Ông Hong Sun cũng tiết lộ: Đây cũng chính là lĩnh vực mà các nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ triển khai mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Dưa lưới trồng tại Củ Chi (Việt Nam) bán tại siêu thị Hàn Quốc
Nhiều đại gia Hàn Quốc đang âm thầm tìm hiểu thị trường nông sản Việt
Theo ông Hong Sun: “hiện nay đã có một số “đại gia” hàng đầu của Hàn Quốc sang Việt Nam đang âm thầm khảo sát thị trường và họ sẽ kí kết đầu tư khi thấy phù hợp”.
Và quả thật đã có những “đại gia” như ông Hong Sun vừa nhắc đến. Đó là Công ty TNHH Hand & Hand, một trong những công ty đa quốc gia hoạt động trong lĩnh vực cung cấp nông sản nội ngoại nhập và quản lý hệ thống trang trại cây trồng. Công ty này từng có kinh nghiệm đầu tư trong lĩnh vực xuất nhập khẩu trái cây tươi tại Thái Lan và Phillipines.
Tại Việt Nam, công ty Hand & Hand đã kí kết hợp tác trồng trái cây xuất khẩu với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước. Ngoài ra công ty này cũng hỗ trợ nông dân xây dựng trang trại và kĩ thuật canh tác, trồng trọt nhằm kết nối trực tiếp người nông dân với khách hàng.
Dự định trong thời gian tới, công ty Hand & Hand sẽ đầu tư thí điểm khoảng 50 ha trồng chuối và dứa tại tỉnh Hậu Giang, sau đó sẽ mở rộng diện tích khi thấy cần thiết.
Một “đại gia” khác là Công ty TNHH Semiwon Food của Hàn Quốc. Năm 2016, Công ty TNHH Semiwon Food của Hàn Quốc đã kí hợp đồng xuất khẩu xoài trị giá khoảng 1 triệu USD với Công ty cổ phần Lavifood Việt Nam.
Mới đây nhất, đại diện Lavifood cũng cho biết, không ít doanh nghiệp Hàn Quốc tới tìm hiểu mô hình sản xuất và tìm kiếm đối tác cung cấp rau củ quả, trái cây cho Hàn Quốc. Một trong số đó là Chủ tịch Hyundai Corporation đã khảo sát trực tiếp tại Lavifood và vùng trồng khóm dứa tại Tiền Giang của doanh nghiệp này.
Tối ưu hoá tiềm lực
Theo ông Hong Sun, tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp còn quá nhiều, và doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn tối ưu hoá tiềm năng và mang lại sự phát triển thịnh vượng giữa nhà đầu tư Hàn Quốc và người nông dân Việt Nam.
Đồng quan điểm, ông Ko Sang Gu, Chủ tịch Công ty TNHH Thương mại K&K Toàn cầu đánh giá: ngành sản xuất nông sản của Việt Nam và Hàn Quốc có khả năng bổ sung cho nhau rất tốt. Trong khi Việt Nam có điều kiện tự nhiên để sản xuất đa dạng các loại nông sản tươi thì Hàn Quốc có công nghệ chế biến nông sản tiên tiến. Nếu hợp tác chặt chẽ, người tiêu dùng Việt Nam sẽ có cơ hội sử dụng các sản phẩm chất lượng cao, tốt cho sức khỏe, trong khi các doanh nghiệp chế biến của Hàn Quốc có được nguồn cung cấp nguyên liệu tươi dồi dào.
“Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận, dường như Việt Nam chưa tối ưu hoá được hết tiềm năng của mình”, ông Ko Sang Gu nhận định.
Ông Ko Sang Gu phân tích, trong thời gian gần đây, Việt Nam đã có nhiều hơn các sản phẩm nông sản mang chỉ dẫn địa lý vùng miền xuất khẩu đi thị trường nước ngoài, như vải thiều Lục Ngạn, nhãn lồng Hưng Yên... Tuy nhiên, cũng có nhiều nông sản có đến dăm bảy loại như thanh long, ổi, chuối... Điều này làm cho người tiêu dùng khó phân biệt các loại sản phẩm.
Theo đó, ông Ko Sang Gu nhấn mạnh: “Việc chuẩn hoá, tập trung hoá những sản phẩm chiến lược cần được quy hoạch và phát huy một cách hiệu quả”. Đồng thời ông Ko Sang Gu cũng nhấn mạnh: cần mối liên kết chặt chẽ giữa nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nước trong việc định hướng phát triển, đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra, cũng như tìm hiểu chính sách thị trường nhập khẩu từng mặt hàng nông sản Việt Nam muốn hướng tới.