"Người anh em" của Samsung
Theo Korea Times, sự trở lại của Chủ tịch Lee Jae-hyun, sau 4 năm vắng mặt, sẽ thúc đẩy CJ mở rộng hiện diện ở nước ngoài để đạt được mục tiêu doanh thu 100 nghìn tỷ won (tương đương 89,7 tỷ USD) vào năm 2020.
CJ là tập đoàn lớn lớn thứ 14 của Hàn Quốc trong lĩnh vực thực phẩm, truyền thông giải trí, dược phẩm,... Tập đoàn này còn được gọi là "người anh em của Samsung" bởi lẽ CJ vốn là một trong các nhánh của tập đoàn Samsung. Sau khi nhà sáng lập Lee Byung-chul qua đời năm 1987, tập đoàn Samsung tách thành 4 doanh nghiệp gồm: tập đoàn Samsung, tập đoàn Shinegae, tập đoàn CJ và tập đoàn Hansol vào năm 1991 và 1997.
Hiện tập đoàn CJ hoạt động trong 4 lĩnh vực kinh doanh chính gồm: Thực phẩm và dịch vụ thực phẩm, Sinh học và dược phẩm, Giải trí và truyền thông, Truyền hình mua sắm (Homeshopping) và Logistics, Cơ sở hạ tầng.
Năm 1999, CJ đã đặt bước chân đầu tiên của mình tại thị trường Việt Nam vào ngành nông nghiệp bằng việc thành lập Công ty Trách nhiệm Hữu hạn CJ Vina Agri, chuyên sản xuất kinh doanh cám gia súc, gia cầm và thủy sản tại Long An. Tổng vốn đầu tư CJ dành cho ngành nông nghiệp tại Việt Nam hiện lên đến con số trên 200 triệu USD.
Năm 2011, CJ đã mua lại Envoy Media Partners (EMP), qua đó gián tiếp sở hữu 80% vốn góp trong Công ty TNHH Truyền thông MegaStar, đơn vị sở hữu cụm rạp chiếu phim cùng tên.
Thế nhưng đến năm 2014, tên tuổi của CJ mới nổi lên sau việc đổi tên cụm rạp MegaStar thành CJ CGV (CGV). Đến nay CGV trở thành tên tuổi đứng đầu trong hệ thống cụm rạp Việt Nam khi sở hữu 40 cụm rạp trên 12 tỉnh thành lớn trên toàn quốc.
Với kết quả kinh doanh 2016 được công bố, ước tính cụm rạp CGV thu gần 5 tỷ đồng mỗi ngày và con số này được dự đoán sẽ còn tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Trong cùng lĩnh vực truyền thông, quảng cáo sự kiện và điện ảnh, ngoài cụm rạp CGV, CJ còn liên kết với SCTV sở hữu Kênh mua sắm truyền hình SCJ TV Shopping vào năm 2011 và mới đây vào cuối 2016, CJ đã bắt tay hợp tác xây dựng một liên doanh với Blue Group - một agency truyền thông hàng đầu tại Việt Nam, nhằm đẩy mạnh các hoạt động về quảng cáo và truyền thông cho các thương hiệu của mình.
Mảng thực phẩm được công ty bắt đầu phát triển kể từ năm 2007 khi CJ mở cửa hàng bánh ngọt Tous les Jours đầu tiên. Đến nay thương hiệu này đã có trên 30 cửa hàng trên toàn quốc.
Mới đây, Công ty thực phẩm lớn nhất của Hàn Quốc này cho biết sẽ đầu tư 70 tỷ won (tương đương 63 triệu USD) tại Việt Nam để xây dựng nhà máy sản xuất bánh bao đông lạnh và các mặt hàng thực phẩm chế biến khác. Khu phức hợp sản xuất mới của CJ Cheiljedang sẽ nằm trên một khu đất rộng 66.000 m2 tại TP. HCM. Thời gian xây dựng dự kiến trong vòng một năm, hoàn thành vào tháng 7/2017.
Khi chính thức được vận hành, cơ sở sản xuất này dự kiến sẽ cho “xuất xưởng” đến 60.000 tấn thực phẩm đông lạnh mỗi năm. Công ty cũng có kế hoạch thiết lập một trung tâm R&D vào tháng 7/2018.
Hàng loạt thương vụ M&A tại Việt Nam
Có mặt tại Việt Nam gần 20 năm, công ty TNHH CJ Vina Agri (Công ty được thành lập bởi CJ năm 1999) hiện là một trong những doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn tại Việt Nam với 3 nhà máy ở Long An, Vĩnh Long, Hưng Yên và một trang trại nuôi heo giống ở Bình Dương
Từ khi chính thức vào Việt Nam, tập đoàn này đã thực hiện hàng loạt thương vụ M&A để mở rộng thị phần mảng thực phẩm.
Đầu năm 2016, sau thời gian đàm phán kéo dài, tập đoàn này đã mua lại thương hiệu kim chi Ông Kim và từng bước thâm nhập hệ thống bán lẻ với những sản phẩm truyền thống như kim chi, nước sốt BBQ, rong biển..
Để phục vụ cho hoạt động sản xuất kim chi, doanh nghiệp này quyết định chi 2,1 triệu USD kết hợp với nông dân tỉnh Ninh Thuận trồng 10ha ớt. Ông Chang Bok Sang, Tổng giám đốc CJ Việt Nam từng tiết lộ dự định xây dựng nhà máy sản xuất bột ớt ngay tại đây nhằm bao tiêu sản phẩm, chế biến và xuất khẩu ngược lại cho thị trường Hàn Quốc.
Trong đợt IPO của Vissan, công ty cũng chi ra hơn 300 tỷ đồng để mua hơn 4% cổ phần công ty này.
Sau khi “thất bại” trong cuộc đua trở thành NĐT chiến lược của Vissan, lại thấy CJ bắt tay hợp tác với SATRA để mở rộng lĩnh vực kinh doanh thực phẩm, trái cây tại thị trường Việt Nam.
Đặc biệt, CJ đã thâu tóm thành công Công ty cổ phần Thực phẩm Cầu Tre và đổi tên thành CJ Cầu Tre, đồng thời điều chỉnh bổ sung thêm một số ngành nghề kinh doanh như chế biến rau quả, sản xuất các loại bánh từ bột và thức ăn chế biến sẵn,...
Chưa dừng lại ở đó, tháng 3 năm nay, tập đoàn này còn thực hiện nhiều thương vụ thâu tóm cổ phần của các doanh nghiệp thực phẩm trong nước. Nổi bật trong số này là việc mua lại 64,9% cổ phần (tương đương hơn 300 tỷ đồng) của Công ty TNHH Thực phẩm Minh Đạt, doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam trong lĩnh vực chế biến thực phẩm đông lạnh dạng viên. Được biết, thông qua thương vụ này, Tập đoàn CJ CheilJedang dự định sẽ bán các sản phẩm thịt viên, đồ đông lạnh qua hệ thống của Minh Đạt tại các quốc gia Đông Nam Á.
Sau gần hai thập kỷ vào Việt Nam, doanh thu của tập đoàn đã cán mốc 17.000 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 30% so với năm trước. Lợi nhuận năm qua ước tính khoảng 834 tỷ đồng.
Trong đó, nhóm thực phẩm đang có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất, lên đến 86% trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2015. Đây cũng được dự báo là nhóm ngành hàng giữ tốc độ tăng trưởng cao nhất của CJ tại Việt Nam trong thời gian tới.
Hiện tổng vốn đầu tư của tập đoàn này vào 4 lĩnh vực kinh doanh chính thông qua các hoạt động mua bán và sáp nhập đã lên đến con số 900 triệu USD. Đáng chú ý, mức vốn đầu tư trong năm qua chiếm tới 500 triệu USD.
Trao đổi với báo chí, đại diện của CJ tại Việt Nam - Giám đốc điều hành Chang Bok Sang cho biết, năm 2017 sẽ là năm công ty tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư vào doanh nghiệp tiềm năng tại Việt Nam, trong đó có việc đón cơ hội từ tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thông qua hoạt động M&A. Mục tiêu của một trong những tập đoàn đa ngành lớn của Hàn Quốc này là biến Việt Nam thành thị trường đầu tư lớn thứ 3 của họ đến năm 2020, sau Hàn Quốc và Trung Quốc.
Theo số liệu từ StoxPlus, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm tại Việt Nam hiện có quy mô khoảng 4 tỉ USD, trong đó ngành chế biến thịt và thủy sản chiếm khoảng 45,1% toàn thị trường, tương đương 1,8 tỉ USD. Còn theo khảo sát của Euromonitor dự báo giai đoạn 2016-2021, ngành thịt chế biến sẽ tăng trưởng với tốc độ bình quân 2,2% về sản lượng và 1,9% về doanh số. Điều này cho thấy thị trường còn nhiều tiềm năng và CJ đang đi đường tắt để có thể tham gia một cách nhanh nhất vào lĩnh vực này.
Rõ ràng, sự màu mỡ cùng với tiềm năng phát triển của thị trường thực phẩm tại Việt Nam đang rất thu hút sự quan tâm, đầu tư của CJ và chắc chắn, tham vọng của Tập đoàn CJ chưa dừng lại ở đó.