|
Chăn nuôi bò tại một trang trại. Ảnh: TL |
(TBKTSG Online) - Nhiều nông dân Việt Nam đã bày tỏ băn khoăn về nông nghiệp 4.0 tại Diễn đàn Nông nghiệp Việt Nam lần thứ hai với nghiệp chủ đề "Nông dân sẵn sàng cho nông nghiệp 4.0" được tổ chức vào ngày 14-10.
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Công Thừa, Chủ nhiệm Hợp tác xã Anh Đào, Đà Lạt, Lâm Đồng cho biết, hiện ông đang trồng rau quả VietGAP cung cấp cho các hệ thống siêu thị khắp cả nước và xuất khẩu với doanh thu hơn 10 triệu đô la Mỹ/năm.
Ông cho biết hợp tác xã đang áp dụng công nghệ nhà kính, nhà lưới và thiết bị tự động hóa vào tưới tiêu. Thời gian qua ông cũng đã nghe nói đến nông nghiệp 4.0, nhưng chưa thực sự hiểu đó là gì, nó có gì khác so với nông nghiệp công nghệ cao đang áp dụng…
Giải đáp thắc mắc, bà Nguyễn Thị Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông cho biết, nông nghiệp 4.0 là thuật ngữ được sử dụng đầu tiên tại Đức. Nông nghiệp 4.0 được hiểu là các hoạt động trồng trọt và chăn nuôi được kết nối mạng bên trong và bên ngoài đơn vị.
Nghĩa là thông tin ở dạng số hóa dành cho tất cả các đối tác và các quá trình sản xuất, giao dịch với các đối tác bên ngoài đơn vị như các nhà cung cấp và khách hàng tiêu thụ được truyền dữ liệu, xử lý, phân tích dữ liệu phần lớn tự động qua mạng internet. Sử dụng các thiết bị internet có thể tạo điều kiện quản lý lượng lớn dữ liệu và kết nối nội bộ với các đối tác bên ngoài đơn vị.
“Ở Việt Nam rất nhiều nông dân đã bắt nhịp được với xu thế ứng dụng nhiều công nghệ vào nông nghiệp như cảm biến, tự động điều chỉnh xử lý nhiệt độ nên việc ứng dụng nông nghiệp 4.0 là hoàn toàn có thể,” bà Thủy nói.
Chia sẻ về thực tế ứng dụng công nghệ vào sản xuất tại trang trại của mình, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An (tỉnh Long An) cho biết ông đang canh tác khoảng 1.000 hécta đất nông nghiệp. Ở trang trại của ông, việc nuôi bò đều đã được cơ giới hóa. Công ty đang tìm cách ứng dụng thêm công nghệ số để tự động hóa việc cung cấp thức ăn, nguồn dinh dưỡng cho bò. Với con tôm cũng vậy, toàn bộ các khâu trong sản xuất đều ứng dụng công nghệ và máy móc để đo nhiệt độ, sự sinh trưởng, chỉ số hóa lý môi trường nước. Việc ứng dụng công nghệ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe do nước ngoài đề ra.
Song ông Huy cũng cho biết về khó khăn khi ứng dụng công nghệ cao là nhập khẩu các thiết bị rất đắt đỏ. Như sử dụng máy bay flycam để phun thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả rất cao nhưng giá tới gần 10.000 đô la Mỹ. Thêm nữa là nguồn nhân lực để sử dụng các thiết bị này cũng chưa đáp ứng được.
Cũng tại diễn đàn, ông Trần Minh Phong, nông dân tỉnh Đắk Lắk băn khoăn việc ứng dụng nông nghiệp 4.0 có được hỗ trợ gì từ địa phương hay không?
Không có lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk tham dự diễn đàn, song giải đáp câu hỏi này, ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng về chính sách cụ thể thì phải hỏi địa phương nơi nông dân đang sinh sống.
Nhưng ông Phạm S cho biết, hiện nay Lâm Đồng có triển khai các chương trình hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao như xúc tiến thương mại, quảng báo hình ảnh cho các sản phẩm nông sản; hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản như các sản phẩm hoa, cà phê. Bên cạnh đó, Lâm Đồng còn đẩy mạnh hỗ trợ hợp tác quốc tế, tiếp cận với các địa phương có thế mạnh nông nghiệp công nghệ cao như Hà Lan, Mỹ, Israel…
Ngoài ra, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng rất quan trọng. Hiện Lâm Đồng không chỉ chủ động đào tạo nguồn nhân lực trong nước mà còn liên kết đào tạo nông dân ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao ở nước ngoài như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan.
Về chính sách tín dụng cho nông dân, hiện Lâm Đồng cũng có nhiều các chương trình hỗ trợ và đầu tư như hỗ trợ về kinh phí, hỗ trợ về lãi suất đối với đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao ở các lĩnh vực nhà kính thông minh, tưới nước tiết kiệm, đầu tư vào các giống mới…
Nông dân Tô Hiến Thành (huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) lại băn khoăn về vấn đề vốn cho nông nghiệp 4.0. Ông Thành hiện đang sản xuất thịt heo hữu cơ Organic Việt Nam sản lượng khoảng 1.000 tấn/năm, lợi nhuận 3-3,5 tỉ đồng/năm.
Giải đáp băn khoăn trên, ông Trần Văn Tần, Vụ phó Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, hiện nay đầu tư vào nông nghiệp nông nghệ cao đang được ưu tiên. Chính phủ đã ban hành Nghị định 55 về chính sách tín dụng đối với nông nghiệp nông thôn. Trong đó lần đầu tiên có chính sách dành cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, có thể cho vay tới 70-80% không phải thế chấp tài sản. Gói tín dụng 100.000 tỉ đồng có nhiều ưu đãi đặc biệt đối với nhu cầu vay vốn thực hiện dự án, phương án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Theo đó, những dự án đáp ứng tiêu chí của chương trình sẽ được vay vốn với mức lãi suất cho vay thấp hơn 0,5-1,5% so với mức lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn của ngân hàng thương mại.
Ông Tần cho biết, nếu khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ do những nguyên nhân khách quan, bất khả kháng sẽ được ngân hàng xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ một lần. Đặc biệt, có thể cho vay mới nếu khách hàng có phương án sản xuất kinh doanh khả thi. Ngân hàng có thể xem xét thực hiện các biện pháp hỗ trợ khác như miễn, giảm lãi vay, lãi quá hạn, ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau.
Tại diễn đàn, ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, đơn vị này muốn diễn đàn là dịp tạo ra nhận thức chung, tạo ra tiếng nói chung để động viên, khích lệ hội viên, nông dân ứng dụng nông nghiệp 4.0, vì đây là xu hướng tất yếu và nông dân Việt Nam không thể đứng ngoài làn sóng này.
Tại diễn đàn, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu các bộ, ngành có liên quan cần phải giải đáp những thắc mắc cho nông dân cũng như đề xuất xây dựng các chính sách rõ ràng, cụ thể để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp 4.0.
http://www.thesaigontimes.vn/165604/Nong-dan-con-nhieu-ban-khoan-ve-nong-nghiep-40.html
|