Sản phẩm thịt gia cầm, trứng gia cầm sẽ phải truy xuất được nguồn gốc theo quy định của đề án.
Cũng trong buổi sáng nay, Sở Công Thương TPHCM thực hiện sơ kết 6 tháng thực hiện Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo.
Ông Hòa cho biết, qua thời gian triển khai thử nghiệm, các cơ quan, đơn vị, đối tượng đã làm quen với đề án (từ cuối tháng 12-2016 đến nay) nên từ ngày 31-7 tới, TPHCM sẽ chính thức kiểm soát nguồn heo và thịt heo cung ứng cho thị trường TPHCM. Vì vậy, 100% thịt heo vào 2 chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền bắt buộc phải truy xuất được nguồn gốc.
Như vậy, cùng với lượng heo bán tại kênh bán lẻ hiện đại đã được kiểm soát tốt, việc quản lý truy xuất nguồn gốc bắt buộc tại kênh bán lẻ truyền thống thông qua 2 chợ đầu mối, 100% thịt heo bán tại thị trường TPHCM từ thời điểm này sẽ được kiểm soát, truy xuất nguồn gốc.
Hiện đã có 1.280 cơ sở chăn nuôi ở TPHCM và các tỉnh Đông – Tây Nam Bộ, 25 cơ sở giết mổ cùng 227 gia hàng của thương nhân tại 2 chợ đầu mối ở TPHCM đăng ký tham gia chương trình.
Ở khâu phân phối, 786 cơ sở kinh doanh thuộc hệ thống phân phối hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh thực phẩm…) đăng ký tham gia đề án. Ngoài ra, còn có 146 gian hàng kinh doanh thịt heo Vissan tại 23 chợ, 52 cơ sở kinh doanh của các hệ thống bán lẻ Co.opmart, Co.op Food, Satra Fod, Aeon Citimart, Aeon Mall VN, Auchan, Vissan.. cũng đang bán thịt heo truy xuất được nguồn gốc.
Tại buổi sơ kết, đại diện các Sở Nông nghiệp phát triển và nông thôn các tỉnh như Bình Phước, Long An cũng nêu ra những hiệu quả của đề án như góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, thay đổi thói quen chăn nuôi…
Tuy nhiên, họ cho rằng, thực tế việc thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn như giá heo đang thấp, chi phí mua vòng nhận diện 6.000 đồng cho một con heo khiến người chăn nuôi e ngại, nhiều nơi chưa áp dụng được công nghệ thông tin, thiếu máy quét mã cung cấp cho cơ quan thú y các tỉnh…
Để phần nào giải quyết khó khăn này, theo ông Hòa, từ nay đến tháng 9, TPHCM sẽ tiếp tục hỗ trợ 50% chi phí mua vòng nhận diện cho người chăn nuôi, 50% chi phí mua tem truy xuất cho người bán thịt heo tại các chợ lẻ, lắp đặt 131 thiết bị chuyên dùng đọc mã cho cơ quan thú ý…
http://www.thesaigontimes.vn/162056/TPHCM-truy-xuat-nguon-goc-thit-trung-gia-cam.html
|