Nông sản xuất khẩu đối diện với nhiều rào cản kỹ thuật


Nông sản xuất khẩu đối diện với nhiều rào cản kỹ thuật

Ngọc Hùng
Thứ Năm,  2/11/2017, 19:23 (GMT+7)

Nông dân Đồng Tháp đang thu gom bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: TL.

(TBKTSG Online) - Tính đến tháng 10, Bộ NN&PTNT nhận được 45 thông báo, trong đó có 35 thông báo liên quan đến việc các nước điều chỉnh những tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cho phép trong nông sản. Nghĩa là, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sẽ đối diện ngày càng nhiều với những rào cản kỹ thuật từ các thị trường.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo "Nâng cao năng lực xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam" do Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với tổ chức CropLife Việt Nam tổ chức ngày 2-11 tại TPHCM.

Hội thảo lần này, tập trung vào việc cung cấp những thông tin cho doanh nghiệp về tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tối đa cho phép trên nông sản (MRL) và đưa ra những gợi ý trong việc xây dựng, quản lý tiêu chuẩn này trong thương mại quốc tế.

Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật, xuất khẩu nông sản có đóng góp quan trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, xét về tỷ trọng thì xuất khẩu nông sản liên tục giảm, từ 13% năm 2012 xuống còn gần 8,6% năm 2016. Một trong các nguyên nhân được chỉ ra đó là do hàng nông sản Việt Nam không đạt các tiêu chuẩn về MRL do các nước nhập khẩu đưa ra.

Có thể, trong thời gian tới, ngành hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam sẽ tiếp tục đối diện khó khăn bởi các hàng rào kỹ thuật được đưa ra từ các nước nhập khẩu. Để củng cố cho nhận định này, tại hội thảo, Bộ NN&PTNT cho biết, tính đến tháng 10-2017, cơ quan chức năng của bộ nhận được 45 thông báo từ các nước, trong đó có đến 35 thông báo liên quan đến việc các nước sẽ điều chỉnh dư lượng trong thuốc bảo vệ thực vật trên các loại nông sản.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, lâu nay việc đàm phán với các nước để mở cửa cho các loại trái cây rất lâu vì phải thống nhất những tiêu chí liên quan đến kiểm dịch, dư lượng các chất có trong thuốc bảo vệ thực vật. Vì thế, để được các nước đồng ý cho một loại trái cây nào đó của Việt Nam xuất sang nước họ, nhanh thì 2 năm, còn chậm phải cần đến 8 năm (như trái thanh long xuất sang Úc).

EU: Tranh cãi về chất glyphosate gây ung thư trong thuốc diệt cỏ

Hồi tháng 3-2015, Cơ quan Nghiên cứu quốc tế về ung thư (IARC), đã đưa ra một báo cáo đánh giá về glyphosate (dùng làm thuốc diệt cỏ) và xếp hoạt chất này vào nhóm 2A gồm các chất có thể gây ung thư ở người.

Theo IARC, căn cứ để đưa ra kết luận xếp loại hoạt chất này vào nhóm 2A dựa trên quan điểm của các chuyên gia là có những “bằng chứng hữu hiệu” cho thấy glyphosate có thể gây ung thư trên động vật và “bằng chứng hạn chế” cho thấy chất này có thể gây ung thư ở người.

Tuy nhiên, một điều tra mới đây, hãng tin Reuters đã phát hiện một phần nội dung chính trong bản dự thảo đánh giá về glyphosate của IARC đã được chỉnh sửa và xóa bỏ đáng kể trước khi hoàn thiện và công bố.

Một điểm đáng chú ý nữa trong những thay đổi về mặt nội dung giữa bản dự thảo với bản được công bố đó là việc loại bỏ kết luận của nhiều nhà khoa học khẳng định rằng các nghiên cứu của họ không cho thấy mối liên hệ giữa glyphosate và ung thư trên động vật thí nghiệm.

Hiện EU không gia hạn giấy phép lưu hành đối với các sản phẩm chứa glyphosate vào cuối năm nay cũng đồng nghĩa với việc lệnh cấm của liên minh khu vực sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2018. Trước viễn cảnh này, thời gian qua, nông dân Pháp, Đức đã “biểu tình” kêu gọi chính phủ các nước châu Âu gia hạn giấy phép cho thuốc trừ cỏ glyphosate được bán ra thị trường.

 

http://www.thesaigontimes.vn/166249/Nong-san-xuat-khau-doi-dien-voi-nhieu-rao-can-ky-thuat.html

Bài viết khác