Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Trứng gia cầm của Việt Nam nổi tiếng thơm, ngon và bổ dưỡng. Ít quốc gia nào trên thế giới có lợi thế tự nhiên về khí hậu và những cánh đồng lúa bạt ngàn, nguồn nước phù sa tạo ra sinh khối thức ăn tự nhiên nuôi vịt chạy đồng hấp dẫn như Việt Nam. Trung bình mỗi năm, Việt Nam sản xuất hàng tỷ quả trứng trên những cánh đồng lưu vực Mekong.

Ba năm liền, từ 2011 – 2014, mỗi năm Việt Nam cũng xuất khẩu không dưới 30 triệu quả trứng vào thị trường khó tính Sigapore, Malaysia, Hồng Kông, Nhật. Mỗi quả trứng tuy có giá trị nhỏ, chừng ba, bốn ngàn, nhưng khi gộp số lượng hàng chục triệu quả có thể đem về doanh số cả chục triệu USD. Hơn hết còn mang lại đầu ra ổn định, giúp người nuôi có lãi, tạo động lực phát triển đàn gia cầm.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi Quốc gia, kiêm Chủ tịch Hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, năm 2016, tổng sản lượng trứng gà đạt 5,443 tỷ quả, với tốc độ tăng trưởng 9,5%/năm. Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ trứng gà của Việt Nam còn thấp hơn nhiều so với khu vực. Thái Lan có tỷ lệ tiêu thụ 125 quả trứng/người/năm; Indonesia 340 quả trứng/người/năm trong khi Việt Nam mới chỉ tiêu thụ 89 quả trứng/người/năm. Theo ông Sơn, đến năm 2020, tỷ lệ tiêu thụ tại Việt Nam sẽ đạt 140 quả trứng/người/năm. Vì vậy, Việt Nam còn khá nhiều dư địa tăng trưởng trong ngành này khi so với các nước trên.

Ngoài ra, ngành sản xuất bánh kẹo, thực phẩm chế biến trong nước cũng đang phát triển, đẩy tăng nhu cầu trứng gia cầm các loại.

 

Cuộc chiến giữa các "ông lớn"

Nhận thấy tiềm năng còn rộng mở của thị trường trứng gia cầm, các "ông lớn" như Hòa Phát, Dabaco, ĐTK, Ba Huân, C.P,... và nhiều doanh nghiệp nhỏ khác đều tung ra các chiến lược kinh doanh độc đáo khiến thị trường trứng cạnh tranh ở quy mô lớn hơn rất nhiều.

Thành công tại thị trường miền Nam, Công ty Ba Huân tiếp tục đưa trứng gà tiến ra thị trường miền Bắc với nhiều dạng sản phẩm khác nhau, đồng thời xây một nhà máy sản xuất trứng sạch tại Phúc Thọ (Hà Nội) trị giá hơn 110 tỷ đồng với quy trình chuỗi khép kín 3F (nuôi, trang trại, thực phẩm). Bên cạnh đó, nhà máy sẽ liên kết với hộ nông dân nuôi và thu mua trứng với tiêu chí phát triển thị trường trứng sạch. Ngoài trứng, Ba Huân còn phát triển mạnh trứng bắc thảo, trứng muối tại thị trường miền Bắc.

Thậm chí, Ba Huân còn xây dựng hệ thống kho mát, kho lạnh giúp trung chuyển các mặt hàng chế biến như xúc xích, lạp xưởng... được sản xuất từ các nhà máy tại TP.HCM, Long An ra Hà Nội để tiêu thụ. “Đây là bước tạo đà cho Ba Huân xâm nhập thị trường phía Bắc còn rộng lớn với các mặt hàng trứng sạch, thực phẩm chế biến từ trứng, gia cầm”, ông Phạm Thanh Hùng, Giám đốc Công ty Trứng Ba Huân Hà Nội, cho biết.

Theo bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Điều hành Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Ba Huân, sau nhiều năm, Ba Huân đã xây dựng thành công quy trình sản xuất chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn ở khu vực miền Nam. Nhà máy xử lý và chế biến trứng gia cầm công nghệ cao tại Phúc Thọ thể hiện mục tiêu Bắc tiến của Công ty.

Ngay tại thị trường này, Công ty Cổ phần ĐTK Miền Bắc cũng vừa đầu tư tới 800 tỷ đồng cho nhà máy sản xuất trứng sạch, tiêu chuẩn Nhật tại tỉnh Phú Thọ. Nhà máy sản xuất trứng gà của Công ty Cổ phần ĐTK với tổng đầu tư 800 tỷ đồng hướng đến mô hình 3F. Trong đó, ĐTK đầu tư mua con giống tại Tập đoàn Hy-line của Mỹ. Tập đoàn này hiện cung cấp cho hơn 130 nước, với thị phần gà giống chiếm 70% tại Mỹ, hơn 60% tại Trung Quốc với trên 50% tại 10 thị trường lớn nhất toàn cầu. Thấy tiềm năng thị trường và sự phát triển của ngành nông nghiệp, ĐTK dự kiến sẽ đạt 175 triệu quả trứng/năm. Ngoài thị trường trong nước, sản phẩm trứng của Công ty còn hướng đến thị trường nước ngoài.

Ông Khương Ngọc Khải, Giám đốc Nhà máy sản xuất trứng gà sạch ĐTK Phú Thọ, chia sẻ, Tập đoàn ISE Food (Nhật) đặt hàng trứng gà ĐTK để đưa sang Nhật. Ngoài ra, ĐTK cũng sẽ hướng đến các thị trường trong khu vực ASEAN và Hàn Quốc.

Tại Dabaco, trong cuộc họp Đại hội cổ đông năm ngoái, Dabaco đã đưa ra quyết định bỏ lĩnh vực bất động sản để đầu tư tập trung vào mảng nông nghiệp. Trước đó, công ty này đã đầu tư 12 triệu USD cho Trung tâm Nghiên cứu giống gia cầm Dabaco, thậm chí, còn đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng hệ thống chuồng trại, thiết bị chăn nuôi hiện đại.

Hằng năm, Dabaco cung cấp một lượng lớn thực phẩm (thịt gà, trứng gà...) ra thị trường, tất cả các sản phẩm đều chăn nuôi theo quy trình khép kín từ khâu sản xuất con giống, thức ăn tới áp dụng các tiêu chuẩn vệ sinh thú y và an toàn dịch bệnh... Từ số lượng 150 triệu quả trứng/năm, đến nay, Dabaco đã cung cấp lên tới 300 triệu quả trứng/năm với hệ thống phân phối khá lớn.

Ông Nguyễn Ngọc Đức, Giám đốc Công ty Dabaco, chia sẻ trong Đại hội cổ đông: “Hiện nay, trứng gà được Dabaco phân phối rộng khắp miền Bắc tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng và các công ty sản xuất bánh kẹo”. Với lợi thế về điểm bán, từ nay đến năm 2019, Dabaco sẽ xây dựng tổ hợp sản xuất giống gia súc, gia cầm tại Tuyên Quang, với vốn đầu tư 400 tỷ đồng; xây dựng khu chăn nuôi Dabaco Bình Phước với tổng mức đầu tư 302 tỷ đồng vào năm 2017-2018; triển khai xây dựng khu chăn nuôi gà giống quy mô 100.000 con tại Bắc Ninh. Mục tiêu của Dabaco 2 năm nữa là sẽ sản xuất 360 triệu quả trứng gà/năm. Bên cạnh đó, Dabaco xây dựng nhà máy chế biến trứng gia cầm công suất 40.000 quả trứng/giờ, mức đầu tư dự kiến 100 tỷ đồng.

Ngoài Dabaco, thị trường trứng miền Bắc còn có sự tham gia của Hòa Phát, dự kiến, đến năm 2018, công ty này sẽ đưa khoảng 300 triệu quả trứng/năm ra thị trường. Hiện nay, mảng nông nghiệp mới chỉ chiếm tỷ trọng khá nhỏ trong cơ cấu doanh thu của Hòa Phát - khoảng 4,4%, còn tỷ trọng lợi nhuận chỉ 0,4%. Mặc dù vậy, với tiềm năng to lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, Hòa Phát đang phát triển rất mạnh sang lĩnh vực này, nhằm hướng tới mô hình 3F.

Cả Hòa Phát, Dabaco, ĐTK, Ba Huân đều đầu tư bài bản với mô hình 3F nhưng mỗi công ty lại có một thế mạnh riêng. Hòa Phát có nguồn vốn lớn, Dabaco vốn có uy tín và thị trường từ lâu, hệ thống phân phối lớn, Ba Huân đã có tiềm lực mở rộng thị trường còn ĐTK lại có nguồn vốn mạnh và đầu tư bài bản. 

Mặc dù thị trường trứng có nhiều doanh nghiệp tham gia cung cấp, nhưng tiềm năng thị trường vẫn còn. Đặc biệt, theo định hướng của Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, trứng là mặt hàng dễ sử dụng, có thị trường rộng lớn không chỉ cho 92 triệu dân trong nước, mà còn cho thị trường thế giới. Vì thế, đầu tư vào sản xuất, chế biến trứng là một hướng đi đúng trong chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp.