Mì gói, hoa quả sấy Nhật tìm đường vào Việt Nam


Mì gói, hoa quả sấy Nhật tìm đường vào Việt Nam

Quốc Hùng
Thứ Tư,  26/7/2017, 20:57 (GMT+7)

 

(TBKTSG Online) - Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản mang các mặt hàng mì gói, hoa quả sấy khô, rau củ sấy, bánh kẹo, hải sản chế biến, thịt,... sang Việt Nam để giới thiệu và tìm nhà phân phối tại thị trường tiềm năng có hơn 90 triệu dân này.

Doanh nghiệp Nhật Bản mang sản phẩm đến giới thiệu, tìm nhà phân phối trong nước -Ảnh: Quốc Hùng

Nằm trong khuôn khổ chương trình kết nối doanh nghiệp Nhật Bản - Việt Nam trong lĩnh vực thực phẩm nông nghiệp, thủy sản do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM tổ chức vào chiều 26-7, 35 doanh nghiệp Nhật Bản đã có buổi gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp trong nước.

Các mặt hàng như hoa quả sấy khô, rau củ sấy, mì gói, thủy hải sản chế biến, thịt bò, rượu... được các doanh nghiệp Nhật Bản mang sang Việt Nam để giới thiệu và tìm đối tác. Đây là những mặt hàng tiêu dùng nhanh mà trước đây doanh nghiệp Nhật Bản ít tham gia phát triển ở thị trường trong nước.

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO tại TPHCM, cho rằng đây là lần kết nối trong lĩnh vực thực phẩm và nông sản có số doanh nghiệp Nhật Bản tham gia đông đảo nhất, thể hiện sự quan tâm của doanh nghiệp nước này với thị trường Việt Nam hiện nay.

Theo ông Koji, hầu hết các doanh nghiệp tham gia chương trình kết nối này đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ của xứ hoa anh đào và chưa có mặt ở thị trường Việt Nam.

"Chúng tôi không đặt ra mục tiêu cụ thể nào, nhưng có thể thấy các doanh nghiệp Nhật Bản phần nào hài lòng với kết quả đạt được qua các kỳ kết nối với doanh nghiệp Việt Nam nên số doanh nghiệp tham gia lần này tăng lên", ông Koji chia sẻ.

Trong khi đó, ông Hideo Ogata, Giám đốc phát triển kinh doanh của Công ty chuyên sản xuất mì ăn các loại Itsuki Foods, cho rằng với dân số lớn và trẻ, kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển là cơ hội để công ty phát triển thị trường. Hiện một số sản phẩm của công ty đã được đưa vào bán ở trung tâm thương mại Aeon và hệ thống cửa hàng Family Mart,... Thu nhập ngày càng cao của người tiêu dùng sẽ đòi hỏi cao hơn về chất lượng và an toàn nên sản phẩm mì của công ty có khả năng cạnh tranh.

Còn ông Kota Ishimaru, đại diện của Công ty Fukuoka Mitsuya, chuyên sản xuất bánh kẹo từ hạt đậu các loại, cho biết sản phẩm của công ty ông đã xuất khẩu đi Hồng Kông, Thái Lan, Singapore,... nhưng đây là lần đầu tiên ông đến quảng bá sản phẩm và tìm nhà phân phối tại Việt Nam. Qua khảo sát ở các siêu thị trong nước, ông thấy có nhiều sản phẩm thực phẩm, bánh kẹo Thái Lan được bày bán. Ông hy vọng sản phẩm của công ty ông cũng sớm có mặt ở thị trường Việt Nam.

Nhiều công ty Nhật khác cho rằng với dân số hơn 90 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ, nhu cầu mua sắm nhất là thực phẩm sạch, an toàn đang tăng lên là cơ hội tốt để họ xâm nhập vào thị trường Việt Nam.

Theo giới phân tích, hiện nhiều doanh nghiệp bán lẻ lớn, chuỗi cửa hàng tiện lợi, cũng như chuỗi nhà hàng của Nhật Bản đã có mặt ở Việt Nam là cơ hội thuận lợi để hàng hóa, sản phẩm ẩm thực, nông nghiệp, hải sản chế biến... của doanh nghiệp Nhật Bản đưa vào kinh doanh.

Ngoài ra, việc phát triển thị trường của doanh nghiệp Nhật còn được sự hỗ trợ của JETRO trong việc tìm hiểu, thâm nhập thị trường hoặc kết nối kinh doanh với doanh nghiệp Việt Nam sẽ thuận lợi hơn.

Cụ thể vào tháng 11-2016, lần đầu tiên, JETRO đã tổ chức sự kiện “Japan Fair”, cùng lúc đưa nhiều mặt hàng thực phẩm, nông lâm thủy sản của nước này vào bán trong toàn bộ hệ thống cửa hàng tiện lợi của Nhật tại Việt Nam. Có 78 sản phẩm của 32 công ty trên 24 tỉnh/thành phố tại Nhật Bản được tuyển chọn để đưa hàng bán tại khoảng 200 cửa hàng FamilyMart và Ministop ở Việt Nam. Đến nay, khoảng 1/3 sản phẩm trong số này hiện vẫn còn được duy trì giao dịch tại các hệ thống cửa hàng này, theo ông Takimoto Koji, là tín hiệu khá tốt và phần nào cho thấy sản phẩm thực phẩm, nông lâm thủy sản Nhật Bản thích nghi tốt ở thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, giá bán của sản phẩm Nhật còn khá cao so với nhiều sản phẩm cùng loại được nhập khẩu ở các nước khác được giới kinh doanh cho là kén người tiêu dùng.

Theo JETRO, kết quả thống kê năm 2016 cho thấy Việt Nam là quốc gia đứng thứ 7 trong tổng số các quốc gia mà Nhật Bản xuất khẩu sản phẩm nông sản, thực phẩm (tính theo kim ngạch). Tại Việt Nam, trong những năm gần đây số lượng nhà hàng Nhật Bản có xu hướng tăng nhanh tại 2 thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM.

Bài viết khác