Mặc áo hữu cơ cho lúa ở vuông tôm


Mặc áo hữu cơ cho lúa ở vuông tôm

Đức Tâm
Thứ Hai,  20/2/2017, 16:33 (GMT+7)
 
 

 

 
Lúa được trồng tại vuông tôm trong chuỗi liên kết với Ecotiger. Ảnh: Ecotiger

(TBKTSG Online) - Các khu vực canh tác quảng canh tôm - lúa được đánh giá là nơi thuận lợi để phát triển lúa hữu cơ. Là một trong những doanh nghiệp biết rõ điều này, Ecotiger đã tận dụng lợi thế, khoác chiếc áo hữu cơ cho cây lúa ở vuông tôm.

Ecotiger tên đầy đủ là Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Xây dựng Cọp sinh thái. Đây vốn là một công ty hoạt động trong lĩnh vực phân bón hữu cơ, nhập sản phẩm về bán lại cho các khách hàng trong nước.

Xuất phát từ nhu cầu cần gạo của đối tác ở nước ngoài, Ecotiger hợp tác cùng nông dân để trồng lúa hữu cơ. Vụ đông xuân năm 2015, đơn vị này hợp tác với nông dân tại hai xã Long Hòa và Hòa Minh, huyện Châu Thành, Trà Vinh, nơi phổ biến mô hình tôm - lúa, để sản xuất trên tổng diện tích 50 héc ta.

Tháng 5-2016, sản phẩm gạo do Ecotiger cung cấp được tổ chức Control Union cấp chứng nhận hữu cơ theo chuẩn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), chuẩn châu Âu và Nhật Bản. Cũng trong năm 2016, Ecotiger mở rộng 100 héc ta canh tác. Dự kiến năm nay, công ty tiếp tục tăng thêm ít nhất 300 héc ta, nâng tổng diện tích canh tác lên 450 héc ta.

Điểm hay của  mô hình lúa - tôm quảng canh là giá trị con tôm lớn hơn cây lúa nên khi trồng lúa, người nông dân sẽ không dùng hóa chất bảo vệ lúa để ảnh hưởng đến con tôm. Với nền tảng như vậy, việc chọn các khu vực canh tác tôm - lúa hợp tác để sản xuất lúa hữu cơ có nhiều thuận lợi.

Ở mô hình hợp tác giữa Ecotiger và nông dân, Ecotiger cung cấp phân bón, hạt giống với mức giá hỗ trợ và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người nông dân. Nông dân được ứng trước chi phí và chi trả sau khi thu hoạch. Mức giá bao tiêu được thống nhất theo cơ chế linh động, gồm mức giá sàn và luôn cao hơn giá thị trường từ 25% trở lên.

“Việc chủ động vật tư đầu vào từ quy trình canh tác, phân bón đến hạt giống giúp chúng tôi đảm bảo sự đồng nhất về chất lượng của hạt gạo làm ra”, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó giám đốc Ecotiger chia sẻ.

Ông Hùng cho biết, lượng gạo trồng vụ đông xuân năm 2015 đều được công ty xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Bắc Mỹ. Việc xuất khẩu được thực hiện ủy thác thông qua một công ty trung gian bởi Ecotiger cũng như rất nhiều doanh nghiệp làm gạo khác chưa đủ điều kiện để được cấp giấy phép xuất khẩu gạo.

Bắt đầu từ năm 2017, sản phẩm gạo trắng và gạo lức của Ecotiger xuất hiện trong nước với nhãn hiệu EcoRice, được đóng gói theo nhiều kích thước khác nhau: 5 kg/gói, 2 kg/gói. Ngoài ra, EcoRice cũng có gói 250 gam và 454 gam với giá bán lẻ lần lượt là 19.000 đồng và 33.000 đồng. Ông Hùng giải thích, đây là mẫu bao bì theo yêu cầu của khách hàng ở châu Âu, sở dĩ bán tại Việt Nam với mẫu bao bì như vậy là vì mong muốn khách hàng làm quen và thuận tiện cho việc mua dùng thử.

Sản phẩm của EcoRice trên thị trường. Ảnh: Ecotiger

Từ mức giá trên, một ký gạo EcoRice có giá không dưới 70.000 đồng. Liệu mức giá này có quá đắt?

Trả lời câu hỏi này, ông Hùng cho rằng mức giá trên có thể cao so với mặt bằng thị trường nhưng khi tính cả chi phí chứng nhận và đội ngũ quản lý, vận hành, công ty không có lời nhiều. Nếu thật sự lời nhiều và dễ dàng, hẳn đã có nhiều doanh nghiệp khác làm.

Thị trường Việt Nam chỉ là bước đầu thử nghiệm và chiếm một phần rất nhỏ trong tổng sản lượng của Ecotiger. Khách hàng chính của công ty vẫn ở châu Âu và Bắc Mỹ. Nếu không có họ, sẽ là mạo hiểm nếu doanh nghiệp làm gạo hữu cơ có chứng nhận mà chỉ bán trong nước.

Về định hướng phát triển sắp đến, ông Hùng cho biết Ecotiger sẽ mở rộng thêm diện tích canh tác lúa, đa dạng sản phẩm qua chế biến từ gạo. “Nhu cầu sản phẩm hữu cơ của thế giới rất lớn. Việt Nam lại có nhiều lợi thế cạnh tranh. Chúng tôi đang suy nghĩ làm thêm mảng điều, tiêu cũng như các loại cây trồng khác”, ông Hùng cho biết.

Nhận xét về mô hình liên kết mà Ecotiger hợp tác cùng nông dân, ông Phạm Văn Mười, Phó chủ tịch xã Long Hòa, huyện Châu Thành (Trà Vinh), cho biết xã đánh giá cao mô hình này bởi nó vừa mang lại lợi ích kinh tế cho người dân, vừa mang tính bền vững về môi trường.

Ông Mười làm một phép tính so sánh giản lược trên 1 héc ta như sau: với những hộ nằm ngoài mối liên kết, một héc ta cho năng suất 5 tấn lúa, giá bán khoảng 5.900 đồng, tổng thu 29,5 triệu đồng; với hộ liên kết trồng lúa hữu cơ, năng suất có giảm, còn 4 tấn/héc ta nhưng giá được bao tiêu gấp rưỡi trong năm đầu tiên (năm thứ 2, Ecotiger sẽ mua với mức giá gấp 1,8 lần so với giá thị trường) nên tổng thu là 35,4 triệu đồng.

Khi tham gia liên kết, người nông dân được lợi về mặt kinh tế. Điều này, theo ông Mười, nhiều người nông dân cảm thấy phấn khởi nhưng cũng có người không mấy mặn mà bởi giá trị cây lúa hữu cơ mang lại tuy có cao nhưng không đáng kể so với giá trị thủy sản (tôm, cua, cá) nuôi trên cùng vuông tôm.

http://www.thesaigontimes.vn/157095/Mac-ao-huu-co-cho-lua-o-vuong-tom.html

Bài viết khác