Nghịch lý chuối Việt - nơi thiếu hụt, chỗ đổ bỏ
Canh tác ồ ạt, hàng chất lượng kém lại phụ thuộc thị trường Trung Quốc nên nhiều mặt hàng chuối của nông dân ở Đồng Nai, Tây Ninh, Hưng Yên... phải bán với giá rẻ, thậm chí đổ bỏ.
Tại Công ty TNHH Huy Long An, mỗi ngày doanh nghiệp xuất 2-3 container (16-20 tấn một container) chuối tươi sang Nhật bằng đường biển. Toàn bộ số hàng này được bán tại 6 siêu thị của Nhật như Don Kihote, Daiei, Aeon. Năm 2017, công ty đặt mục tiêu sẽ xuất khẩu khoảng 10.000 tấn chuối một năm.
Với chuối Laba của Công ty La Ba Đà Lạt (Lâm Đồng), Giám đốc Lê Sĩ Công, cho biết, chuối đang là sản phẩm hút khách không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài, tuy nhiên nguồn hàng không đủ để cung cấp. Những tháng đầu năm, chuối laba của công ty ông chỉ đủ cung ứng thị trường trong nước. Mặc dù thị trường Nhật đang rất cần, nhưng hàng không có để bán.
Mẫu mã đẹp, chất lượng đảm bảo là lý do khiến nhiều nơi chuối vẫn được mua với giá cao. Ảnh: Hồng Châu |
Lý giải cho nghịch lý này, giám đốc doanh nghiệp chuyên hỗ trợ xuất khẩu chuối ở Đồng Nai cho biết, hai tuần qua, sở dĩ chuối ở Đồng Nai không ai mua hoặc bán với giá rẻ là vì thị trường Trung Quốc ngưng thu mua, trong khi hàng trăm hecta chuối đang vào vụ thu hoạch khiến người dân điêu đứng. Mặt khác, chuối ở đây chất lượng chưa cao không đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nên tính cạnh tranh thấp, khó tiêu thụ ở thị trường khó tính.
Ông Trần Văn Căn, chủ cơ sở xuất khẩu chuối tại Hưng Yên cho rằng, hầu hết chuối xuất đi Trung Quốc chất lượng không quá khắt khe, có những thời điểm giá cao người dân chặt cả chuối non để bán nên khi hàng xuất sang nước này giảm chất lượng và uy tín. Mặt khác, tại Trung Quốc, thời điểm này đang là mùa thu hoạch chuối chính vụ nên thị trường này hạn chế nhập hàng của Việt Nam.
“Năm ngoái giá thu mua thấp nhất là 4.000-5.000 đồng một kg, còn hiện tôi chỉ mua của nông dân với giá 1.200 đồng, nhưng mỗi tuần cũng chỉ tiêu thụ được khoảng 30 tấn cho thị trường Hà Nội, Hải Dương và Hải Phòng. Riêng thị trường Trung Quốc hầu như không bán được”, ông Căn nói và cho biết thêm, để tránh tình trạng đổ bỏ như hiện nay, người trồng cần nâng cao kỹ thuật trồng để có thể xuất đi nhiều nước chứ không phụ thuộc mãi thị trường Trung Quốc.
Không đủ hàng xuất khẩu dù được khá nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc chào mời, ông Lê Sĩ Công cho biết, trên thực tế chuối là mặt hàng đang có nhu cầu cao. Tuy nhiên, để được các doanh nghiệp nhập khẩu ký hợp đồng, đòi hỏi sản phẩm phải sạch, chất lượng đảm bảo.
“Nông dân hay vấp phải tình trạng bị ép giá vì trồng ồ ạt, quy trình trồng không theo chuẩn. Khi được thương lái Trung Quốc trả giá cao thì sẵn sàng bỏ hợp đồng với khách hàng trước đó để bán nên sản phẩm trồng ra hay gặp biến động về giá”, ông Công nói.
Lý giải nguyên nhân được các thị trường khó tính đón nhận, đại diện Công ty chuối Huy Long An cho biết, hiện nay chuối của doanh nghiệp được canh tác trên diện tích 200 ha tại Long An và Tây Ninh với quy trình khắt khe. Khi bông chuối trổ được khoảng 10 nải, công nhân phải bẻ bông để ngăn không cho ra trái nữa. Mỗi trái chuối đều được cắt bỏ phần hoa thừa ở chóp để trái đẹp và đều. Chuối sau khi thu hoạch được xử lý sạch bụi, khử khuẩn, lau khô, lót xốp mỏng giữa hai lớp cùng một nải để không bị thâm, rồi cho vào túi nylon, hút chân không, xếp vào hộp để đưa vào kho lạnh trước khi theo container ra cảng vận chuyển đi nước ngoài.
Bài viết khác
Ngày 28/8, Công ty Cổ phần Banana Brothers Farm (huyện M’Drắk) đã tổ chức Lễ xuất khẩu chính ngạch lô sản phẩm chuối đầu tiên sang thị trường Mông Cổ.
Từ ngày 25 – 29/7/2024, tại Trung tâm hội nghị triển lãm quốc tế Lào, thủ đô Viêng Chăn, Lào đã diễn ra Hội chợ thương mại Việt - Lào 2024 (VIETLAO EXPO). Đây là hoạt động xúc tiến thương mại có quy mô lớn nhất do Bộ Công Thương hai nước Việt Nam
Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt 2024 đang chính thức mở cổng đăng ký, hứa hẹn là bệ phóng hoàn hảo để khẳng định vị thế và gia tăng giá trị thương hiệu của bạn!