LTS: Số liệu thống kê trong giai đoạn 2007-2015 cho thấy tỷ lệ giá trị tăng thêm so với giá trị sản xuất của nhóm ngành nông nghiệp sụt giảm (từ 68% năm 2007 xuống 63% năm 2015). Mức giảm này tuy không lớn bằng ngành công nghiệp nhưng cũng cần xem xét, đánh giá, nhất là khi tình trạng “gia công” của nền kinh tế đang được mổ xẻ tính hiệu quả và nông nghiệp đã bắt đầu bước chân vào lãnh địa gia công. TBKTSG trao đổi với TS. Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ Trưởng Bộ Thủy sản, thành viên Liên minh Nông nghiệp Việt Nam về vấn đề này.
TBKTSG: Với tư cách là người có kinh nghiệm về quản lý nhà nước lẫn thị trường trong ngành nông nghiệp, quan sát của bà về hiện tượng làm gia công/xuất khẩu trong ngành nông nghiệp, nhất là thủy hải sản, hiện nay như thế nào? Tỷ lệ giá trị gia tăng (GTGT) nói chung của ngành đang ra sao?
|
TS. Nguyễn Thị Hồng Minh. |
- TS. Nguyễn Thị Hồng Minh: Không có con số thống kê cụ thể nhưng trong nông nghiệp nói chung, tỷ lệ gia công không đáng kể, trừ thủy sản. Theo số liệu của Bộ Công Thương, nhập khẩu thủy sản năm 2016 khoảng 1,1 tỉ đô la Mỹ, trong đó tôm chiếm trên 50%. Tuy giá trị nhập khẩu lớn nhưng chủ yếu là do doanh nghiệp mua đứt bán đoạn, nhập để phục vụ sản xuất, xuất khẩu trong điều kiện trong nước thiếu hụt nguyên liệu do mùa vụ và dịch bệnh. Gia công thì khác, doanh nghiệp không mua nguyên liệu mà chỉ nhập nguyên liệu về chế biến rồi tái xuất lại cho chủ hàng. So với các ngành hàng nông nghiệp, thủy sản là ngành có giá trị gia công lớn hơn nhưng tỷ trọng chưa tới 10%.
Có dịp đi khảo sát nhiều chuỗi nông sản, từ gạo, cà phê, hạt điều, mật ong, trái cây, nước ép trái cây, thủy sản... tôi nhận thấy hầu hết sản phẩm xuất khẩu đều đóng gói bao lớn từ 5 ki lô gam đến vài chục ki lô gam, vài chục đến cả trăm lít. Xuất khẩu dạng bao lớn là chỉ dấu cho thấy xuất khẩu dạng nguyên liệu, hàm lượng giá trị cộng thêm thấp.
Khái niệm “sản phẩm GTGT” chỉ cho sản phẩm có hàm lượng giá trị cộng thêm so với giá trị nguyên thủy ban đầu. Giá trị cộng thêm có thể do kỹ thuật, công nghệ làm tăng chất lượng, tăng độ tiện dụng, độ đẹp, độ độc đáo, có thể do phương cách bán hàng và do giá trị thương hiệu... Bỉ và Thụy Sỹ là hai nước không trồng được cây ca cao nhưng chocolate của hai nước này rất nổi tiếng do nguyên liệu ca cao nhập khẩu được gia tăng giá trị bằng công nghệ và thương hiệu.
Có thể nói tỷ trọng sản phẩm GTGT trong nông nghiệp Việt Nam nói chung không đáng kể. Riêng thủy sản, do công nghiệp chế biến phát triển nên có khả năng sản xuất sản phẩm chế biến sâu, đóng gói nhỏ (ready to eat, ready to cook). Dù vậy, hầu hết thủy sản chế biến sâu là theo hướng dẫn và mẫu bao bì và mang thương hiệu của nhà bán lẻ nước ngoài. Vì không có số liệu thống kê cụ thể, nên tạm ước tỷ trọng này trong thủy sản khoảng trên dưới 1%. Vĩnh Hoàn, một doanh nghiệp tiên phong trong đổi mới công nghệ ngành cá tra, cho biết kế hoạch năm 2017 sản xuất khoảng 6% sản phẩm GTGT, phấn đấu đạt 30% vào năm 2020.
TBKTSG: Vấn đề lớn nói chung của nền kinh tế nước ta hiện nay là GTGT thấp và đang sụt giảm. Trong ngành nông nghiệp, điều này rất nhạy cảm vì đằng sau hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến, các nhà xuất khẩu... với từng mặt hàng là bóng dáng đời sống của người nông dân. Theo bà, đâu là yếu tố tiên quyết để có thể tăng tỷ trọng sản phẩm GTGT?
Sản xuất manh mún, cắt khúc cũng là một nguyên nhân quan trọng của hiện trạng lạc hậu của nông nghiệp Việt Nam hiện nay, bởi không một doanh nghiệp, cá nhân đơn lẻ nào có đủ năng lực để đơn phương đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu sản phẩm. |
- Nếu so với các nước lân cận như Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ... thì nông sản xuất khẩu của Việt Nam đang ở trình độ công nghệ thấp. Nhưng không phải yếu tố công nghệ mà tiên quyết là yếu tố thị trường sẽ quyết định việc gia tăng tỷ trọng sản phẩm GTGT. Một sản phẩm có công nghệ tốt, nhưng không biết làm thương hiệu và thị trường, không gia nhập được vào chuỗi bán lẻ thì không có gì đảm bảo người tiêu dùng sẽ mua sản phẩm.
Hiện có không ít nhà sản xuất nông nghiệp có công nghệ cao và đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm nhưng do không có nguồn lực con người và tài chính để làm thị trường nên không được số đông người tiêu dùng biết đến.
TBKTSG: Trong khi xuất khẩu nông sản đang chủ yếu ở dạng nguyên liệu với GTGT thấp như hiện nay, gia công có phải là lựa chọn hợp lý? Bà đánh giá thế nào về sự bắt đầu... đưa chân này của doanh nghiệp?
- Cần lưu ý, xuất khẩu trái cây, cá ngừ, một số loài thủy sản dưới dạng tươi sống đến các nước bằng đường hàng không, không phải là xuất khẩu nguyên liệu, bởi xuất khẩu dạng tươi sống đòi hỏi nhiều GTGT như bao gói, xử lý đặc biệt và đáp ứng yếu tố thời gian. Đó là tín hiệu đáng mừng!
Chúng ta chưa có nhiều tín hiệu đáng mừng như vậy, vì vậy, nên có cái nhìn khách quan hơn về gia công, bởi vì với gia công, công nghiệp sản xuất, chế biến cũng cần đạt một trình độ, quy mô nhất định. Trừ thủy sản, công nghiệp chế biến xuất khẩu nông sản của ta chưa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu cả về công nghệ, quy mô và điều kiện an toàn thực phẩm. Trung Quốc là quốc gia nổi tiếng về gia công (trong đó có thủy sản), nếu chúng ta đổi mới công nghệ, đáp ứng chuẩn mực thì hoàn toàn có thể kéo một sản lượng lớn về Việt Nam gia công.
Trong khi chưa có thương hiệu, chưa có thị trường, lại có công suất chế biến dư thừa, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế thì gia công là một cứu cánh để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho doanh nghiệp.
TBKTSG: Tình trạng kém hiệu quả nói chung của nông nghiệp Việt Nam hiện nay, biểu hiện ở việc chưa có thương hiệu, chưa có thị trường như bà nói, theo bà, là do đâu?
- Việc không coi trọng sự phát triển của kinh tế tư nhân, chưa thực sự tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong nhiều năm qua là nguyên nhân chủ yếu. Rất may là vừa rồi trung ương đã có nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân.
Trong điều kiện không có sự hỗ trợ đáng kể về chính sách từ Chính phủ, nhờ kiên trì theo đuổi chủ trương “nghề cá nhân dân”, doanh nghiệp tư nhân thủy sản đã nhanh chóng đổi mới công nghệ và tiếp cận thị trường nên trong khoảng 20 năm từ chỗ vô danh, thủy sản Việt Nam đã vào tốp 5 các nước xuất khẩu thủy sản thế giới. Đổi mới được như vậy là nhờ vào áp lực gay gắt của thị trường. Thị trường là yếu tố quyết định kích thích sáng tạo, thúc đẩy đổi mới.
Sản xuất manh mún, cắt khúc cũng là một nguyên nhân quan trọng của hiện trạng lạc hậu của nông nghiệp Việt Nam hiện nay, bởi không một doanh nghiệp, cá nhân đơn lẻ nào có đủ năng lực để đơn phương đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Sản xuất cá hồi Na Uy, cá rô phi Đài Loan, trái kiwi hiệu Zespri của New Zealand, trái quýt đảo Corse là những hình mẫu liên kết chuỗi sản xuất (gồm cả logistics, khoa học và quản lý của chính phủ) nên học của nông nghiệp Việt Nam.
Do duy trì kinh tế tập trung quá lâu, không hiểu về luật chơi của thị trường nên việc Chính phủ, cơ quan chính phủ lấn sân sang hoạt động thương mại của cộng đồng doanh nghiệp, ngược lại việc doanh nghiệp coi phát triển thị trường, sản xuất theo tín hiệu thị trường là chuyện của Chính phủ là một trong ba nguyên nhân chính của bức tranh không sáng sủa nói trên.
TBKTSG: Theo bà, đâu là giải pháp khả dĩ trong bối cảnh xuất phát điểm thấp như hiện nay? Cần phân định vai trò của Nhà nước - hiệp hội - doanh nghiệp như thế nào?
- Trước hết cần rà soát lại các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách để đảm bảo kinh tế tư nhân phát triển. Nếu Chính phủ không có nguồn lực hỗ trợ cụ thể thì chỉ cần nhất quán về chủ trương, làm tốt chức năng ban hành chính sách, quản lý và kiểm tra, giám sát, để đảm bảo kinh tế thị trường trong nông nghiệp phát triển lành mạnh, không can thiệp vào các hoạt động thị trường.
Để xây dựng ngành nông nghiệp công nghệ cao, có thương hiệu, bên cạnh việc phát triển kinh tế tư nhân thì đòi hỏi sự liên kết, phối hợp giữa các bên liên quan của chuỗi sản xuất. Kinh nghiệm phát triển nông nghiệp của nhiều nước và của thủy sản Việt Nam cho thấy, hội, hiệp hội ngành hàng là thể chế thị trường cần thiết để giải quyết những vấn đề quá khả năng của từng doanh nghiệp, mà Chính quyền không thể làm thay, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến xây dựng và phát triển thị trường.
Cần có sự phối hợp giữa lĩnh vực công và lĩnh vực tư mà đại diện là các hội ngành hàng xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm có mục tiêu cụ thể, rõ ràng về thị trường.
Cuối cùng, quan chức, công chức rất cần có kiến thức về luật chơi của thị trường để không ngăn chặn, can thiệp theo ý chí chủ quan.
http://www.thesaigontimes.vn/161408/Nong-nghiep-buoc-chan-vao-gia-cong-co-dang-lo.html
|