Nhật Bản muốn nhập khẩu nhiều trái cây nhiệt đới của Việt Nam
Nhật Bản muốn nhập khẩu nhiều trái cây nhiệt đới của Việt Nam
Thanh Liêm (TTXVN/Vietnam+) 13/08/2017 21:30 GMT+7 Bản in
Tối 13/8, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Võ Thành Thống đã có buổi làm việc với đoàn Nhật Bản gồm các ông Hitoshi Kinouchi, giáo sư Đại học Tokai; Susumu Ishihara, Cố vấn tổ chức hỗ trợ đào tạo tiếng Nhật; Masayuki Abe, Giám đốc Công ty đào tạo nhân lực VCI, Giám đốc Văn phòng thông tin về nông nghiệp Việt Nam (VAIO)...
Hai bên đã thảo luận về các cơ hội hợp tác giữa Cần Thơ và Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp và đào tạo nhân lực.
Ông Masayuki Abe cho biết, trong chuyến công tác tại Cần Thơ lần này, phía Nhật Bản muốn tập trung thảo luận về nông nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này cho Cần Thơ; đồng thời tìm hướng đi cho quan hệ hợp tác nông nghiệp giữa hai bên.
Theo ông Hitoshi Kinouchi, giáo sư khoa Quản trị kinh doanh nông nghiệp, Đại học Tokai, quy mô nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn khá nhỏ, tương tự với Nhật Bản trước đây, chủ yếu sản xuất nông nghiệp ở các hộ gia đình.
Do quy mô nhỏ nên việc gia công, chế biến và bán sản phẩm cho các công ty gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết việc này, các hộ nông dân ở Nhật đã liên kết lại với nhau, hình thành các hợp tác xã để bán được nông sản với giá cao và đã phát triển như hiện nay.
Theo ông Hitoshi Kinouchi, ở Cần Thơ cũng như Đồng bằng sông Cửu Long trồng được nhiều loại trái cây nhiệt đới mà Nhật Bản không có, và trong số này có nhiều loại mà Nhật muốn nhập khẩu.
Tuy nhiên, để trái cây của Việt Nam có thể xuất khẩu số lượng lớn sang Nhật thì cần phải nghiên cứu phương thức vận chuyển, kỹ thuật bảo quản, đồng thời có hệ thống kho lạnh đủ lớn để tập trung nông sản trước khi xuất sang Nhật.
Ông Hitoshi cho rằng, Nhật Bản và Cần Thơ có thể hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Vấn đề tiến hành liên kết như thế nào để nâng cao chất lượng và kỹ thuật nông nghiệp là quan trọng nhất.
Ông cho biết, ở Nhật có kỹ thuật giúp tăng sản lượng lên gấp 3-5 lần trên một diện tích, đặc biệt Nhật cũng có biện pháp giúp tăng độ ngọt của các loại trái cây cũng như các thành phần tốt cho sức khỏe.
Theo ông Hitoshi, các kỹ thuật này rất dễ và Đồng bằng sông Cửu Long hoàn toàn có thể sản xuất được.
Ông cho biết đã đi tham quan các dự án nông nghiệp của thành phố Cần Thơ, trong đó theo ông, sản phẩm dâu Hạ Châu ở huyện Phong Điền nếu có thể nghiên cứu để chế biến thành nước ép sẽ rất tốt.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Võ Thành Thống cho biết thành phố rất quan tâm đến tác đối tác, nhà đầu tư đến từ Nhật Bản. Cần Thơ mong muốn có sự kết nối hợp tác với Nhật Bản trong đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.
Lãnh đạo thành phố Cần Thơ đề nghị Nhật Bản hỗ trợ kỹ thuật, xem xét cử tình nguyện viên sang tham gia các chương trình nghiên cứu về nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố, cũng như giới thiệu cho các nhà đầu tư Nhật nghiên cứu đầu tư các dự án của thành phố như: hai khu nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Thới Lai và huyện Cờ Đỏ, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Cần Thơ…, đồng thời, hỗ trợ nông dân Cần Thơ trong việc tiếp cận thị trường, ứng dụng kỹ thuật cao, công nghệ sinh học trong nông nghiệp.
Ngoài ra, Cần Thơ cũng đề xuất Nhật Bản hỗ trợ thành phố xây dựng một website tiếng Nhật với nội dung và hình thức phù hợp với thị hiếu của người Nhật để có thể cung cấp thông tin, trao đổi, tư vấn về thị trường giữa hai bên./.
http://www.vietnamplus.vn/nhat-ban-muon-nhap-khau-nhieu-trai-cay-nhiet-doi-cua-viet-nam/460871.vnp
Bài viết khác
Tại Hội thảo "Thúc đẩy tín dụng cho ngành nông sản chủ lực, đưa đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, bền vững", Chuyên gia Kinh tế, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, Tiến sĩ Cấn Văn Lực đã trình bày tổng quan về
Theo các chuyên gia, quan hệ Việt Nam-Mông Cổ đang ngày càng mở rộng và có tiềm năng phát triển lớn trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, nông nghiệp.
Chiều 14-11, UBND tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam và Chính phủ nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc đã tổ chức lễ ký kết bản ghi nhớ về cơ chế gặp gỡ, trao đổi định kỳ cùng xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh. Lễ ký kết được tổ chức