Tổ chỉ đạo có nhiệm vụ triển khai các nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL giai đoạn 2016 – 2020.
Sở dĩ có quyết định này là do vùng ĐBSCL được biết đến với nhiều thế mạnh trong đó có khai thác, nuôi trồng thủy sản nhưng dường như chưa thấy được sự liên kết.
Việc liên kết vùng hiện nay vẫn tự phát là chủ yếu, thích thì làm không thích thì thôi hoặc làm kiểu chiếu lệ.
Trên thực tế, ngay từ năm 2004 Chính phủ đã thành lập tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm và ban hành quy chế phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương. Đến nay, đã có bốn vùng kinh tế trọng điểm trong đó có ĐBSCL.
Tuy nhiên, nói như Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung: Việc liên kết vùng hiện nay vẫn tự phát là chủ yếu, thích thì làm không thích thì thôi hoặc làm kiểu chiếu lệ. Nguyên nhân sâu xa là nhiều địa phương vẫn muốn duy trì cơ cấu sản xuất toàn diện và khép kín. Thậm chí hình thành xu hướng đua tranh không lành mạnh giữa các địa phương như hạ giá đất đai, ưu đãi quá mức…
Trong khi đó, vấn đề cấp bách cấp vùng hiện nay nổi lên mà từng địa phương không thể giải quyết được một cách hiệu quả như biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL; khô hạn và quản lý nguồn nước ở Tây nguyên; quản lý rừng và sinh thái vùng miền núi phía Bắc…
Bất cập trong liên kết vùng không chỉ dẫn tới bất bình đẳng trong phần bổ các nguồn lực mà còn lãng phí nguồn lực, không phát huy được các nguồn lực. Chính vì vậy, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo vùng là một bộ phận của tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng quốc gia. Chẳng hạn, đối với các vùng kinh tế trọng điểm có thể xem xét, cân nhắc để ban hành chính sách định hướng phát triển hướng kinh tế tri thức, phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn và hướng việc thu hút đầu tư vào các ngành khai thác lợi thế so sánh.
Về phương thức, mô hình liên kết ‘4 nhà’: nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông vẫn được coi là “chìa khoá” để liên kết vùng thành công. Bởi xây dựng thiết chế liên kết vùng, từ đó chọn sản phẩm chủ lực, tập trung đẩy mạnh là bước đi quan trọng để phát triển kinh tế, nhưng phải gắn chặt vai trò của DN thì mới mong có được kết quả. Nói cách khác, để liên kết vùng thành công thì DN phải luôn được định vị là “mắt xích” quan trọng nhất trong “chuỗi mắt xích” ngay từ khi xây dựng thiết chế cũng như lập quy hoạch và giải pháp triển khai thực hiện.