Tổng Bí thư Tô Lâm gợi mở 3 trụ cột để Gia Lai phát triển sâu sắc, toàn diện


Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Tấn Lực
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Tấn Lực

 

(PLVN) - Tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh Gia Lai ngày 6/1, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, Gia Lai cần bám sát vào các Nghị quyết của Trung ương, các quy hoạch và chiến lược đã được duyệt, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, đổi mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế Gia Lai một cách sâu sắc, toàn diện dựa trên 3 trụ cột chính: Nông nghiệp, công nghiệp và du lịch.

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm ghi nhận và biểu dương những kết quả tỉnh Gia Lai đạt được trong thời gian qua. Để Gia Lai trở thành tỉnh khá của khu vực Duyên hải Miền Trung-Tây Nguyên, trù phú về nông nghiệp hữu cơ, đa dạng về sinh thái, phong phú, đặc sắc về vốn văn hóa, bền vững về mặt xã hội và môi trường, đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý một số giải pháp trọng tâm. Trong đó, Gia Lai cần rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, tháo gỡ những ách tắc và điểm nghẽn phát triển, phấn đấu thực hiện ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên tại buổi làm việc. Ảnh: Tấn Lực

Tổng Bí thư Tô Lâm và Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên tại buổi làm việc. Ảnh: Tấn Lực

Đặc biệt, Gia Lai cần bám sát vào các Nghị quyết của Trung ương, các quy hoạch và chiến lược đã được duyệt, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, đổi mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế Gia Lai một cách sâu sắc, toàn diện dựa trên 3 trụ cột chính: Phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; phát triển một số ngành công nghiệp có chọn lọc dựa trên nền tảng lợi thế so sánh vượt trội của địa phương như công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, vật liệu xây dựng; phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế xanh, ngành kinh tế mũi nhọn, bền vững có chất lượng và khác biệt, mang bản sắc của Tây Nguyên, đưa Gia Lai thành điểm đến hấp dẫn, đóng góp vào thương hiệu du lịch Việt Nam.

Lãnh đạo các bộ, ngành trao đổi tại buổi làm việc. Ảnh: Tấn Lực

Lãnh đạo các bộ, ngành trao đổi tại buổi làm việc. Ảnh: Tấn Lực

Để triển khai hiệu quả 3 trụ cột nêu trên, theo Tổng Bí thư Tô Lâm, tỉnh Gia Lai cần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thuận lợi, chi phí thấp; đẩy mạnh phát triển kinh tế số và đổi mới sáng tạo, cải thiện hạ tầng giao thông kết nối đô thị, vùng động lực, vùng nguyên liệu, các trung tâm kinh tế, hạ tầng thủy lợi, hạ tầng các ngành công nghiệp, dịch vụ và phát triển du lịch. Thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao đóng góp khu vực kinh tế này vào GRDP của tỉnh.

Đồng thời chú trọng nâng cao hiệu quả các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã. Chú trọng đầu tư phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, cải thiện an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm cho người dân. Đồng thời Tổng Bí thư đề nghị các bộ, ban, ngành xem xét nghiên cứu giải quyết cụ thể các kiến nghị của tỉnh, hỗ trợ tối đa cho Gia Lai phát triển nhanh, hiệu quả trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang trao đổi tại buổi làm việc. Ảnh: Tấn Lực.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang trao đổi tại buổi làm việc. Ảnh: Tấn Lực.

Trước đó, tại buổi làm việc, báo cáo với Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên cho biết: Dự ước trong nhiệm kỳ 2020-2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh Gia Lai tăng bình quân 6,21%/năm. Quy mô kinh tế gấp 1,9 lần so với đầu nhiệm kỳ. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, dự ước đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người đạt 75,69 triệu đồng; tỷ lệ số hộ dân được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 98%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 47,75%. Bình quân hàng năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 3,11%, thu ngân sách tăng 7,03%; kim ngạch xuất khẩu tăng 7,94%; rừng trồng mới đạt 40.000 ha, đạt Nghị quyết đề ra.

Đáng chú ý, năm 2024, tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh (theo giá so sánh 2010) đạt 3,28%, GRDP bình quân đầu người đạt 68,02 triệu đồng (tăng 7,45 triệu đồng so với năm 2023).

Theo Bao Phap luat

Bài viết khác