|
Một người dân trong vườn ca cao được trồng sau khi có hợp đồng thu mua với doanh nghiệp, một hình thức liên kết theo chuỗi khá phổ biến đối với cây cao ca. Ảnh: NH |
(TBKTSG Online) - Để khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với các hợp tác xã trong việc sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Chính phủ sẽ có những hỗ trợ cho các hợp tác xã, trong đó có gói hỗ trợ 20 tỉ đồng.
Theo dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đang được đưa ra lấy ý kiến, các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành đối với các sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa là 20 tỉ đồng.
Có 12 sản phẩm nằm danh mục các sản phẩm nông sản chủ lực được liệt kê trong dự thảo là lúa gạo, rau quả, chè, cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, cá tra, tôm, gỗ, thịt heo và cuối cùng là sữa và sản phẩm từ sữa.
Bên cạnh đó, mỗi sản phẩm khi xây dựng nhãn hiệu được hỗ trợ 100 triệu đồng, hỗ trợ một lần 50 triệu đồng cho xúc tiến thương mại, 300 triệu đồng khi chuyển giao công nghệ; còn trong trường hợp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã làm các dự án liên kết nhưng không có quỹ đất thì được nhà nước hỗ trợ 2 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng.
Chưa dừng lại ở đó, nếu vay tiền để làm dự án, các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp mua sản phẩm liên kết được hỗ trợ 50% lãi suất ngân hàng. Như vậy, tính đến thời điểm này, những khoản hỗ trợ nói trên được xem là ưu đãi nhất trong các chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp của Chính phủ nếu được thông qua.
Thời gian qua, liên quan đến chương trình vay theo chuỗi, Ngân hàng Nhà nước cũng có chương trình cho vay thí điểm theo Nghị quyết 14/NQ-CP. Theo đó, đã có 28 doanh nghiệp tại 22 tỉnh, thành với 31 dự án nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao với số tiền cho vay là gần 7.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi chỉ 1-1,5%/năm và được vay đến 90% giá trị dự án. Tuy nhiên, đây chỉ dừng lại ở doanh nghiệp, còn dự thảo nghị định lần này, đối tượng được tập trung vào là hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã…
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, liên kết chuỗi đã thất bại như ý kiến của ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc tập đoàn thủy sản Minh Phú, Cà Mau - một trong những doanh nghiệp có giá trị xuất khẩu tôm lớn nhất cả nước trong nhiều năm qua, cách đây hơn một năm trong một hội thảo liên quan đến phát triển nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL.
Chính từ những ý kiến của doanh nghiệp nên lần này dự thảo tập trung vào việc hỗ trợ các hợp tác xã khi liên kết với doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi vì đây được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá là khâu yếu nhất trong chuỗi liên kết sản xuất sản phẩm nông nghiệp hiện nay.
http://www.thesaigontimes.vn/158366/Nhieu-ho-tro-cho-phat-trien-nong-nghiep-theo-chuoi.html
|