Phát triển thị trường nông sản cần câu chuyện quảng bá


Phát triển thị trường nông sản cần câu chuyện quảng bá
 

TTO - Phát triển thị trường nông sản Việt Nam cần có các câu chuyện quảng bá để kể ngoài chuyện “được mùa mất giá” hay "giải cứu nông sản" đang rộ lên trong thời gian qua.

Phát triển thị trường nông sản cần câu chuyện quảng bá
Các doanh nghiệp tư nhân bàn nhiều giải pháp để tháo gỡ ngành nông nghiệp - Ảnh: NA

Nhiều chuyên gia đã đưa ra nhận định như trên tại Hội thảo phát triển nông nghiệp do Diễn đàn kinh tế tư nhân (VPSF) tổ chức ngày 20-7 tại Hà Nội.

Thị trường tiêu thụ là yếu tố quan trọng, nhưng theo ông Nguyễn Hoàng Anh - tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung, nếu muốn làm thị trường cho nông nghiệp thì trước tiên phải có "câu chuyện" để kể với thị trường. 

Các "câu chuyện" đó là việc canh tác như thế nào, chế biến ra sao, bố trí từng vùng với các sản phẩm nào là chủ đạo, đảm bảo an toàn với các cơ chế nào...

“Tuy nhiên, rất khó để có "câu chuyện" rõ ràng với tình trạng cơ cấu cây trồng, vật nuôi lộn xộn, chuyển đổi lúng túng, nhỏ lẻ, manh mún, chưa tập trung vào sản phẩm chủ lực, có thế mạnh, dẫn đến nhiều hệ lụy về chất lượng nông sản cũng như việc tiêu thụ sản phẩm đầu ra trong thời gian qua”, ông Hoàng Anh nói.

 

Theo ông Hoàng Anh, hiện việc xây dựng các chính sách để phát triển thị trường nông nghiệp còn rất ít được quan tâm hoặc chưa đúng hướng, chưa hiệu quả.

Chẳng hạn như xuất khẩu sản phẩm nông sản phải phụ thuộc vào 3 bộ, mỗi bộ quyết định một khâu trong khi cơ chế liên kết còn yếu.

Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn lo khâu sản xuất, Bộ Công thương lo xúc tiến thương mại, còn Bộ Tài chính thì quản lý giá.

Còn tiêu thụ nội địa, dù có cơ quan khuyến nông nhưng chỉ thúc đẩy sản xuất mà không có tư duy làm thị trường.

Ông Hoàng Anh chỉ thêm là không chỉ nông nghiệp mà nhiều lĩnh vực sản xuất vẫn chưa lấy thị trường làm thước đo và mục tiêu để phát triển sản phẩm.

Doanh nghiệp thường sản xuất và tìm cách tiêu thụ những gì tiện có, dễ có... mà không tập trung tạo ra các sản phẩm thị trường có nhu cầu.

Ông Trần Mạnh Báo, chủ tịch nhóm công tác nông nghiệp VPSF đồng thời là chủ tịch HĐQT Thaibinh Seed, cho rằng mặc dù nông nghiệp đã được tổ chức sản xuất quy mô lớn, nhiều doanh nghiệp đầu tư, nhưng vấn đề đầu ra vẫn là câu chuyện ''được mùa mất giá'', ''giải cứu nông sản'', ''mất vệ sinh an toàn thực phẩm", "không đáp ứng chuỗi giá trị"...

Đầu tư vào nông nghiệp vẫn còn khiêm tốn khi chỉ chiếm 1% số lượng, 3% tổng vốn đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp.

Các cơ chế chính sách còn nhiều rào cản, nhất là chuyện chính sách hạn điền không cho phép các doanh nghiệp tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn. 

Các chuyên gia cho rằng cần có chính sách cụ thể để tổ chức lại hệ thống sản xuất nông nghiệp lấy doanh nghiệp làm trọng tâm.

Hay các chính sách quan trọng như xóa bỏ hạn điền tạo cơ chế tích tụ đất đai linh hoạt cũng như hỗ trợ vốn vay, thông tin thị trường...

MINH NGỌC

Bài viết khác