Đầu tư công nghệ cao để tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước là một thách thức không nhỏ. Ảnh: Internet.
Nếu đầu tư công nghệ cao để tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước sẽ là một thách thức, trong khi tìm thị trường xuất khẩu là con đường gian nan. Vì vậy quy hoạch, lộ trình, phát triển nông nghiệp công nghệ cao phải gắn với nông dân. Việt Nam nên lựa chọn ứng dụng KHCN phù hợp.
Trong câu chuyện bà cũng đưa ra hàm ý là có rất nhiều hướng đi cho nông nghiệp Việt Nam không nhất thiết phải là công nghệ cao. Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển nông nghiệp dựa trên khai thác hiệu quả các tài nguyên bản địa.
Lời khuyên của bà Yurio Kato, người từng làm cố vấn cho Thủ tướng nhật trong lĩnh vực nông nghiệp là một chỉ dẫn quan trọng. Và trên thực tế không phải chúng ta không nhìn nhận thấy “mỏ vàng” tiềm năng này.
Lấy ví dụ, theo kết quả điều tra đến năm 2016, Việt Nam đã ghi nhận được trên 5.000 loài thực vật được sử dụng làm thuốc; trong đó có gần 200 loài có tiềm năng khai thác và phát triển trồng để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và hướng tới xuất khẩu (như quế, hồi, hòe, nghệ, actiso, sa nhân, kim tiền thảo, đinh lăng, thảo quả…).
Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có 11 cây dược liệu được trồng theo nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc” (GACP-WHO), bao gồm trinh nữ hoàng cung, actiso, bìm bìm biếc, rau đắng đất, đinh lăng, diệp hạ châu đắng, cỏ nhọ nồi, tần dày lá, dây thìa canh, chè dây và kim tiền thảo. Khối lượng dược liệu xuất khẩu theo thống kê đạt gần 5.000 tấn, đem lại giá trị trên 6 triệu USD mỗi năm.
Tại Hội nghị toàn quốc của Chính phủ về phát triển dược liệu Việt Nam cách đây không lâu, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Mặc dù có tiềm năng thế mạnh rất lớn về tài nguyên dược liệu nhưng có một nghịch lý là hiện nay Việt Nam mới chủ động được 25% nhu cầu, 75% còn lại phải phụ thuộc nguồn nhập khẩu.
Bộ trưởng Y tế cũng thừa nhận hiện Việt Nam chưa biến được các sản phẩm từ dược liệu quý thành hàng hóa có giá trị cao và để sử dụng rộng rãi. Chẳng hạn, trên thế giới, Pháp và Mỹ đã chiết xuất hoạt chất taxon từ cây thông đỏ để sản xuất thuốc trị ung thư và đưa ra thị trường từ năm 1994, đem lại doanh thu hàng chục tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn chưa sản xuất được loại thuốc này trong khi cây thông đỏ Lâm Đồng (Đà Lạt) là loại cây đặc biệt quý hiếm với hàm lượng hoạt chất chữa ung thư cao bậc nhất thế giới.
Nhu cầu về dược liệu trên thế giới lên tới hàng chục tỷ mỗi năm. Và với 5.000 loài thực vật được sử dụng làm thuốc, đây thực sự là một “mỏ vàng” bản địa để Việt Nam phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế sẵn có thay vì chạy theo trào “công nghệ cao” lưu để rơi vào cái bẫy của chính mình.