Để nông sản ứ đọng, người nông dân bán túng bán tháo như vậy, cơ quan chức năng đã hứng đủ búa rìu dư luận, là những quy kết về “chính sách”, “tầm nhìn”, “trách nhiệm”…Thật ra, những quy kết ấy không sai nhưng chưa đầy đủ, người ta khó có thể làm gì nếu trên “nóng” nhưng dưới “đóng băng”.
Lần trò chuyện với một vị lãnh đạo huyện trẻ tuổi, nhiệt huyết và có trình độ, là người có bề dày tham gia các cuộc hội thảo về tiêu thụ nông sản, một trong những mặt hàng độc đáo nhất của Việt Nam là hồ tiêu, theo vị này – thị trường có nguy cơ lâm vào những “đợt sóng” giá cả.
Đó là câu chuyện người nông dân e ngại với “chuỗi liên kết”, bởi một vài lý do mang đậm tư duy phi kinh tế thị trường. Theo họ, tham gia chuỗi liên kết sẽ đính kèm thêm nhiều điều kiện bảo đảm chất lượng sản phẩm, như: Quy trình chọn cây giống, quy trình chăm sóc, thu hoạch, bảo quản…như thế là rườm rà, rắc rối!
Nhiều nhà đầu tư, các đối tác nước ngoài “bỏ chạy” vì chúng ta không đáp ứng yêu cầu đặt ra. Người nông dân Việt Nam vẫn chuộng cách làm ăn tự do, nhờ trời, đến mùa vụ thương lái vào tận vườn ngã giá, hai bên chỉ cần cái gật đầu của nhau là xe cộ rầm rập ngày đêm cho đến khi hết sạch…
Đó là mầm ươm cho những mối nguy “được mùa mất giá - mất mùa được giá” khi phía thương lái lắc đầu. Chuyện cây tiêu không khác gì con lợn, con gà và vô vàn những mặt hàng nông sản khác.
Cơn “domino thừa” từ heo đã chuyển sang cá sấu, mấy hôm nay báo chí loan tin hàng chục ngàn con cá sấu ở TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai bị bỏ đói vì giá bán quá rẻ, nếu tiếp tục cho ăn sẽ lỗ sâu. Heo có thể cứu được, còn cá sấu cứu kiểu gì đây? Chẳng lẽ lại phát động đợt toàn dân… ăn cá sấu?
Nhiều hiện tượng trong ngành kinh tế nông nghiệp phản ánh một bản chất rằng: Chúng ta đang làm ăn ngoài... kinh tế thị trường! “Chuỗi liên kết” là sản phẩm và bước tiến bộ ở một cấp độ cao của nền kinh tế thị trường; quốc gia nào, vùng miền nào đứng ngoài chuỗi ấy sẽ hứng chịu nhiều nhất tác dụng phụ của kinh tế thị trường. Đó là những đợt khủng hoảng mang tính chu kỳ.
Mặt khác, khi không thể tham gia “chuỗi liên kết” có nghĩa rằng, lợi nhuận thu về luôn là nhỏ giọt. Đây không chỉ là vấn đề của ngành nông nghiệp mà thực trạng chung của cả nền kinh tế nước ta, trong đó ngành công nghiệp phụ thuộc vào FDI và gia công cho thấy rõ điều này.
Trong bức tranh xám xịt của ngành nông nghiệp từ đầu năm, đã nổi lên một vài gam màu sáng và đó là thành quả của việc tham gia “chuỗi liên kết”.
Tại hội nghị hội sơ kết 2 năm thực hiện Đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi” do Bộ Nông nghiệp chủ trì tổ chức tại Phú Yên mới đây cho hay một tin vui: Cá ngừ Việt Nam đã có mặt ở 140 quốc gia trên thế giới.
Đề án trên được triển khai từ năm 2014 tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Đây là những địa phương trọng điểm của ngành khai thác - chế biến cá ngừ đại dương. Nếu như năm 2012, giá cá ngừ dao động từ 50.000 - 60.000 đồng/kg, thì đến năm 2017 tăng lên từ 95.000 - hơn 100.000 đồng/kg.
Lịch sử ngành khai thác thủy hải sản Việt Nam có lịch sử lâu đời không kém bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, nhưng tiếng tăm thật sự và có thương hiệu khi chúng ta chịu tham gia “chuỗi liên kết” với các đối tác uy tín nước ngoài. Dĩ nhiên, đổi lại là một quy trình đánh bắt, bảo quản vô cùng chặt chẽ, khoa học, đây là điểm yếu cố hữu mấy ngàn năm của người nông dân Việt Nam.
Nếu người nông dân vẫn tiếp tục tự “bơi” trên chính mảnh đất của mình thì không ai chắc chắc sẽ hết những cuộc khủng hoảng giá cả trong tương lai gần. Vấn đề mấu chốt ở đây là, để tham gia “chuỗi liên kết” người nông dân vẫn không thể… tự “bơi”.
Suy đi tính lại vẫn cần cái “đòn bẩy” từ các cơ quan chức năng mà đầu mối là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Cá ngừ Việt Nam có thể chu du toàn cầu, vậy tại sao các mặt hàng khác không thể. Tại sao?