Ngành tôm còn nhiều dư địa để "bứt phá"


Ngành tôm còn nhiều dư địa để "bứt phá"

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã khẳng định như vậy trong phiên chất vấn Quốc hội tại hội trường vào sáng 13/6.

Xuất khẩu tôm dự báo đạt 3.4 tỷ USD

Theo dự báo của Hiệp Hội chế biến xuất khẩu thủy sản (Vasep), sản lượng tôm nguyên liệu năm 2017 sẽ tăng nhẹ đạt 660 ngàn tấn trên 700 ha diện tích nuôi. Xuất khẩu tôm năm 2017 dự báo sẽ đạt 3.4 tỷ USD, tăng 9%. Trong đó, tôm chân trắng đạt khoảng 2 tỷ USD, tăng 8%, tôm sú trên 900 triệu USD, tăng 2%.

Cũng theo Vasep, sau khi tăng trưởng dương 6.7% trong năm 2016, xuất khẩu tôm Việt Nam 3 tháng đầu năm 2017 có xu hướng chững lại với 618 triệu USD, tương đương với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, giá tôm nguyên liệu tăng mạnh, thuế CBPG khiến xuất khẩu tôm sang Mỹ giảm mạnh, trong khi nhu cầu của Nhật Bản tăng do đồng Yên tăng giá thu hút DN tôm chuyển sang thị trường này. Xuất khẩu sang một số thị trường khác như EU, Hàn Quốc phục hồi tích cực bù đắp cho sụt giảm tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc và Australia.

Trong quý 1/2017, Việt Nam xuất khẩu tôm sang 68 thị trường, tăng so với 64 thị trường của cùng kỳ năm 2016. Top 10 thị trường chính bao gồm Nhật Bản, EU, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia, ASEAN, Đài Loan và Thụy Sỹ, chiếm 95.4% tổng xuất khẩu tôm Việt Nam.

Vị trí của top 10 thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất có sự thay đổi trong 3 tháng đầu năm nay: Nhật Bản vươn lên là thị trường lớn nhất thay cho Mỹ, Mỹ tụt xuống vị trí thứ 3. Canada vươn lên vị trí thứ 6, Australia nhường chỗ cho Canada đứng ở vị trí thứ 7.

Top 5 thị trường chính gồm Nhật Bản (chiếm tỷ trọng 21.9%), EU (chiếm 19.2%), Mỹ (18.1%), Trung Quốc (15.1%), Hàn Quốc (10%). Trong top 5 này, xuất khẩu sang Nhật Bản, EU, Hàn Quốc tăng trưởng tốt trong đó xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng mạnh nhất 30.8%; xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc giảm trong đó Mỹ giảm mạnh nhất 26.3%.

Còn nhiều dư địa phát triển

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa – Vũng Tàu) trong phiên chất vấn Quốc hội sáng 13/6 về giải pháp để đạt được mục tiêu phát triển ngành tôm mạnh, đạt doanh thu 10 tỉ USD vào năm 2025, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, trên thế giới có 7 tỉ người thì không có quốc gia nào là không ăn tôm.

Theo Bộ trưởng Cường, dư địa phát triển của ngành tôm còn nhiều. "Việt Nam có vùng đồng bằng sông Cửu Long có mặt nước, nhất là vùng nước mặn có lợi thế nuôi tôm. Chúng ta có vùng duyên hải, khí hậu ấm, thuận lợi để nuôi tôm", Bộ trưởng nói.

Cũng theo vị Bộ trưởng này: “Chúng ta đang có khoảng 300 doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm có kinh nghiệm. Chúng ta cũng đã nuôi tôm với giá trị mỗi năm 4 tỉ USD. Đó là những cơ sở để xây dựng chiến lược đến năm 2020 và 2025".

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận, vấn đề lớn nhất của ngành tôm hiện nay là làm sao để nông dân, doanh nghiệp liên kết lại, phối hợp với nhau, chứ để manh mún, xé lẻ, ô nhiễm môi trường...

"Chúng tôi cũng đã giao cho các viện nghiên cứu giải quyết cho được vấn đề con tôm giống, phải chủ động. Thủ tướng đã phê duyệt khu công nghệ cao về tôm ở Bạc Liêu, rộng khoảng 400ha. Tại đây chúng ta sẽ nghiên cứu, chuyển giao những kỹ thuật, con giống, quy trình sản xuất". – Bộ trưởng nói.

http://enternews.vn/nganh-tom-con-nhieu-du-dia-de-but-pha-112312.html

Bài viết khác